Ngoại trưởng Mỹ hôm nay đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, song kế hoạch hội đàm với phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trưa nay đã bị hoãn.

Khi bà Clinton bắt đầu những cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã thể hiện sự ngờ vực về tính trung lập của Mỹ. Vào lúc bắt đầu hội đàm với ông Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Clinton nói, quan hệ Mỹ-Trung là rất mạnh mẽ. "Chúng ta có thể khai thác các lĩnh vực có sự đồng thuận hay bất đồng một cách rất cởi mở. Tôi nghĩ đây là điều thể hiện sự trưởng thành trong mối quan hệ và cơ hội để mối quan hệ ấy tiến xa hơn trong tương lai", bà nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Trì hoãn không lý do

Chưa có bình luận nào về các cuộc gặp đã diễn ra ở Trung Quốc, nhưng kế hoạch hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào trưa nay đã bị hoãn lại vì "những lý do bất ngờ", một quan chức ngoại giao Mỹ nói.

Ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trở thành lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào cuối năm nay, cũng đã hoãn cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Không có lý do nào cho việc này.

Cuối ngày qua, bà Clinton đã hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì sau khi từ Indonesia tới Trung Quốc. Tại Indonesia, bà đã thúc giục các quốc gia Đông Nam Á thể hiện sự đoàn kết trong cách giải quyết với Trung Quốc để tháo gỡ căng thẳng ở Biển Đông.

Mỹ muốn Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác thông qua một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông cùng với một tiến trình giải quyết các tranh chấp hàng hải mà không áp chế, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Ngoại trưởng Clinton mong muốn Trung Quốc từ bỏ quan điểm giải quyết xung đột chủ quyền với từng quốc gia và thay vào đó là theo đuổi một cơ chế đa phương, giúp các thành viên ASEAN có ảnh hưởng hơn trong các cuộc đàm phán.

Bà thúc giục tất cả các bên đạt được "tiến bộ đáng kể" trước một hội nghị thượng đỉnh tháng 11 của các lãnh đạo Đông Á mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tham dự tại Campuchia.

Tại Jakarta, Ngoại trưởng Clinton đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với việc khu vực thông qua một kế hoạch để giảm bớt căng thẳng đang gia tăng bằng cách thực thi bộ quy tắc ứng xử. Quan điểm cơ chế đa phương giải quyết tranh chấp của Mỹ đối lập với Trung Quốc - nước ngày càng gây hấn và quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền với các láng giềng nhỏ hơn. Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước liên quan, như một chiến thuật "chia để trị" khi biết chắc có lợi thế hơn trong đàm phán.

Ngờ vực

"Mỹ không đứng về bên nào trong cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ... nhưng chúng tôi tin là các nước trong khu vực nên làm việc hợp tác để giải quyết các tranh chấp mà không áp chế, đe dọa và chắc chắn không sử dụng vũ lực", Ngoại trưởng Mỹ nói trong cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa.

Tuy nhiên, Trung Quốc hôm qua đã bày tỏ sự ngờ vực về tuyên bố trung lập của Mỹ.

"Mỹ nhiều lần nói không đứng về phía nào", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết. "Tôi hy vọng họ sẽ giữ cam kết ấy và góp phần nhiều hơn cho ổn định, chứ không phải là ngược lại. Tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp. Với Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông là vấn đề chủ quyền với một số đảo ở đây. Trung Quốc, giống như các nước khác trên thế giới, có bổn phận bảo vệ lãnh thổ của mình".

Bước sang ngày thứ hai liên tiếp, báo chí Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, Mỹ đứng sau các tranh chấp ở Biển Đông và "Trung Quốc không nên để Mỹ có bất kỳ nghi ngờ nào hay hiểu nhầm nào về quyết tâm của mình".

Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận về tình hình ở Syria, và các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên trong khi bà ở Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ đang có chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương kéo dài 11 ngày. Sau Trung Quốc, bà sẽ thăm Đông Timor và Brunei trước khi tới Viễn Đông của Nga để tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Thái An (theo AP)