Khi tôi đặt câu hỏi này với bạn bè, người thân, nhiều người đã trả lời một câu chung chung và công thức: Hãy coi mẹ chồng như mẹ mình thì sẽ yêu được.
Những bạn gái hiện đại hơn, thoáng hơn thì bĩu môi: Cần gì phải yêu, có sống đời với người đó đâu; thăm hỏi, chăm sóc cho đúng nghĩa vụ là được rồi. Nhưng với tôi, mọi chuyện hoàn toàn không đơn giản như vậy...
Tôi quen anh ba năm. Đó là một tình yêu đẹp. Tôi và anh khá hòa hợp trong tính cách, sở thích… Nhưng đã chừng ấy thời gian và đã ngấp nghé ngưỡng 30, tôi vẫn không dám quyết định chuyện cưới xin. Nguyên nhân là do mẹ anh. Trước tôi, anh từng có người yêu, là hai cô gái khá xinh đẹp, thông minh, giỏi giang, tôi cũng biết họ. Khi biết tôi yêu anh, họ lắc đầu, le lưỡi khi kể tôi nghe về mẹ anh. Bà là người phụ nữ mà theo họ, không thể sống chung dưới một mái nhà, càng không thể sinh con, đẻ cái và để con mình sống chung với người bà như vậy.
Điều các cô ghê sợ nhất ở bà cách sống bẩn thỉu, dơ dáy. Bố anh mất từ khi anh mới sáu tuổi, bà ở vậy nuôi hai con là chồng tôi và một người anh nữa (đã lấy vợ và dọn ra ở riêng từ vài năm nay). Đến nhà bà, tôi thật sự kinh khủng trước sự bề bộn, dơ bẩn bày ra khắp nơi. Nhìn bếp nhà anh, khó ai nghĩ đó là một nơi có chủ nhân. Từ trên xuống dưới là chén bát dơ, chai lọ lỏng chỏng, đồ ăn thừa thiu mốc, chuột dán bò lung tung. Vào buồng tắm thì đồ trong đồ ngoài của bà ngâm trong chậu chắc phải vài ngày, bốc mùi nồng nặc. Nền nhà tắm trơn nhẫy như đổ mỡ. Bồn rửa mặt, bồn tắm khiến người ta nhìn là không dám động vào. Tôi chỉ xin tả sơ về hai chỗ quan trọng nhất trong nhà. Còn phòng ngủ, hành lang, phòng khách thì… ôi thôi! Kiếm một chỗ ngồi trong ngôi nhà gần như là biệt thự sân vườn đó thật không dễ chút nào.
Tính keo kiệt của bà thì nổi tiếng khắp xóm. Tôi biết gia đình anh khá giàu bởi ngoài căn biệt thự nhỏ ở vùng giáp ranh thành phố này, họ còn có một căn nhà khá lớn nằm ngay trung tâm thành phố, được cho thuê với cái giá cả trăm triệu/tháng. Thế nhưng, bà chẳng bao giờ đi chợ sớm mà chỉ thích ra chợ trễ, khi chợ sắp tan để có thể mua những mớ rau héo, con cá chết, thịt ươn với giá rẻ mạt. Nhiều người còn kể, bà sẵn sàng bới lượm rau còn ăn được trong những đống rác chợ.
Thế nhưng, tính xấu khủng khiếp nhất của bà chính là cách sống phóng túng, hoang đàng. Cho đến tận cái tuổi đã ngoài 60 bà vẫn công khai cặp bồ với một người đàn ông có vợ. Sáng, người đàn ông đó cắp chiếc vợt tennis đến nhà, chui vào phòng bà, gần 10 giờ mới cắp vợt về. Khi đó bà mới uể oải ra khỏi phòng với bộ dạng nhàu nhò. Tôi từng đến nhà anh chơi vào những buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật và tận mắt chứng kiến những chuyện đó.
Chính anh cũng kể cho tôi nghe về những cái tát nảy lửa ngày anh còn bé chỉ vì lỡ đói ăn một miếng giò trong tủ lạnh hay những buổi bị nhốt ngoài đường khi đi học về vì mẹ đang tiếp nhân tình trong nhà. Anh còn nhớ kỹ ba, bốn người đàn ông trong đời mẹ anh từ khi ba mất, nhớ cả những trận đánh ghen ầm ĩ mà mẹ anh chẳng những không xấu hổ còn lu loa lớn tiếng. Anh nói, tuổi thơ anh đầy nỗi buồn, sự tủi cực và xấu hổ. Nhưng, mẹ vẫn là mẹ, không thể nào thay đổi hay chối bỏ. Khi bà đã già, anh vẫn phải phụng dưỡng, chăm sóc, yêu thương bà dù hoàn toàn không kính trọng.
Tôi nghe chuyện càng thương anh vì trong hoàn cảnh đó mà anh vẫn tự phấn đấu, tự nỗ lực học hỏi để vươn lên. Anh nhìn thấy hết những điều xấu xa của mẹ mình nhưng đành chấp nhận và chỉ biết buồn. Tôi hỏi, nếu cưới nhau, chúng tôi ở riêng được không, anh lắc đầu: “Biết để mẹ cho ai?”. Tôi đã đưa ra nhiều giải pháp như đưa mẹ vào nhà dưỡng lão, mua nhà gần để chạy qua chạy lại... nhưng anh vẫn lắc đầu. Anh đã quen với những nếp xấu của mẹ và chấp nhận chúng. Anh còn bảo: “Dù có nhiều thói hư, tật xấu thật, nhưng bà không hề bỏ con cái, vẫn nuôi các con ăn học, cho các con một mái nhà, một người mẹ…”.
Sống với người mẹ chồng như thế, tôi thật không thể, bởi hoàn cảnh sống của gia đình tôi hoàn toàn trái ngược. Ngay cả chuyện gặp gỡ gia đình hai bên, tôi cũng không hình dung nổi mẹ tôi làm sao ngồi nói chuyện với một bà sui như thế. Nhưng bỏ anh thì tôi không đành. Tôi phải làm sao đây?
(Theo PNO)