Trước tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, các cư dân mạng đã nghĩ ra nhiều sáng kiến khác nhau nhằm tự bảo vệ mình. Một trong các cách làm đó là việc tự tạo ra bản đồ các địa điểm cần lưu ý vì có người nghi lây nhiễm Covid-19 tại Hà Nội. 

Đây là tập hợp các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm được đánh dấu bằng các biểu tượng cảnh báo, Bản đồ này được tạo ra nhờ tính năng tự tạo bản đồ My Map của Google Maps. 

Theo người tạo ra bản đồ trên, những địa điểm được đánh dấu là nơi ở hoặc nơi làm việc của những người chịu ảnh hưởng từ ca bệnh của N.H.N. (bệnh nhân số 17 đã nhiễm Covid-19).

{keywords}
Dân mạng tự tạo bản đồ địa điểm có người nghi lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Trọng Đạt

Chỉ sau hơn một ngày xuất hiện, bản đồ online các vị trí có nguy cơ lây nhiễm này đã được truyền tay nhau trên các trang mạng Internet với gần 1,4 triệu lượt xem và chia sẻ. 

Việc người dân tự ý làm bản đồ các khu vực lây nhiễm không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Trước đó tại Hàn Quốc, một sinh viên đã tự tạo ra bản đồ số để cung cấp thông tin về vị trí người nhiễm dựa trên thông tin xác thực của những người bệnh do Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cung cấp.  

Đây là một cách làm thể hiện sự chung tay của cộng đồng trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Tuy vậy, cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sự chính xác của công cụ nói trên phụ thuộc vào chính người chủ bản đồ. 

{keywords}
Việc người dân tự tạo bản đồ địa điểm có người nghi lây nhiễm Covid-19 cũng từng diễn ra tại Hàn Quốc. 

Trong trường hợp người chủ bản đồ vô tình hay cố ý đăng tải những thông tin không chính xác, điều này sẽ gây ra tâm lý hoang mang không cần thiết. Các thông tin sai sự thật (fake news) cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và sinh hoạt của những người dân đang sinh sống tại chính những khu vực bị “đánh dấu đỏ”. 

Bởi vậy, người dân không nên quá tin tưởng vào các công cụ bản đồ về tình hình dịch bệnh Covid-19 được chia sẻ trên mạng Internet. Thay vào đó, người dân chỉ nên tìm đến các phương tiện truyền thông chính thống hay website, cổng thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Y tế. 

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên sớm vào cuộc, tạo ra các công cụ bản đồ online, cập nhật theo thời gian thực để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với tình hình dịch bệnh từ các kênh chính thống, tránh tình trạng người dân phải tìm đến những nguồn tin mang tính tự phát. 

Trọng Đạt