1000 áo dài tặng cô giáo miền Trung

Khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cận kề, một nữ giáo viên ở thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) đã cùng câu lạc bộ tình nguyện của mình quyên góp 1000 chiếc áo dài, tặng các đồng nghiệp nữ tại một số tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. 

{keywords}
Những bộ áo dài kịp thời gửi đến các cô giáo miền Trung trước ngày 20/11.

Đó là chị Lê Hải Yến (49 tuổi). Chị chia sẻ, hành động này là sự động viên và tri ân những cô giáo ở tâm điểm của trận lũ. “Lũ lụt cuốn trôi mọi thứ. Các thầy cô cũng chịu chung cảnh mất mát. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp “lửa” cho các cô, cố gắng vực dậy trường lớp, tiếp tục dìu dắt các em học sinh”, chị Yến nói.

Chương trình ủng hộ 1000 áo dài cho cô giáo miền Trung được chị Yến cùng cộng sự phát động chưa đầy 1 tuần đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người.

{keywords}
Cô giáo Lê Hải Yến nhận quyên góp của một mạnh thường quân cho miền Trung.

Những bộ áo dài được gửi đến địa chỉ tập kết, chị Yến cùng các thành viên của Câu lạc bộ Tâm Đức chùa Yên Ninh (Ninh Bình) sắp xếp, phân loại, đóng túi và đính size ngoài bao bì. Mỗi chiếc áo đính kèm một lời chúc gửi tới cô giáo vùng lũ.

Trong 1000 bộ áo dài, có cả áo dài cũ và áo dài mới. Áo dài cũ, chị Yến giặt giũ sạch sẽ, phơi khô, là lượt rồi đóng gói.

“Chúng tôi chia làm 3 đợt trao áo dài. Hiện chương trình đã hoàn thiện 2 chuyến trao tặng, chuyến thứ 3 dự kiến đi sau ngày 20/11”, nữ giáo viên 49 tuổi nói.

Trong các chuyến trao áo dài, chị Yến cũng kết hợp trao quà cứu trợ cho bà con chịu ảnh hưởng của lũ.

Tổng số tiền hàng cho 2 chuyến đi trị giá hơn 500 triệu đồng, với 4 chiếc xe tải và 2 chiếc xe chở 41 tình nguyện viên nhiệt huyết.

Câu lạc bộ còn gửi tới bà con vùng bị cô lập 90 suất quà gồm: 50 thùng mỳ tôm, 12 nghìn quyển vở, 3.216 quyển sách giáo khoa và 90 chiếc chăn cho trường mầm non.

Sự cố ở đỉnh đèo hiểm trở

Chị Yến tâm sự, chuyến đi từ thiện Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh vừa rồi đã thành công. Tuy nhiên, hành trình gặp sự cố đáng nhớ.

Xe tải bất ngờ bị hỏng tại Tà Long, ngay đỉnh đèo heo hút khi đoàn vào A Bung – một địa danh vùng biên giáp với Huế.

{keywords}
Bà con trong ngày nhận hàng cứu trợ.

Chị mang trách nhiệm chính nên lòng nóng như lửa đốt. Cuối cùng, chị quyết định để mọi người tiếp tục đi trao quà, còn mình cùng hai tình nguyện viên ở lại với tài xế. 

Khi đoàn trao quà xong, quay trở ra thì trời đã nhá nhem tối, chị yêu cầu tất cả mọi người lên xe rời khỏi đèo trước khi trời tối hẳn. Vì đây là địa điểm nguy hiểm, mưa lại bắt đầu rơi. Một số người dân địa phương cảnh báo, ở đây nếu mưa to rất dễ sạt lở.

Những đôi mắt ướt nhòe muốn ở lại cùng chị và tài xế, đợi cứu hộ. Thế nhưng, sự an toàn của mọi người được đặt lên hàng đầu. Chị quyết định “ép” tất cả rời đi, gào thét đến lạc cả giọng…

Xe lăn bánh, chị cầu nguyện cho mọi người ra khỏi đèo thật nhanh. Nước mắt cứ thế tuôn trào cùng làn mưa.

Lúc này, chỉ còn chị, tài xế và 2 tình nguyện viên loay hoay tìm cách liên lạc với đội cứu trợ. May mắn, đội ứng cứu cũng vào đến nơi, kéo xe về trạm sửa chữa. Khi về đến nơi nghỉ ngơi, thấy ai nấy đều bình an, chị mới thở phào nhẹ nhõm.

