- "Đó là một câu chuyện rất buồn đối với chúng tôi. Bởi chẳng có ai muốn đi xa xôi, chịu bao vất vả, tủi cực mà khi trở về gia đình ly tán, con cái thiếu thốn, mất cả chì lẫn chài"..., anh Vương trải lòng.
“Sau mỗi tháng được trả lương, những công nhân xa xứ đều gói ghém, tìm cách gửi tiền về cho gia đình. Chúng tôi mong vợ biết cách chi tiêu, tích góp cho tương lai sau này. Thế nhưng cuộc sống không ai học được chữ ngờ…”, anh Trịnh Xuân Vương, công nhân xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, trải lòng.
Trong cuộc trò chuyện cuối năm với phóng viên, anh Vương chia sẻ về câu chuyện đầy cay đắng của anh Huy, một người bạn, làm việc cùng anh ở công ty tại Hiroshima, Nhật Bản.
Khi sự việc xảy ra, anh Huy đã quá đau buồn nên tâm sự với anh em người Việt thân thiết đang cùng sống và làm việc ở công ty để mọi người xem như bài học.
Anh Huy sinh ra ở một huyện nghèo của tỉnh Hưng Yên, bố mẹ đều là nông dân. Bản thân anh không được học hành cao mà chỉ làm công nhân nên sau khi lấy vợ, cuộc sống của họ vô cùng vất vả.
Khó khăn càng chồng chất hơn khi vợ Huy sinh đôi hai người con.
|
Những người công nhân xa xứ, chăm chỉ làm việc không quản vất vả để gom góp, những mong gia đình, vợ con sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Để lo kinh tế cho cả gia đình, Huy vừa làm công nhân cơ khí ở gần nhà vừa nhận thêm nghề chạy xe ôm buổi tối trong bến xe khách của tỉnh. Công việc này quá vất vả, thu nhập lại không đáng là bao nên làm được một thời gian thì anh nản chí. Vợ chồng Huy thường xuyên cãi nhau cũng vì kinh tế chật vật.
Thấy hoàn cảnh gia đình Huy khó khăn, vợ con nheo nhóc, anh họ của Huy lúc đó đang làm việc ở Hà Nội đã lo cho Huy đi làm công nhân xuất khẩu ở Nhật. Để đi được, anh Huy đã phải huy động tiền vay của họ hàng hai bên nội, ngoại.
Sang Nhật, mặc dù thời tiết khác biệt, công việc vất vả nhưng Huy luôn cố gắng hoàn thành công việc và chịu khó làm tăng ca. Bạn bè ở cùng công ty thỉnh thoảng đi uống bia rượu, mua sắm... nhưng Huy thì không. Mỗi tháng, Huy để dành được hơn 20 triệu và gửi về cho vợ.
Cứ đều đặn như vậy hơn một năm trời, Huy nhẩm tính đã kiếm được một khoản kha khá. Gần cuối năm, biết tin nhà chị họ sắp xây nhà, Huy nhắn vợ mang 40 triệu đến gửi chị. Đó là số tiền chị họ cho anh vay trước khi sang Nhật. Thế nhưng, vợ anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Khi người chị đến hỏi vợ Huy thì nhận được câu trả lời: "Lâu rồi chồng em không gửi tiền nên trong nhà không có đồng nào".
Một ngày, Huy trò chuyện với người chị họ này qua mạng xã hội. Lúc này, Huy mới ngã ngửa biết rằng, vợ anh không mang tiền trả chị họ. Không chỉ thế, ở nhà tất cả mọi người đều nghi ngờ vợ Huy có bồ. Tuy nhiên, vì chưa có bằng chứng cụ thể nên không ai dám nói với anh, sợ anh nơi xứ người nghĩ ngợi.
