- “Mấy chục năm nay bà con mình ở đây mơ có cái ti vi để xem. Nhưng mơ hoài chẳng có, nhà nào giàu mới mua nổi. Mỗi năm chờ đến ngày đội chiếu bóng lưu động của tỉnh ghé qua chiếu cho xem mấy bộ phim. Nếu năm nào mưa lũ triền miên thì đành chờ đến sang năm mới được xem phim…”-Già làng Hồ Văn Long ở nóc Măng Lanh, nằm dưới chân đỉnh Ngọc Linh thuộc xã Trà Nam, huyện Nam Trà My kể.
Chảo parabol cũ rét bắt sóng truyền hình tại một quán buôn bán trên đỉnh Ngọc Linh. |
Những ước mơ xa xỉ nơi miền rừng
Trong cái lạnh cong cóng của đêm miền rừng trên đỉnh Ngọc Linh, câu chuyện của các già làng kể về những ước mơ đời người suốt hơn mấy chục năm nay vẫn cứ là ước mơ nghe mà đắng lòng.“Bà con mình ở đây không sợ khổ, không sợ đói. Chỉ sợ sướng thôi!” Lời bộc bạch của già làng Hồ Văn Long nghe là lạ, tôi hỏi: Tại sao bà con mình sợ sướng?
Già Long thủng thẳng nói như tâm sự với chính mình: “Đói, khổ bà con mình quen và biết rồi có chi mà sợ. Đói khổ thêm chút nữa có sao đâu! Chỉ có cái sướng bà con mình chưa biết nó ra răng nên phải sợ…!” Thì ra cái lý của người vùng cao là vậy!Cái sự sướng mà già làng Long cũng như bà con nơi miền rừng này bảo là nếu có đói, có khổ mà mỗi đêm được ngồi nhà xem cái ti vi như bà con miền xuôi là sướng rồi!
Già Long bảo: Bà con trong làng mình ngày lên rẫy, tối về uống rượu. Lũ trai làng chưa vợ thì đi qua các làng bên tìm vợ. Quanh năm với rẫy nương, muốn xem cái ti vi cũng chẳng có mà xem, nên lũ làng phải lấy rượu làm vui…”
Bà con dân tộc ở vùng biên giới Nam Giang đang xem phim mỗi năm 1 lần. |
“Mấy chục năm ni cả làng mình đâu biết cái tivi. Mấy năm trước có chủ quán bán tạp hóa dưới xuôi lên mang theo cái máy phát điện chạy cái tivi nhỏ như cuốn vở học sinh cả làng mình kéo đến xem vui lắm. Được mô mấy tháng, cái ti vi bị hư, lại không bắt được sóng nên đành chịu”-Già Long kể.
Đi qua các bản làng heo hút nằm dưới chân Ngọc Linh điều cảm nhận đầu tiên là đời sống đổi thay. Bản làng sạch đẹp hơn, bởi nhờ những con đường giao thông vừa mới mở từ các chương trình dự án đầu tư cho miền núi.
Nhưng dường như đời sống văn hóa tinh thần vẫn vậy. Ngoài chuyện ăn no mặc ấm họ vẫn khao khát rất đời thường là được xem thời sự trên ti vi, được xem những bộ phim truyền hình.
Thế nhưng ước mơ của họ đã trôi qua hơn 38 mùa rẫy vẫn chỉ là ước mơ chưa thành hiện thực. Nhiều người dân nơi miền rừng này bảo với tôi rằng họ ước mơ được ngồi ở trong nhà xem ti vi như người miền xuôi rồi có chết cũng mãn nguyện.
Tôi giật mình với những ước mơ đời thường của người dân miền rừng sao mãi đến bây giờ đã hơn 38 năm trôi qua vẫn còn là nổi ước mơ xa xỉ ngoài tầm tay với đối với con dân miền heo hút suốt bao nhiêu năm nay vẫn chịu nhiều thua thiệt!
Chuyện xem truyền hình ở vùng cao
Rời các bản làng dưới chân Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, tôi ngược lên miền biên giới Việt-Lào.
Tôi vào làng Đắk Ốc nằm bên con đường quốc lộ 14D sát biên giới. Làng đông đúc dân cư nhưng chỉ có 5 cái ti vi.
