Sáng mai (10/6), lần đầu tiên Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh thuộc bốn nhóm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và các ủy viên Thường vụ khác; Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (CP); Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trước ngày lấy phiếu, VietNamNet ghi lại ý kiến của một số người thuộc diện được lấy phiếu, cũng vừa là người bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh khác.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu:
Không cần lobby
ĐB tin tưởng bỏ phiếu thế nào thì tôi chấp nhận thế ấy và đón nhận kết quả một cách bình thường, vì tôi đã làm hết sức mình với công việc. Không cần chạy đi vận động hay lobby gì.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Đã là cán bộ cấp cao, phải lo phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo tôi, có lẽ xã hội cũng sẽ không chấp nhận. Nếu có ai làm như vậy, báo chí nên phanh phui, nhắc nhở. Quan trọng đã là cán bộ cấp cao, phải lo phụng sự Tổ quốc, nhân dân, xác định ở cương vị nào cũng làm hết sức mình cho đất nước, cho nhân dân".
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi:
Không băn khoăn
Tôi không còn băn khoăn gì trước ngày bỏ phiếu, Thường vụ QH đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Lần đầu tiên làm chắc chắn chưa thể hoàn hảo nhưng ta cứ làm rồi dần dần rút kinh nghiệm. Với 47 chức danh, bản thân tôi tự tin là có đủ thông tin để bỏ phiếu. Tất nhiên, với mỗi người, mức độ hiểu biết về họ thông qua công việc, tiếp xúc, thông tin từ nhiều nguồn... là khác nhau.
Tôi sẽ bỏ phiếu căn cứ trên kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức của mỗi chức danh. Các kênh thông tin của tôi là báo chí, dư luận xã hội, dư luận trong các đồng nghiệp và báo cáo của từng ngành, từng nhân sự..., rất đa dạng, đa chiều.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi: Tôi không băn khoăn gì trước ngày bỏ phiếu. Ảnh: Chung Hoàng |
Với các ĐB khác cũng vậy, mỗi người có thông tin ít nhiều khác nhau, có thể biết rõ hơn về người này và ít hơn về người khác trong 47 chức danh. Quan trọng là các ĐB phân tích và chắt lọc thông tin để đánh giá đúng.
Không loại trừ trường hợp các ĐB có những đánh giá khác nhau, dù tất cả đều khách quan, công tâm. Tuy vậy, QH làm việc theo quy chế quyết định tập thể, tôn trọng ý kiến đa số. Tôi đặt lòng tin vào các vị ĐB, họ sẽ bỏ lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm và xứng đáng với kỳ vọng của cử tri.
Người dân sẽ theo dõi, xem quy trình bỏ phiếu có công khai, minh bạch, rõ ràng không. Họ cũng sẽ đối chiếu kết quả bỏ phiếu của QH với những thông tin mà họ có, những thông tin phong phú, đa dạng hơn nhiều so với 500 ĐB.
Mỗi người dân có cách nhìn riêng, dựa trên thông tin và sự đánh giá riêng. Càng gần với nhận định của người dân thì kết quả bỏ phiếu của QH càng phản ánh đúng ý kiến của nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước:
Phép thử
Các ĐB cần cân nhắc nhiều mặt, thấy rằng tình hình hiện nay đang khó khăn, một số đồng chí trên một số lĩnh vực có những khó khăn khách quan, thậm chí có những khó khăn chủ quan đòi hỏi có thời gian để giải quyết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Đây cũng là dịp để cử tri đánh giá các ĐB làm việc có công tâm không. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Như vậy đòi hỏi ĐB rất sáng suốt, phải là người trong cuộc, khi phán xét người khác thì phải đặt mình vào vị trí, tình huống đó. Nhưng thực tế ĐB ta đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau, mỗi người từ vị trí, cuộc sống của mình sẽ có nhìn nhận, đánh giá và chính kiến riêng về một người trong 47 vị trí đó.
Đây là một phép thử, mà kết quả là cơ hội nhận xét, đánh giá về những chức danh đã được QH bầu và phê chuẩn. Qua đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm càng ý thức hơn trách nhiệm của mình, thấy được nhân dân và QH đang đòi hỏi rất lớn ở các đồng chí này, cần nỗ lực hơn nữa để tương xứng với niềm tin, chức năng và nhiệm vụ mà QH và nhân dân đã giao phó.
Nói một cách công tâm, khách quan thì đó không phải là một áp lực, nếu phiếu có thấp thì nghĩa là công việc của mình chưa được tốt, phải làm tốt hơn nữa.
Ai làm cũng có sơ suất, không phải là thánh tướng mà làm tốt cả. Thậm chí có người làm rất tốt nhưng vì thiếu thông tin mà ĐB cho là làm chưa được, có thể thiếu khách quan trong nhận xét, đánh giá.
Vì ĐB có quyền bỏ phiếu theo chủ quan của họ, nên đây cũng là dịp để cử tri đánh giá các ĐB làm việc có công tâm không, nhận xét của ĐB và nhìn nhận của cử tri đối với các chức danh này có gần nhau không.
Nhưng không nhất thiết phải gần nhau, vì cử tri có thể ít thông tin, thông tin ít chính thống về từng vị, trong khi ĐB có nhiều kênh thông tin chính thống hơn.
Chung Hoàng