Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Đặng Văn Toàn, 28 tuổi là con út trong gia đình có 9 người con ở làng nghề mộc Tràng Đình, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 2012, anh là sinh viên năm hai ngành Công nghệ ô tô, Trường Đại học Nông lâm (TP.HCM).
Mùa hè năm đó, Toàn về quê dự đám cưới anh trai thì tham gia đánh nhau nên bị phạt 6 năm tù với hai tội: Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích.
Anh giám đốc Đặng Văn Toàn. Ảnh: NVCC. |
Từ một cậu sinh viên có thành tích học tập tốt, vướng vào vòng lao lý, Toàn hối hận, chán nản. “Lúc mới đi cải tạo, tôi nghĩ, cuộc đời mình đã đi vào hẻm cụt”, Toàn chia sẻ.
Anh bắt đầu thay đổi khi được các cán bộ trại giam động viên, quan tâm, chia sẻ những câu chuyện của người phạm tội nhưng đã thành công sau khi ra tù. “Tôi cũng xem việc đi cải tạo như đi học đại học, vì nó giúp mình học tính kiên cường, chịu đựng, sống chậm lại và suy nghĩ thấu đáo hơn. Sau những giờ lao động, tôi đọc sách, nói chuyện với bạn tù, tham gia các hoạt động ở trại giam”, Toàn nhớ lại.
Do cải tạo tốt, Tết năm 2017, Toàn được ra tù trước thời hạn. Ngày mới trở về, Toàn chông chênh không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Có người khuyên Toàn nên đi học lại. Có người thì nói nên vay tiền, học tiếng để đi xuất khẩu lao động.
Anh công nhân đang làm một sản phẩm về trần gỗ cho Toàn. Ảnh: NVCC. |
“Khi ra tù, tôi chỉ có hai bàn tay trắng và một khoản nợ 180 triệu đồng đã vay trước đó. Đi học lại đại học, tôi sẽ phải thi lại đầu vào. Đi xuất khẩu lao động tôi sẽ phải vay thêm tiền, phải đi học tiếng và không biết khi nào mới thu được tiền”, chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ.
Toàn cho biết, gia đình anh có truyền thống về nghề mộc. Các anh chị em trong gia đình anh khi lập gia đình đều mưu sinh bằng nghề này. Bản thân anh từ nhỏ cũng đã phụ ba mẹ đi đóng mùn cưa, đi chở gỗ, chà nhám, đánh sơn hay cắt xẻ gỗ...
Sau những đắn đo, Toàn quyết định “ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”. Anh quyết định vay anh trai 200 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, vật liệu để bắt tay vào làm bàn ghế, tủ, giường, kệ sách… bán.
Công việc kinh doanh gặp thuận lợi. Một năm sau, Toàn đánh liều cắm mảnh đất của cha mẹ để vay 1 tỷ đồng mua thêm máy móc, thuê công nhân làm, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường.
Mỗi ngày, các công nhân chỉ làm 8 giờ nhưng Toàn làm đến 20 giờ. “Có ngày tôi làm mà quên ăn. Tôi nghĩ, mình đã mắc sai lầm thì giờ phải đứng lên mà đứng lên thì phải chắc chắn thành công để bù đắp cho sai lầm”, Toàn dứt khoát.
Được khách hàng, đối tác động viên
Toàn cho biết, anh đã thành công trong việc lựa chọn sản phẩm trần gỗ. Ảnh: NVCC. |
Cuối năm 2018, công việc kinh doanh khó khăn hơn vì gỗ nhập vào giá cao lại khan hiếm, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Toàn quyết định chuyển hướng đi mới. Anh đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam nghiên cứu thị trường, tạo mối quan hệ với nhiều người để phát triển kinh doanh.
Lúc đó, anh nhận thấy, trên thị trường có nhiều người bán bàn ghế, tủ giường, kệ… nhưng rất ít người làm trần gỗ. Sau chuyến đi, anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.
Việc bán sản phẩm cũng được anh thay đổi. Thay vì chỉ bán ở phòng trưng bày như trước anh còn bán online, chụp hình đưa lên mạng xã hội bán.
Đối với gỗ, anh chuyển sang nhập hàng ngoại về làm. “Tôi vừa lấy về làm sản phẩm vừa bán lại”, chàng trai quê Hà Tĩnh kể.
Đầu năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Huy gắn với làng nghề mộc Tràng Đình, Toàn cũng phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ của mình. Anh quyết định mở công ty chuyên về sản xuất, cung cấp các sản phẩm về gỗ, đặc biệt là các sản phẩm về trần gỗ.
Để phát triển công ty, Toàn đầu tư hơn 12 tỷ đồng thuê 1000 m2 đất để xây xưởng sản xuất và phòng trưng bày. Anh cũng mua thêm máy đục, máy khoan, máy cưa gỗ, xe nâng, thuê thêm người làm để mở rộng thị trường bán hàng ra các tỉnh.
“Vừa mới kinh doanh đã bỏ ra số tiền lớn để đầu tư là bước đi táo bạo nhưng tôi tin mình sẽ thành công”, Toàn nói. Cụ thể, trong năm 2019, Toàn có doanh thu 19 tỷ đồng. Số hợp đồng đã ký hồi năm nay là 10 tỷ đồng.
Nói về lý do thành công khi bắt đầu từ hai bàn tay trắng cùng quá khứ không mấy tốt đẹp, Toàn cho biết, đó là nhờ chọn hướng đi, nắm bắt nhu cầu thị trường và sự thành thật của chính bản thân mình.
“Khi ký hợp đồng với đối tác, khách hàng, tôi thẳng thắn nói với họ về quá khứ của mình. Ban đầu, người nghe có chút do dự nhưng họ nói, họ chỉ quan tâm các sản phẩm tôi làm ra, phong cách tôi làm việc. Bây giờ, khách hàng, đối tác nào cũng tin tưởng tôi. Nhiều người còn nhắn tin, gọi điện động viên, tạo điều kiện cho tôi làm việc, ký được hợp đồng", giám đốc sinh năm 1992 kể.
Hiện, Toàn kết hợp với một số người bạn mở thêm một cơ sở sản xuất ở Đồng Nai để có thể cung cấp sản phẩm cho các đại lý ở TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh thuận hiện hơn. Anh còn có một ấp ủ xây dựng một hiệp hội về gỗ trần để mọi người chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhau.
Từ đầu năm đến nay do dịch bệnh, bão lũ việc kinh doanh của Toàn có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Một phần, anh cũng đã chuẩn bị cho những rủi ro, tính toán hướng đi phù hợp với tình hình nên vẫn có doanh thu và đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết, Toàn có một quá khứ buồn, nhưng từ khi trở về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các đoàn thể anh đã thực sự tiến bộ.
"Toàn là tấm gương điển hình tiêu biểu trong tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Cậu ấy còn là tấm gương cho những trường hợp có hoàn cảnh tương tự học tập và là người giúp kinh tế địa phương phát triển tốt hơn", ông Hùng nói.
Cậu bé bóc mít thuê năm nào giờ là ông chủ vườn hồng đẹp như cổ tích
Mỗi sáng, thức dậy cùng mặt trời, Tầng Hắm Phu đội nón lá, mặc áo sờn màu ra vườn nhổ cỏ, bắt sâu cho những gốc hồng.
Tú Anh