Ngày nay, chip có mặt trong mọi thứ, từ máy chơi game, bàn chải đánh răng tới máy giặt, đồng hồ báo thức. Tuy nhiên, thế giới đang đối diện với khủng hoảng chip trầm trọng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Glenn O’Donnell, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại hãng tư vấn Forrester, tin rằng tình trạng còn kéo dài tới 2023 do nhu cầu cao và nguồn cung tiếp tục căng thẳng. Ông dự báo nhu cầu máy tính cá nhân giảm nhẹ vào năm tới, trong khi các trung tâm dữ liệu sẽ mua nhiều chip hơn. Theo ông, kết hợp với tăng trưởng trong lĩnh vực điện toán đám mây và đào tiền ảo, nhu cầu chip sắp tới sẽ bùng nổ.
Còn theo Patrick Armstrong, Giám đốc CNTT Plurimi Investment Managers, khủng hoảng chip có thể kéo dài 18 tháng. Có quá nhiều hàng hóa cần đến chip như ô tô, điện thoại, IoT… Tất cả đều kết nối Internet. Ngành công nghiệp xe hơi bị ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Đầu tháng này, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC cho biết có thể bắt kịp nhu cầu xe hơi trong tháng 6. Tuy nhiên, ông Armstrong cho rằng điều đó quá tham vọng. Ford, BMW, Volkswagen đều nhấn mạnh họ gặp vấn đề nút thắt cổ chai trong sản xuất và không thể mua đủ chip cần thiết để chế tạo xe hơi.
Hãng nghiên cứu Gartner dự báo khủng hoảng chip còn tiếp diễn đến năm 2021, chưa kể giá chip cũng tăng. Nhà phân tích Alan Priestley nhận định tình hình có thể khá hơn với một vài lĩnh vực trong 6 tháng tới nhưng cũng có thể xuất hiện “hiệu ứng dây chuyền” sang năm 2022. Ngành bán dẫn đang làm mọi cách để tăng năng suất song cần có thời gian.
Thực tế, Intel tuyên bố dành 20 tỷ USD cho hai nhà máy sản xuất chip mới tại Arizona, Mỹ. Theo ông Priestley, phải mất 2 tới 3 năm các nhà máy này mới hoạt động nhưng nó sẽ đáp ứng nhu cầu tương lai.
Reinhard Ploss, CEO nhà sản xuất chip Infineon của Đức, tuần trước khẳng định “rõ ràng cần thời gian” cho tới khi cân bằng cung cầu.
Theo Wenzhe Zhao, Giám đốc Chiến lược và kinh tế toàn cầu của Credit Suisse, khủng hoảng chip gần đây khuyến khích dự trữ hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng, dẫn đến khoảng cách cung – cầu càng nới rộng. Ông cho rằng không thể làm gì nhiều để giải quyết tình trạng hiện nay ngoại trừ điều chỉnh lượng đơn đặt hàng, lịch trình sản xuất và giá cả.
Du Lam (Theo CNBC)
Trung Quốc sản xuất chip lạc hậu hơn 2 thế hệ so với thế giới
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là các chất bán dẫn với tiến trình công nghệ tiên tiến.