Hơn 1.900 trường hợp F1, F2 được truy vết qua Bluezone
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone đã được Bộ TT&TT và Bộ Y tế triển khai từ ngày 18/4/2020. Tuy nhiên, trong đợt dịch đầu tiên, ứng dụng Bluezone chưa phát huy tác dụng hỗ trợ truy vết người nghi nhiễm Covid-19 (F1) và người nghi tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2).
Lý giải về thực tế trên, bà Lê Thu Hiền, Chánh Văn phòng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, thời điểm ứng dụng Bluezone được cho ra mắt là khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên đã cơ bản được kiểm soát, nhiều người dân không còn lo lắng nên không thật mặn mà với các ứng dụng CNTT phòng chống Covid-19, trong đó có Bluezone. Số lượt tải ứng dụng này tính đến 8/6 mới đạt 200.000 lượt - một số lượng rất nhỏ, chưa đủ để phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các ca nhiễm bệnh Covid-19 vào cuối đợt dịch thứ nhất đa số đều từ nước ngoài về, được cách ly ngay nên không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những bệnh nhân Covid-19 này chưa cài Bluezone, được cách ly sớm, không tiếp xúc người khác nên không có dữ liệu để truy vết qua hệ thống Bluezone.
Tính đến ngày 13/9, tổng số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone trên toàn quốc đã là 22,7 triệu (Ảnh minh họa). |
Bước sang làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam, tác dụng hỗ trợ truy vết những người tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 đã được chứng minh trên thực tế.
Với sự ra quân quyết liệt, đồng loạt của các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương trong việc vận động người dân cài Bluezone, theo số liệu thống kê của Cục Tin học hóa, tính đến ngày 13/9, tổng số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone trên toàn quốc đã là 22,7 triệu.
Top 5 địa phương có tỷ lệ người dân cài Bluezone trên tổng số smartphone cao nhất lần lượt là Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế.
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ hai này, hệ thống hỗ trợ truy vết bằng Bluezone đã bước đầu phát huy hiệu quả. thu được những kết quả bước đầu. Cụ thể, từ ngày 12/8 đến ngày 12/9, hệ thống đã truy vết được 1.920 trường hợp F1, F2 để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ. Trong đó, đáng kể nhất là 1.035 trường hợp truy vết được ở Hải Dương, 400 trường hợp ở Đà Nẵng, 245 trường hợp ở Quảng Nam.
Tỷ lệ số lượng bệnh nhân Covid-19 có cài và sử dụng Bluezone chiếm khoảng 24% tổng số bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện. Theo nhận định đại diện Cục Tin học hóa, tỷ lệ này cũng phù hợp với tỷ lệ người cài đặt Bluezone hiện nay mới chiếm khoảng 27% dân số cả nước.
“Nếu số lượng bệnh nhân có cài và sử dụng Bluezone tăng lên thì số lượng truy vết được chắc chắc sẽ nhiều hơn, công tác truy vết sẽ càng hiệu quả, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ được giảm đi”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ.
Hải Dương chiếm tới hơn 50% tổng số trường hợp F1, F2 truy vết qua Bluezone
Số liệu thống kê của Cục Tin học hóa cũng đã cho thấy, mặc dù Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội là những địa phương đã xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng sớm hơn và nhiều hơn, thế nhưng ứng dụng Bluezone lại phát huy tác dụng truy vết tốt nhất ở Hải Dương, với tổng số 1.035 trường hợp, chiếm 50% tổng số trường hợp Bluezone truy vết được trên cả nước.
Trao đổi với ICTnews về nguyên nhân đưa đến thực tế trên, Chánh Văn phòng Cục Tin hóa Lê Thu Hiền phân tích, hiệu quả đạt được tại Hải Dương là do Tỉnh ủy, UBND tỉnh này đã quyết liệt chỉ đạo triển khai cài đặt Bluezone rộng rãi trong toàn tỉnh trước khi bùng phát các ổ dịch, nhờ đó ứng dụng đã kịp thời phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian qua, Sở TT&TT Hải Dương, CDC tỉnh Hải Dương cũng đã phối hợp rất nhanh chóng, hiệu quả với các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Y tế để triển khai công tác truy vết qua ứng dụng Bluezone.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, dịch bùng phát sớm khi số lượng người cài Bluezone chưa nhiều, tiếp theo phải thực hiện cách ly toàn thành phố nên số lượng truy vết được qua Bluezone không lớn. Các địa phương khác tỷ lệ cài Bluezone chưa cao, nhiều bệnh nhân Covid-19 cũng như người tiếp xúc gần chưa cài Bluezone, vì thế hiệu quả truy vết còn hạn chế.
Đại diện Cục Tin học hóa thông tin thêm, theo các chuyên gia dịch tễ, kể từ khi xuất hiện ca bệnh xác định đầu tiên cho đến khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng chúng ta có khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần để khống chế và kiểm soát tình hình.
“Nếu trong khoảng thời gian này, công tác truy vết, cách ly hoạt động có hiệu quả và triệt để, rất có thể chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Vì vậy, đây mặc dù là thời gian nguy cơ, nhưng cũng được xem là thời gian vàng cho việc tăng cường truy vết và Bluezone là một giải pháp nên được ưu tiên sử dụng”, đại diện Cục Tin học hóa khuyến nghị.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Vân Anh
Dùng ứng dụng Bluezone trở thành nếp sống hàng ngày của người dân Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng xác định việc cài Bluezone là một trong những biện pháp cơ bản phòng, chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới” và cần trở thành nếp sống, ứng xử phù hợp của toàn thể người dân.