Già làng Blúp Dứ, thôn Đắk Ốc bảo bà con ở đây ai cũng nghèo nên chuyện mua được tivi xem được đài Truyền hình là vô cùng khó khăn. Theo lời ông Dứ, cái ti vi rẻ nhất cũng mất 3 triệu đồng, bộ thu phát tín hiệu vệ tinh vinasat hoặc chảo parabol bắt được sóng cũng mất thêm 600 đến 1,2 triệu đồng, lấy tiền đâu mà mua, điện đâu mà chạy?
Một góc nóc Măng Lùng trên đỉnh Ngọc Linh, ước mơ được xem ti vi với bà con nơi đây là ước mơ xa xỉ. |
Khó là vậy, nhưng nhiều gia đình nơi miền biên giới này vẫn bán bò, bán trâu, bán heo để mua cái ti vi và chảo parabol và máy phát điện để xem truyền hình mà như lời họ bảo nhờ cái tivi mà họ hiểu được nhiều điều mới lạ.
A Lăng Non-một “đại gia” ở thôn 3 xã Đắc Pring, huyện Nam Giang là người đầu tiên nơi miền rừng này sắm được tivi và mua chảo parabol cùng máy phát điện để xem truyền hình.
“Đêm nào mình cũng mở tivi phục vụ bà con đến xem. Cả làng chỉ nhà mình có cái tivi nên bà con đến xem vui lắm. Đêm mô cũng phải thức để phục vụ, khổ nhất là bà con đến xem dẫm nát cây trong vườn và mất vệ sinh do phóng uế bừa bãi…”, anh Non than thở.
“Có hôm mình đi vắng, mấy bộ phim trên truyền hình bà con ai cũng mê nhưng đành chịu. Ước chi mình có thời gian và có nhiều tiền mua thêm mấy cái ti vi để phục vụ bà con…”, anh Non tâm sự.
Hôm tôi đến nóc Măng Lùng trên đỉnh Ngọc Linh chứng kiến cảnh bà con đốt đuốc í ới gọi nhau đến nhà ông Hồ Văn Don để xem ti vi. Mỗi người đến xem đùm theo mấy lon gạo, người thì bó rau, kẻ con gà mà họ bảo là nộp cho chủ nhà để được xem ti vi.
Cảnh xem phim truyền hình của bà con Xê Đăng ở nóc Măng Lanh dưới chân đỉnh Ngọc Linh. |
Ông Don bảo ông không yêu cầu bà con mang theo gạo, theo rau để được xem tivi. Nhưng bà con thấy mình bỏ tiền mua cái tivi, rồi chảo parabol, máy phát điện hết nhiều tiền nên bà con muốn góp để được xem, mình thấy rất ngại. Nhưng không lấy bà con không chịu nên đành phải nhận.
Còn ở các xã vùng cao Tây Giang sau khi có điện lưới, nhiều gia đình bán trâu, bán bò để mua tivi xem những bộ phim Hàn Quốc trên truyền hình như Mối tình đầu, Giày thủy tỉnh…chiếu mỗi đêm khiến bà con Cơ Tu chết mê chết mệt các diễn viên, nên khi sinh con họ lại lấy tên các diễn viên Hàn Quốc để đặt tên cho những đứa con của mình.
Gia đình anh Hồ Văn Nin nhà ở khu tái định cư Sông Tranh 2 nhờ có tiền đền bù nên mới mua nổi tivi và chảo parabol để xem truyền hình. |
Theo sổ hộ tịch tư pháp xã Atiêng huyện Tây Giang, những cái tên nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc như: Pơloong San Diu, Alăng Na Ra, Bhriu Thị Hy Su, Bhling Jang Gun... khiến nhiều bản làng Cơ Tu giữa đại ngàn thành những làng Hàn Quốc khiến cán bộ ngành tư pháp dở khóc dở cười khi làm giấy khai sinh cho trẻ em.
Hơn 3 ngày vượt núi lên vùng cao tận mắt chứng kiến nỗi khao khát được xem truyền hình của người dân miền rừng mới thấu hiểu cái ước mơ giản đơn đã hơn 38 năm trôi qua vẫn cứ là ước mơ mà nói như anh bạn đồng nghiệp đài truyền hình huyện Nam Trà My bảo với tôi rằng đó là ước mơ xa xỉ đối với người miền rừng nơi vùng cao này!
Vũ Trung
Các tin liên quan |
‘Phổ cập’ truyền hình ở miền núi qua… chảo lậu Xem truyền hình “lạ” ở vùng sâu Thanh Hóa |