Hiện trường vụ cháy tại nhà máy của Renesas. (Ảnh: Renesas) |
Nhà sản xuất chip Renesas (Nhật Bản) thông báo cần ít nhất 3 đến 4 tháng để khôi phục hoàn toàn năng lực sản xuất sau vụ hỏa hoạn làm hư hại nghiêm trọng một nhà máy của công ty, đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Ngày 19/3, nhà máy sản xuất chip của Renesas ở Đông Bắc Nhật Bản đã bị hỏa hoạn do một sự cố về điện. Vụ việc làm hư hại một tầng nhà máy rộng 600m2, gián đoạn quá trình sản xuất và tác động không nhỏ tới sản lượng.
Sự cố này đã gây thêm áp lực lên ngành chip giữa lúc nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu đang bị thiếu hụt trầm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ôtô, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng. Hiện Renesas chiếm khoảng 35% thị phần chất bán dẫn dành cho ngành công nghiệp ôtô.
Giám đốc điều hành (CEO) Hidetoshi Shibata cho biết Renesas sẽ phải thay thế 23 máy móc bị hư hại trong vụ hỏa hoạn, tăng mạnh so với 11 chiếc theo đánh giá sơ bộ trước đó. Dự kiến, việc thay thế toàn bộ số máy móc này có thể kéo dài vài tháng khi lịch bàn giao máy mới vẫn chưa chắc chắn, dù rằng Renesas tin tưởng việc bàn giao sẽ không bị trì hoãn.
Renesas hy vọng có thể khôi phục hoạt động của nhà máy này trong khoảng 1 tháng, nhưng phải mất từ 3-4 tháng mới có thể trở về công suất tối đa nếu không có trở ngại nào phát sinh. CEO Renesas thừa nhận lịch trình trên sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bàn giao máy móc.
Lo ngại về việc nguồn cung chip toàn cầu bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn, Chính phủ Nhật Bản và một số khách hàng của Renesas như Toyota đã tham gia hỗ trợ quá trình khắc phục sự cố. Chính phủ Nhật Bản không hỗ trợ tài chính nhưng sẽ điều phối hỗ trợ từ các đơn vị tư nhân hoặc hỗ trợ đặt mua thiết bị thay thế.
Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Hiroshi Kajiyama ngày 30/3 cho biết chính phủ đã nhờ các nhà sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) hỗ trợ sản xuất.
Theo Vietnam+
Ngành bán dẫn đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành công nghiệp bán dẫn hiện vẫn được hưởng lợi từ thương mại tự do, nhưng tình trạng khan hiếm gần đây cho thấy sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.