Mới học hết cấp 3, chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng ông Nguyễn Hữu Trọng (Từ Liêm - Hà Nội) khiến không ít người ngạc nhiên về những sáng chế của mình. Gần đây nhất là sản phẩm tiết kiệm xăng cho xe máy, mỗi lít xăng chạy được tới 90km và dàn dây chuyền máy móc tự động hóa được chế từ... sắt vụn của ông.

Nhà sáng chế “chân đất”

Học hết cấp 3, ông Nguyễn Hữu Trọng tình nguyện vào chiến trường theo lý tưởng của tuổi trẻ. Giải ngũ, người thương binh 4/4 bước vào một cuộc chiến mới còn khốc liệt hơn nhiều lần, đó là cuộc sống mưu sinh. Dù chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng với những sáng chế của mình, ông Trọng khiến không ít người phải kinh ngạc.

Trải qua đủ thứ nghề, ông Trọng trở nên nổi tiếng từ những thập niên 90 của thế kỷ trước với biệt tài sửa xe máy Babetta, làm bếp ga, sửa máy biến thế… và dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên. Dù ở công việc nào ông cũng thu được những thành tích đáng nể.

{keywords}

Nhà sáng chế Nguyễn Hữu Trọng bên dàn máy sản xuất thiết bị của mình

“Lúc sửa xe ở đường Láng, tôi nhận thấy mọi người rất khó khăn trong việc đạp nổ xe Babetta. Tôi mày mò chế tạo được một vài chi tiết khiến mọi người chỉ đạp nhẹ là xe đã nổ nên rất đông khách tìm đến”, ông Trọng chia sẻ. Sau này, ông chú trọng vào việc sửa chữa dòng xe này. Vì lúc đó, Hà Nội rất phổ biến Babetta nên ông Trọng làm không hết việc và không có ngày nghỉ, dù lễ, Tết.

Vì thành tích đó nên ông Trọng nổi tiếng. Đáng nhớ nhất là lần ông sửa thành công 4 chiếc máy biến thế rất lớn được vận chuyển từ miền Nam ra Hà Nội. Những chiếc biến thế này sản xuất tại Liên Xô, có yêu cầu rất cao về kỹ thuật đang bị rò điện. Rất nhiều kỹ sư cũng như chuyên gia đã "bó tay". Được một người bạn quen tại đây giới thiệu, ông Trọng đã mày mò và sửa chữa thành công, thậm chí vượt cả yêu cầu.

Theo ông Trọng, giữa các vòng dây sơ cấp, thứ cấp với vỏ nhôm (vỏ nhôm nấu chảy đổ trực tiếp vào các cuộn dây) phải đảm bảo yêu cầu kĩ thuật khi nạp điện thế 500V thì điện trở giữa sơ cấp, thứ cấp và khung nhôm phải đạt 5MΩ. Rất nhiều kỹ sư đã đầu hàng trước chiếc máy này. Sai nhiều ngày mày mò, ông Trọng đã tìm ra được vật liệu cách điện, chấm dứt tình trạng rò điện và hơn thế nữa, điện trở đạt 50MΩ, cao gấp 10 lần yêu cầu.

Một thời gian sau, ông Trọng được mời thiết kế một dây chuyền sản xuất quả cầu trong suốt đường kính 1,6cm, bên trong có hình con thú cho CHLB Đức. Ông đã hoàn thành công việc chỉ với vài công nhân. Trong khi trước đó, chủ đầu tư đã chi 5 triệu USD đặt dây chuyền của Ấn Độ nhưng sản phẩm sản xuất ra không đạt yêu cầu.

Chưa hết, ông Trọng còn được mời tham gia thiết kế robot công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam tên là TOPIO. Công đoạn ông Trọng thực hiện là chế tạo cánh tay cho robot. Tại triển lãm ở Nhật, robot này đã thể hiện khả năng tự đánh bóng bàn.

{keywords}

Thiết bị tiết kiệm xăng được gắn vào động cơ xe máy

{keywords}

Khi lắp vào xe, thiết bị này sẽ bị yếm xe che đi

Điều đặc biệt, ông Trọng không hề được đào tạo kiến thức cơ bản cũng như nhiều công việc ông chưa từng làm qua. Tuy nhiên, khi được giao việc, ông mày mò nghiên cứu không mệt mỏi và với sự sáng tạo, ông đã làm được nhiều việc gần như không tưởng đối với một người thợ sửa xe máy như ông.

