Ngày 16/7/1945, chính xác vào lúc 5 giờ 29 phút 45 giây sáng, thế giới đã bước sang một thời đại nguyên tử chưa từng có trong lịch sử, đánh dấu bằng cuộc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên - thứ vũ khí mạnh nhất từng được loài người biết đến.

{keywords}

Norris Bradbury, người về sau kế nhiệm ông Oppenheimer làm giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ), đang đứng cạnh Gadget - quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, đã lắp ráp hoàn chỉnh và đặt trên tháp thử nghiệm. Đây là một trong những bức ảnh ít biết về quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ.

Quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới được đặt tên là "Gadget". Nó ra đời từ Dự án Manhattan của Mỹ, do thiên tài vật lý Albert Einstein khơi gợi cảm hứng và chịu sự giám sát của Chuẩn tướng Leslie Groves cũng như chuyên gia vật lý Robert Oppenheimer, giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

Dự án phát triển Gadget được khởi xướng và xúc tiến với mật danh "Trinity" theo lựa chọn của chuyên gia Oppenheimer. Nguồn ngân sách cho dự án đã tăng vọt từ con số chỉ 6.000 USD dự kiến ban đầu lên tới 2 tỉ USD, sau khi Einstein nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Đức quốc xã đang tiến gần hơn tới việc hoàn hảo hóa thứ vũ khi "thay đổi toàn bộ cuộc chơi" của chúng.

Gadget cuối cùng đã được cho nổ thử nghiệm ở sa mạc gần Alamogordo, bang New Mexico, tây nam Mỹ.

Vụ nổ đã làm bốc hơi cả một tòa tháp bằng thép, gây ra một sóng xung kích khổng lồ trải khắp vùng sa mạc cát cũng như tạo ra một đám mây hình nấm, vươn cao tới hơn 12km trên không trung, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Ngay sau vụ nổ thử nghiệm, ông Oppenheimer được cho là đã phát biểu đầy phấn khích rằng: "Nó (quả bom nguyên tử) hoạt động rồi!".

Ngày 6/8/1945, Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử nặng 5 tấn xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Vụ nổ đã giết chết 80.000 người ngay lập tức và san phẳng một vùng có diện tích khoảng 10,4km2 của thành phố.

3 ngày sau, Mỹ thả tiếp quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật. Lần này, vụ nổ đã giết chết khoảng 40.000 người ngay lập tức và khiến hàng ngàn người khác chết dần chết mòn vì nhiễm độc phóng xạ.

8 ngày sau, Nhật chính thức đầu hàng quân đồng minh, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tuấn Anh (theo Business Insider)