Người già khởi nghiệp, tại sao không?
Các nhà dân số học trong nước và quốc tế đều nhận định: Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới (khoảng 11 triệu người cao tuổi).
Điều này chứng tỏ tuổi thọ của người dân càng cao, đời sống, hoạt động y tế bảo vệ sức khỏe của nhân dân ngày một hiệu quả nhưng nó cũng gây sức ép đáng kể cho sự nghiệp an sinh xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh |
Thực tế có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, vẫn muốn tiếp tục cống hiến nhưng chưa được đáp ứng.
Đây là những thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” ngày 3/11 ở Hà Nội.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Lê Minh - Nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, 70% người cao tuổi ở Việt Nam vẫn tiếp tục lao động kiếm sống và cả nước có gần 400 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ví dụ về người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Đó là ở Nam Định, ông Nguyễn Quốc Toàn (73 tuổi, nguyên kỹ thuật viên cơ khí) đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty của ông thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng.
Ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), bà Khánh Toàn với kinh nghiệp 26 năm làm nghề liên quan đến đá đã mở 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động.
TS. Minh nhấn mạnh: “Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp thường nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thật ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này họ đều rất quan tâm đến người cao tuổi.
Bởi vì họ đã nhận thức rất rõ đây là một nguồn lực quý báu của quốc gia. Người cao tuổi có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội.
Đặc biệt với đội ngũ trí thức là người cao tuổi, với trình độ học vấn và chuyên mộn đã tích lũy nhiều năm, họ vẫn muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước”.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Thị Phương Mai, trường Đại học Công đoàn cho biết, trước những thách thức về già hóa dân số, một số nước trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người cao tuổi.
Tại Việt Nam, tuy nhà nước đã có các chính sách nhằm đảm bảo chất lượng sống của người cao tuổi nhưng việc thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể về tạo việc làm cho người cao tuổi đang gây khó khăn cho các đối tượng này trong quá trình tìm kiếm việc làm, bảo đảm đời sống.
Giải pháp việc làm cho người cao tuổi
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người cao tuổi.
TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Ths. Trương Thị Ly - trường Đại học Công Đoàn cho rằng: Cần phải thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm. Ngoài ra, cần tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng được cung cấp cơ hội đào tạo lại để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới.
Các chuyên gia tại diễn đàn "Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” ngày 3/11 tại Hà Nội. |
Tiến sĩ này cũng nhấn mạnh, nhà nước cần thực hiện vận động xã hội ủng hộ việc chống kỳ thị dựa vào tuổi trong việc làm. Tuyên truyền, nhắc nhở thế hệ trẻ về vai trò của người cao tuổi không phải chỉ để chăm sóc trẻ em, làm giúp việc nhà mà họ có thể tham gia vào việc làm kiếm thu nhập nếu họ muốn.
Các chuyên gia cũng đồng tình về việc phải phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, đảm bảo cho người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ từ đó họ có thể tiếp tục lao động, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho rằng, đối với nhóm người cao tuổi thu nhập thấp, thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ.
Theo đó, cần có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông- khuyến lâm - khuyến ngư; chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro (do thiên tai, dịch bệnh…).
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ sinh kế rất quan trọng, giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu, bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cho người già.
Con cái không phải là tấm 'thẻ bảo hiểm’ lúc cha mẹ về già
Theo tôi, quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” đang dần lỗi thời.
Ngọc Trang