Sớm triển khai cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới
Quan tâm đến tổ chức, bộ máy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Ông cũng đề nghị thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển,... đối với một số địa phương trọng điểm...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký |
Trước yêu cầu cao về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất Đại hội một số nội dung.
Cụ thể, ông Quảng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng từ cấp Trung ương đến cơ sở.
Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đảng, chính quyền để đảm bảo kịp thời sự đồng bộ trong các quy định và hướng dẫn thực hiện.
Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị tổng kết, rút ra bài học từ những sai phạm, khuyết điểm của các tổ chức đảng, đảng viên qua quá trình kiểm tra, giám sát. Trung ương cần có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc khắc phục hậu quả những sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua.
Cùng với đó, Trung ương sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được thuận lợi.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn các bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.
“Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL. Từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu”, Bí thư Bến Tre nói.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt là có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TP.HCM và các tỉnh này.
Chuyển "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp"
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cũng nêu hàng loạt kiến nghị để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.
Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước cho rằng, cần có sự nghiên cứu, xem xét tách quy định về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp thành một Luật hoặc Nghị định riêng của Chính phủ; đồng thời hỗ trợ phát triển mô hình "Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao".
Ông Phong cũng đề nghị quan tâm tổ chức, xây dựng đầy đủ nguồn cơ sở dữ liệu thông tin ngành nông nghiệp, thông tin về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với từng mặt hàng nông sản để có những đánh giá, dự báo chuyển động của thị trường, đưa ra các khuyến cáo phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong sinh năm 1978, hiện là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước |
Từ đó, Nhà nước sẽ có đủ thông tin để đề ra những chính sách phù hợp với thực tế sản xuất; người sản xuất, doanh nghiệp cũng có đủ thông tin để tự tính toán, đề ra cho mình phương án, lộ trình đầu tư, phát triển theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, Bí thư Đồng Tháp cũng đề nghị cần có nghiên cứu khoa học để nhanh chóng đề ra giải pháp tối ưu và có sự đầu tư kịp thời cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp.
Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề nghị tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN. Thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất tạo bước phát triển đột phá.
Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét, sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai với quy mô lớn cho phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay; tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy |
Trong các nội dung được gửi gắm đến Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia…
Ngoài ra, ông Duy cho rằng để thực hiện mục tiêu vừa giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, Trung ương cần nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội...
Thu Hằng - Trần Thường
Cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” là liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai
Chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII ngày 28/1, bí thư và lãnh đạo nhiều tỉnh thành bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần đổi mới trong công tác cán bộ được nêu trong dự thảo văn kiện.