{keywords}
Chị Yến tặng quà cho bà con miền Trung

Đêm đó, chị thức trắng đêm với bao trăn trở. Liệu xe có sửa được hay không? Liệu hành trình trao yêu thương có hoàn thành hay không?...

“Chưa bao giờ tôi ước mình là một người đàn ông thực thụ, để đủ mạnh mẽ và lý trí giải quyết mọi việc thấu đáo”, chị Yến nhớ lại

Quá trình đi trao quà, chị Yến vẫn nhớ như in câu chuyện về một gia đình chạy lũ, cả nhà nghĩ ra cách buộc người vào cột nhà, đề phòng tình huống xấu, nếu lũ cuốn còn tìm thấy thi thể.

“Nghe họ kể, cảm giác thương đến quặn thắt ruột gan. Một nắm cơm trắng với muối vừng hay hộp sữa, gói mỳ tôm cũng khiến người dân mừng rơi nước mắt”, chị nghẹn ngào nhớ lại.

Vài nơi đoàn chị đến cứu trợ, muốn mang nhiều thứ cho bà con nhưng giữa mênh mông sóng nước cuồn cuộn rất nguy hiểm.

Chị cho biết, mỗi một lần mang đồ vào nhà dân chỉ cầm được 10 suất cơm nhưng đi kèm là 4 người, gồm: 2 người chèo xuồng ngồi 2 đầu, 2 người ngồi giữa liên tục cầm bát nhựa múc nước ra, giữ thăng bằng cho xuồng không bị lật.

Hành trình gian nan, rình rập hiểm nguy nhưng đoàn chị Yến cũng kết thúc chuyến đi trọn vẹn.

{keywords}
Đoàn thiện nguyện của chị Yến được lực lượng chức năng hỗ trợ trao quà cho bà con khu vực bị cô lập.

Thế nhưng, chị thừa nhận, sau chuyến vừa rồi, bản thân có nhiều nỗi trăn trở không nguôi, cảm giác rất bất lực khi không đủ sức giúp đỡ bà con nhiều hơn.

"Chúng tôi trao 100 suất quà ở 1 điểm tại Quảng Bình. Khi quà hết, có một cụ đứng khóc nói: 'Nếu con còn quà thì cụ sẽ được nhận nhưng vì có 100 suất nên cụ nhường lại cho những người khổ hơn'.

Hay một cụ ra muộn, nhìn khắc khổ, mắt đỏ hoe xin đoàn gói mì tôm. Chúng tôi còn một thùng mì dự trữ, tặng cụ. Chẳng ngờ cụ lấy đúng 3 gói, còn đâu gửi lại đoàn, để phát cho người khác. Họ nghèo nhưng tự trọng và lịch sự ", chị kể tiếp.

Ngoài kêu gọi ủng hộ hiện vật, chị và Câu lạc bộ Tâm Đức tổ chức chương trình nghệ thuật “Tình miền Trung” để gây quỹ từ thiện. Sau khi kết thúc, chương trình nhận được hơn 30 triệu đồng.

Chị Yến chia sẻ thêm, chị là giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Tam Điệp, Ninh Bình). Đến nay, chị không nhớ mình bắt đầu làm thiện nguyện từ bao giờ. Chị chỉ nhớ từ bé đã luôn muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Thời thiếu nữ, chị tham gia nhiệt tình các công tác xã hội của địa phương và trường học.

Cứ thế, hành trình thiện nguyện của chị kéo dài không ngừng nghỉ. Sau này chị lập gia đình, mặc dù bận rộn cuộc sống riêng nhưng nhờ sự ủng hộ của chồng, chị vẫn sắp xếp được công việc dạy học, thiện nguyện và vun vén tổ ấm.

Chị Yến cũng cho biết: "Các tình nguyện viên Câu lạc bộ Tâm Đức luôn nhiệt tình và đoàn kết trong công việc thiện nguyện. Tôi chỉ là hạt cát nhỏ. Nếu không có các tình nguyện viên, tôi sẽ không thể tiếp nối được các hành trình như vậy. Họ không chỉ là linh hồn của câu lạc bộ mà còn là người truyền lửa".

Người phụ nữ ung thư làm ‘chị nuôi’ của hàng nghìn trẻ vùng cao

Người phụ nữ ung thư làm ‘chị nuôi’ của hàng nghìn trẻ vùng cao

Hơn 2.000 trẻ em vùng cao được nuôi ăn khi đến trường, nhiều cây cầu, công trình điện năng lượng mặt trời đã được xây… từ một người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo.

Thái Minh