Dù không phải là tháng "cao điểm" xử phạt hành vi dừng/đỗ xe trái phép, nhưng với những động thái quyết liệt của các cơ quan chức năng tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội trong việc lập lại trật tự, người lái xe cũng cần xem lại những quy định về mức phạt trong các tình huống này.

Khởi đầu chiến dịch lập lại trật tự xã hội là hành động "xuống đường" diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh khi phó Chủ tịch UBND Quận 1 - ông Đoàn Ngọc Hải thân chinh xuống đường xử phạt nghiêm khắc các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lề đường cũng như đỗ xe không đúng nơi quy định. Sự việc này, dù làm nảy sinh những tranh luận, nhưng cũng trở thành động lực để Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và các tỉnh/thành khác nỗ lực thực hiện.

{keywords}

Một chiếc xe ôtô bị kéo về xử lí tại Quận 1, Tp Hồ Chí Minh

Và cũng do những động thái quyết liệt này, người dân đã bắt đầu dừng/đỗ xe có ý thức hơn; không những vậy, đây còn là dịp để mọi người nhìn lại kiến thức về việc dừng/đỗ xe trong thành phố, những việc làm tưởng chừng như rất dễ dàng.

Nhân dịp này, hãy cùng điểm lại các mức phạt đối với các hành vi vi phạm dễ mắc phải khi dừng/đỗ xe ôtô theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông (Điều 5).

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các hành vi sau:

- Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

- Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với các hành vi:

- Đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường;

- Dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường;

- Đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;

- Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m;

- Dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước;

- Rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe;

- Dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng, đỗ xe;

- Dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau:

- Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

- Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt;

- Dừng xe, đỗ xe tại vị trí bên trái đường một chiều;

- Dừng xe, đỗ xe trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất;

- Dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt;

- Dừng xe, đỗ xe song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

- Dừng xe, đỗ xe nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05 m tính từ mép đường giao nhau;

- Dừng xe, đỗ xe tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 05 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào;

- Dừng xe, đỗ xe nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

- Dừng xe, đỗ xe che khuất biển báo hiệu đường bộ;

- Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m;

- Đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt;

- Đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước;

- Đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:

- Điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;

- Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.

(Theo Dân trí)