- ĐB Trần Du Lịch cho rằng, tư lệnh các ngành đều lo lắng không biết cử tri đánh giá mình như thế nào. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, họ sẽ biết cử tri đánh giá mình ra sao.
Trao đổi với VietNamNet về việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm ngày 10/6 tới đây, ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho biết đã nhận được bản kiểm điểm, báo cáo công việc của tất cả 47 người thuộc diện lấy phiếu.
Rất khó quy trách nhiệm
Theo ông, thông tin trong các bản báo cáo này có đủ để các ĐBQH đưa ra đánh giá chính xác nhất hay không?
Tôi đã nhận được bản kiểm điểm công việc của tất cả 47 người trước kỳ họp một tuần. Tôi đã đọc tất cả rồi. Xét trên chức năng, các vị trình bày khá rõ các mặt làm được, các mặt tồn tại.
ĐBQH Trần Du Lịch: Không để quan hệ, lợi ích cá nhân xen vào cuộc lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bên cạnh báo cáo của họ thì cần lấy ý kiến cử tri và thông qua cả truyền thông đại chúng cũng như những buổi giải trình, thảo luận của họ tại Quốc hội để đưa ra đánh giá.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, quy trách nhiệm cho từng lĩnh vực, từng ngành rất khó, vì nó có quan hệ dây chuyền.
Ví dụ doanh nghiệp chết, hỏi trách nhiệm của ai? Tín dụng không phải lý do duy nhất. Có doanh nghiệp tự đẩy mình vào chỗ chết khi mà tay không bắt giặc, vay tiền sản xuất để đi mua đất.
Với trách nhiệm của một ĐBQH, nghiên cứu xong, chúng tôi sẽ đối chiếu tình hình, cân nhắc phần nào là trách nhiệm chung, phần nào là do trách nhiệm quản lý yếu kém của họ để đưa ra đánh giá của mình.
Ông có lo ngại tâm lý hay cả nể, xuê xoa của người Việt sẽ ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu?
Cả nể, xuê xoa thì có tâm lý đó, nhưng ĐBQH phải có trách nhiệm với cử tri, họ không nên cả nể, xuê xoa với nhau. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, họ phải công tâm và đặc biệt không để quan hệ, lợi ích cá nhân xen vào đây thì mới được.
Đánh giá cao người lăn xả vì công việc
Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ có tác dụng như thế nào?
Tôi nghĩ có nhiều tác dụng chứ. Tư lệnh các ngành đều lo lắng không biết cử tri đánh giá mình như thế nào, qua đây họ sẽ biết cử tri đánh giá mình ra sao.
Tuy nhiên, đây mới là lấy phiếu tín nhiệm chứ chưa phải giai đoạn bỏ phiếu tín nhiệm để đặt vấn đề tôi tín nhiệm anh hay bất tín nhiệm anh.
Vì thế, tôi cho rằng kỳ bỏ phiếu này chỉ dừng ở mức độ để người có trách nhiệm, được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được rằng ý kiến đánh giá của cử tri thông qua ĐBQH về mình như thế nào.
Liệu hoạt động này có khiến các “tư lệnh ngành” rụt rè, không dám làm gì do lo ngại sẽ bị đánh giá không tốt?
Nếu trong thời gian gần đây, kinh tế khó khăn mà vị nào mạnh dạn làm, làm có thể sai, nhưng tinh thần lăn xả vì công việc thì tôi đánh giá rất cao.
Cẩm Quyên