Nói về lĩnh vực tiền điện tử của nước Mỹ trong giai đoạn tới, tác giả Leigh Cuen trên trang Techcrunch cho rằng sẽ không thể có kịch bản tồi tệ hơn các điều luật của Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kỹ thuật số như nhà phát triển Square Crypto, Matt Corallo, và Giám đốc Trung tâm Coin, Jerry Brito, hiện vẫn còn quá sớm để nói liệu Bộ trưởng Tài chính kế nhiệm, Janet Yellen, sẽ phê duyệt tiêu chuẩn “Know Your Customer” (KYC), một giải pháp quản lý chống rửa tiền, hay từ chối nó.
Brito nói về Cựu Bộ trưởng Tài chính: “Mnuchin từng có quan điểm rất tiêu cực về tiền điện tử, cho rằng chúng luôn bị sử dụng bất hợp pháp. Thật may là Janet Yellen không giống vậy, cách nhìn vấn đề của bà ấy rất chuẩn”.
Cụ thể, Yellen tin rằng tiền điện tử có thể được sử dụng theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Ngoài ra, bà bày tỏ mong muốn tăng cường các quy định ngăn chặn việc sử dụng chúng theo cách bất hợp pháp như tài trợ cho khủng bố.
Theo Brito, Yellen có thể sẽ đưa ra nhiều kiến nghị cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC), Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) liên quan đến vấn đề này.
Cựu Bộ trưởng Tài Chính, Steven Mnuchin, người có cái nhìn không mấy tốt về tiền điện tử. Ảnh: Wall Street Journey. |
Chính quyền mới sẽ bổ nhiệm nhiều chuyên gia tiền kỹ thuật số
Nhiều “người hâm mộ” bitcoin tỏ ra lạc quan và hi vọng vào cách tiếp cận của chính quyền mới với lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số vì SEC, OCC và CFTC đang tuyển dụng những người rất am hiểu về tiền điện tử làm việc cho mình.
Mặc dù vẫn còn sớm trong quá trình chuyển đổi, nhưng có vẻ chính quyền Biden sẽ đề cử cựu cố vấn Ripple và cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, Michael Barr, làm người đứng đầu OCC. Uỷ viên Hester Pierce, trước mắt sẽ tiếp tục điều hành SEC cho đến khi người kế nhiệm được đồn đoán, Cựu Chủ tịch CFTC, Gary Gensler, thay thế cô.
Ngoài ra, hãng thông tấn Reuters đưa tin Nhà Trắng dự kiến đề cử Giáo sư Đại học Georgetown, Chris Brummer, lãnh đạo CFTC. Brummer từng là lựa chọn của Tổng thống Obama nhưng không được Thượng viện chấp nhận do những bê bối về chính trị.
Hiện vẫn chưa rõ nhân vật nào sẽ được đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) và Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN), hai cơ quan quan trọng nhất của Mỹ trong việc kiểm soát tài trợ khủng bố.
Mặc dù vậy, luật sư Hailey Lennon, thuộc công ty luật Anderson Kill, khẳng định rằng: “Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều chính sách hơn từ FinCEN và OFAC. Một vài thoả thuận đã được dàn xếp nhưng cũng có vài cái tên bị OFAC thêm vào danh sách đen của mình”.
“Tình hình sẽ cân bằng giữa nới lỏng và siết chặt. OCC, SEC và CFTC có thể sẽ đưa ra nhiều quy định liên quan đến tiêu chuẩn KYC và luật chống rửa tiền, họ sẽ giám sát nhiều hơn những nguồn tiền tài trợ và áp dụng các biện pháp trừng phạt”, Lennon nói thêm.
Ngược lại, người kế nhiệm Janet Yellen có quan điểm tích cực hơn về lĩnh vực kỹ thuật số này. Ảnh: Business Insider. |
Lệnh trừng phạt sẽ là chủ đề nóng của năm 2021
Cho đến nay, chính quyền Biden chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được ban hành trước đó. Ngược lại, vào ngày 18/2, Bộ Tài chính thậm chí tuyên bố xử phạt ứng dụng thanh toán BitPay vì cho phép người dùng giao dịch với các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ như Iran, Cuba và Ukraine.
Theo trang Techcrunch, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề liên quan đến tiền điện tử sẽ một phần phản ánh liệu Nhà Trắng ưu tiên cách tiếp cận diều hâu hay ôn hòa đối với vấn đề ngoại giao ở Trung Đông.
Hi vọng vào tín hiệu tích cực của chính quyền mới
Perianne Boring, người sáng lập một nhóm vận động có tên Phòng Thương mại Kỹ thuật số, cho biết chính quyền mới đang phát ra một tín hiệu quan trọng về việc nới lỏng lĩnh vực tiền điện tử.
Boring hy vọng các nhà chuyên gia trong ngành sẽ nắm bắt cơ hội để biến nước Mỹ thành quốc gia dẫn đầu trong thị trường tiền điện tử toàn cầu.
Trước đây, những công ty khởi nghiệp về tiền kỹ thuật số của Mỹ vốn luôn phải cạnh tranh trên đấu trường toàn cầu, trước các công ty tại các quốc gia có bộ luật tiến bộ hơn.
Nhiều người hi vọng vào Joe Biden sẽ nới lỏng các chính sách về tiền điện tử. Ảnh: White House. |
Do đó, nhiều nhà công nghệ tin rằng những nhà lãnh đạo mới có nghĩa vụ bảo vệ sự thống trị của đồng USD bằng cách thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ này.
Brito nói rằng ông đang rất tò mò muốn xem cách mà những người được bổ nhiệm cho OFAC và FinCEN, những cánh tay phải và trái của Yellen, tiếp cận các biện pháp trừng phạt và đưa ra quy định.
Tuy vậy, ông đồng ý với Lennon và Boring rằng chính quyền mới sẽ có những chính sách cho riêng mình và dù các phán quyết sắp tới có như thế nào, ít nhất Tổng thống đương nhiệm Biden vẫn chưa từng đăng trên Twitter rằng ông ấy ghét bitcoin, như cách Trump đã làm.
Theo Zing/Techcrunch
Sự nguy hiểm của 'cá voi' Bitcoin
Là những người nắm giữ tới 40% tổng lượng Bitcoin hiện có, “cá voi” hoàn toàn có thể khiến thị trường tiền mã hóa sụp đổ.