Vụ phóng tên lửa Epsilon số 5 (Nhật Bản) mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vừa bị hủy bỏ do điều kiện thời tiết xấu. 

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”.

{keywords}
Tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản). Ảnh: Trọng Đạt

Theo TS Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thông báo từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, vụ phóng tên lửa Epsilon số 5 bị huỷ bỏ vì điều kiện thời tiết không đáp ứng được các yêu cầu an toàn phóng.

Chia sẻ thêm, ông Huy cho biết, trước thời điểm phóng, các cơ quan đã thả bóng tầm cao để kiểm tra gió. Bước đầu, thông tin trả về cho thấy sức tác động mạnh của gió, do đó lịch phóng đã bị huỷ. Thông tin về lần phóng tiếp theo sẽ được cập nhật sau. 

Trao đổi về việc này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc tạm hoãn hôm nay do yếu tố chính là thời tiết, cụ thể là gió tầng khí quyển lớn và ngược chiều tên lửa. 

Theo ông Tuấn, các yếu tố kỹ thuật cho việc phóng tên lửa mang vệ tinh NanoDragon đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, yêu cầu an toàn luôn phải giữ ở mức tuyệt đối. Đó là lý do khi phát hiện một điều gì đó bất thường, các sự kiện đều sẽ phải dừng lại. 

{keywords}
Mô hình vệ tinh NanoDragon. Ảnh: Trọng Đạt

Trước đó, việc phóng tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon đã buộc phải tạm hoãn một lần vào ngày 1/10/2021. Khoảng 19 giây trước khi phóng tên lửa Epsilon số 5 ngày 1/10, JAXA đã tạm dừng khẩn cấp để kiểm tra hệ thống. Sau khi kiểm tra, JAXA đã quyết định hoãn sự kiện phóng tên lửa.

Như vậy, đây đã là lần thứ 2 sự kiện phóng tên lửa mang vệ tinh NanoDragon bị tạm hoãn.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat, lớp nano. Vệ tinh này nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh NanoDragon hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).

NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động tại quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km. Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Trọng Đạt

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên lịch phóng mới sau vụ hoãn trước giờ G

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên lịch phóng mới sau vụ hoãn trước giờ G

Sau khi phải tạm hoãn phóng do nguyên nhân ngoài ý muốn, tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ được phóng lên vũ trụ ngay trong tuần này.