Theo đó, vợ Huy mở quán cắt tóc gội đầu nhưng từ khi chồng đi xuất khẩu lao động, vợ anh ở nhà ăn diện và thường xuyên nghỉ làm đi chơi. Nếu không đi chơi thì lúc nào trong nhà Huy cũng có tiếng đàn ông cười đùa. Bố mẹ của Huy nhiều lần đến nhắc nhở nhưng vợ Huy lấy cớ làm nghề nên chối bay chối biến…
Nghe câu chuyện của chị họ, Huy bắt đầu nghi ngờ vợ mình. Anh gọi điện nhờ vài người bạn xác minh. Tất cả những người bạn mà Huy nhờ đều khẳng định vợ anh có bồ. Nhân tình của chị ta là một người đàn ông làm nghề xây dựng.
Cuối cùng, anh hỏi thẳng vợ. Ban đầu chị còn chối cãi, nhưng sau chị cũng thừa nhận. Nhưng cay đắng hơn cho Huy là gần 300 triệu anh gửi về trong suốt thời gian lao tâm khổ tứ ở Nhật đã bị vợ dâng hết cho bồ.
Khi chuyện ngoại tình lộ ra, vợ của Huy còn bỏ theo người tình và bỏ lại 2 đứa con cho bố mẹ chồng nuôi dưỡng.
"Huy đau khổ, hụt hẫng và định bỏ dở công việc ở Nhật để về Việt Nam. Tuy nhiên, anh em chúng tôi động viên và khuyên bảo Huy rất nhiều. Chuyện đã xảy ra rồi, có về cũng không giải quyết được gì mà nợ vẫn hoàn nợ, khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Cuối cùng, Huy đã nghe theo và ở lại Nhật làm nốt hợp đồng, chăm chỉ kiếm tiền gửi về nuôi con. Theo thời gian, Huy cũng nguôi ngoai dần. Anh tâm sự, có lẽ, duyên vợ chồng của anh và cô ấy chỉ đến vậy. Cũng mong cô ấy có cuộc sống mới hạnh phúc...", anh Vương chia sẻ.
Cuối buổi trò chuyện, anh Trinh Xuân Vương trải lòng: "Đó là một câu chuyện rất buồn đối với chúng tôi. Bởi chẳng có ai muốn đi xa xôi, chịu bao vất vả, tủi cực mà khi trở về gia đình ly tán, con cái thiếu thốn, mất cả chì lẫn chài"...
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Hà, tổng đài tư vấn tâm lý 1088 cho rằng, Anh Huy - người chồng trong câu chuyện quả thật rất đáng thương. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì lo cho tương lai của vợ con, anh ta đã phải gạt sang một bên rất nhiều thứ: tình cảm gia đình, vợ con, bạn bè và cả những ham muốn của tuổi trẻ để đến một đất nước xa xôi. Đến đây, anh ta lại chăm chỉ làm việc để gửi tiền về cho gia đình. Vậy mà người vợ ở nhà lại không giữ nổi mình… Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Khi anh Huy rời Việt Nam sang Nhật Bản, tuổi anh Huy còn trẻ, vợ anh cũng vậy. Ở độ tuổi này, ham muốn và nhu cầu về tình cảm của cả nam và nữ đều rất nhiều. Vì thế, khi xa chồng trong một thời gian dài, nếu người phụ nữ không bản lĩnh, không nhận được sự động viên thường xuyên của chồng và người thân, chị ta rất dễ yếu lòng. Mà phụ nữ khi yếu lòng và đã dành tình cảm cho ai đó, họ thường hết mình. Vì thế, việc chị ta mang tiền cho bồ cũng không phải chuyện lạ. Do đó, trong câu chuyện của anh Huy, người vợ tất nhiên đáng trách nhưng cũng là bài học cho những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động khác. Ở nơi xứ người, đàn ông thiếu thốn, vất vả, anh ta cần sự động viên của mọi người ở nhà. Thế nhưng, người đàn ông ấy cũng đừng quên dành cho vợ những lời tâm sự, động viên và nhắc nhau cùng cố gắng. Những người thân của hai vợ chồng cũng vậy, hãy dành sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn đến người phụ nữ đang lam lũ nuôi con ở nhà. Đừng tạo áp lực và khiến chị ta thấy thiếu thốn sự quan tâm khi chồng chị ta đang biền biệt nơi xứ người. Có như thế, hạnh phúc gia đình mới có thể trọn vẹn sau nhiều năm trời vợ chồng xa cách. |
(còn nữa)
Minh Anh