Chạy 90km hết... 1 lít xăng

Dù có vô số thành tích nhưng thành công lớn nhất của ông Trọng là chế tạo thiết bị tiết kiệm xăng cho xe máy. Chạy thử hàng trăm lần, thử nghiệm trên xe của nhiều khách hàng, thiết bị của ông Trọng giúp xe máy tiết kiệm được 30-40% nhiên liệu, con số đáng mơ ước đối với bất kỳ công ty cơ khí nào trên thế giới. Khi lắp thiết bị này vào xe, chỉ với 1 lít xăng, chiếc xe có thể chạy được 90-100km.

Theo ông Trọng, nguyên lý hoạt động của thiết bị khá đơn giản. Thiết bị được gắn vào xe máy, tận dụng nguồn nhiệt của khí xả để làm hóa hơi hỗn hợp đốt trước khi đưa vào buồng đốt. Điều này khiến cho hiệu quả đốt cháy nhiên liệu là cao nhất và có thể tiết kiệm tối đa nhiên liệu.

“Thiết bị này không làm thay đổi kết cấu động cơ, không thay đổi thành phần nhiên liệu và có thể tháo lắp dễ dàng. Khi có thiết bị này, việc đốt cháy nhiên liệu trở nên triệt để, bô và buzi không còn muội, xe vận hành êm hơn. Đặc biệt, ống xả rất mát, đi bao nhiêu lâu cũng không lo bô nóng”, ông Trọng nói.

Sản phẩm của ông Trọng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2010. Đến năm 2012, sản phẩm của ông lại được cấp giấy chứng nhận của chương trình “Sáng tạo Việt” cho chủ đề “Tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy, ô tô, giảm ô nhiễm môi trường”.

{keywords}

Bằng sáng chế độc quyền của ông Trọng

Tuy nhiên, sản phẩm của ông lại không được các nhà đầu tư đón nhận bởi họ cho rằng, dây chuyền máy móc để chế tạo ra thiết bị này rất tốn kém. Trước tình hình đó, ông Trọng quyết định tự mình làm dây chuyền và sản xuất hàng loạt. Điều đặc biệt, dây chuyền máy móc của ông được chế tạo từ... sắt vụn.

Nghĩ là làm, ông Trọng dồn hết vốn liếng trong nhà, vay mượn thêm anh em bạn bè để chế tạo dây chuyền sản xuất máy móc. May mắn, việc làm của ông nhận được sự ủng hộ của nhiều người vì họ đã biết đến khả năng sáng tạo và sự lao động nghiêm túc của ông.

Vậy là, chỉ với viên phấn và nền gạch, không cần giấy bút hay máy vi tính, ông Trọng miệt mài vẽ, xóa để làm các chi tiết máy. Tiếp đó, ông lang thang khắp các cửa hàng bán đồ sắt vụn để mua vật liệu chế tạo cho tiết kiệm.

Sau 7 năm mày mò, ông Trọng chế ra một giàn máy móc, dây chuyền sản xuất khiến tất cả mọi người đều sửng sốt về độ phức tạp cũng như công phu. Những máy móc này có đến hàng vạn chi tiết máy, đều hoạt động theo nguyên lý tự động và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

{keywords}

Một góc của xưởng sản xuất thiết bị

{keywords}

Một trong 7 chiếc máy của dây chuyền sản xuất tự động hóa do ông Trọng sáng chế

Trong suốt từng ấy năm mày mò, mỗi ngày làm việc 16 tiếng đồng hồ, dốc hết vốn liếng và cõng nợ nần, ông Trọng cũng có những lo toan khi sản phẩm của mình không có thị trường. Vì áp lực, lúc sản phẩm gần hoàn thành, ông Trọng đột nhiên ngã bệnh và phải điều trị nhiều ngày trong viện. Nghĩ đến công sức bấy lâu có thể đổ bể, ông lại càng bi quan.

“Tôi không được đào tạo bài bản về cơ khí, chế tạo nhưng tôi học từ thực tế thông qua lao động nghiêm túc. Tôi tin rằng nếu mình nỗ lực chắc chắn trời không phụ lòng người”, ông Trọng chia sẻ.

Gượng dậy, ông tiếp tục lao vào công việc. Sản phẩm của ông chế tạo đã hoàn thiện hơn, khắc phục được những nhược điểm trước đó. Những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên cũng nhận được những phản hồi tích cực. Dù việc đưa vào sản xuất hàng loạt không phải ngày một ngày hai nhưng người thương binh mê lao động, ham sáng tạo này vẫn tràn đầy lạc quan.

(Theo Motthegioi)