{keywords}
Hikikomori là một khái niệm quen thuộc ở Nhật Bản.

Cuối tháng 12 năm 2013, cảnh sát nhận được một cuộc gọi từ khu vực Asahi thuộc Osaka. Người đàn ông 34 tuổi ở đầu dây bên kia cho biết: ‘Bố tôi đã chết’.

Được biết, 2 bố con họ đã sống cùng nhau trong một căn hộ và anh này thất nghiệp.

Sau khi đến nhà, cảnh sát thấy thi thể của người đàn ông 68 tuổi đang nằm trên tấm nệm. Cơ thể ông không có dấu hiệu của bất kỳ thương tích nào.

Người con cho biết, sau khi tỉnh giấc vào ngày 1/12, anh thấy ông không còn thở nữa. Nhưng thay vì thông báo cho mọi người, anh ta sống cùng thi thể của cha trong gần 2 tuần.

Tháng 11 năm 2018, Cảnh sát tỉnh Kanagawa cũng bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi sống ở khu vực Yokohama với tội danh bỏ mặc xác chết.

Các nhân viên điều tra cho biết, bà mẹ 76 tuổi đã qua đời vào khoảng giữa tháng 10 tại ngôi nhà mà bà sống cùng con trai cả.

Nhưng khi con gái bà, 45 tuổi tới nhà chơi vào đầu tháng 11 thì chỉ nhìn thấy ông anh trai mà không thấy mẹ đâu cả. Sau đó, chị phát hiện ra anh trai đã đặt thi thể người mẹ trong phòng ngủ của bà suốt vài tuần khi bà bất tỉnh trong căn bếp và tắt thở ở đó.

Người con gái sau đó đã liên lạc với chính quyền và anh con trai bị bắt giữ vào ngày 5/11.

Cảnh sát cho biết, anh này thất nghiệp và gần như không có khả năng giao tiếp với người khác. Thay vào đó, anh ta chỉ viết ra giấy rằng: ‘Tôi không thể làm bất cứ việc gì sau khi mẹ chết, vì thế tôi quyết định đợi cho tới khi em gái tôi qua đây’.

{keywords}
Căn phòng của một hikikomori.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Nhật Bản phát hiện ra thi thể của một người chết được lưu giữ trong nhà nhiều ngày bởi chính những đứa con.

Những người con kỳ lạ này được cho là mắc căn bệnh hikikomori – một khái niệm để chỉ những người sống như ẩn sĩ. Họ tự giam mình trong phòng, không nghề nghiệp, không có khả năng giao tiếp xã hội và dĩ nhiên họ sống lệ thuộc vào bố mẹ. Khi bố mẹ qua đời, họ không biết phải làm như thế nào với mọi thứ diễn ra xung quanh mình, thậm chí là không biết cả việc thông báo cho mọi người xung quanh về cái chết của cha mẹ.

Những người này dù không bước chân ra khỏi nhà, thậm chí là không ra khỏi phòng ngủ, nhưng họ vẫn sống được đến khi trưởng thành là nhờ bố mẹ họ cung cấp thức ăn, quần áo, nhu yếu phẩm hằng ngày.

Lẽ dĩ nhiên, họ không có công việc, không có bạn bè hay bất cứ mối quan hệ nào khác. Theo thống kê, 70-80% những người mắc bệnh hikikomori là đàn ông, ở độ tuổi trung bình khoảng 30 và thuộc tầng lớp trung lưu. Ước tính, có khoảng 500 nghìn người Nhật Bản là những hikikomori. Tuy nhiên, người ta cho rằng con số thực có thể còn cao hơn nhiều vì không phải hikikomori nào cũng công khai và tìm đến sự giúp đỡ của cộng đồng.

Căn bệnh này được người ta đặt tên vào những năm 1990 ở Nhật Bản. Họ còn được gọi là một ‘thế hệ lạc lối’ hoặc ‘những người trẻ vô hình’.

Có những người ở lì trong nhà tới 10 năm ròng rã. Họ không đi học, không đi làm, chỉ cần ăn uống ở mức tối thiểu và thú vui của họ là xem phim, chơi điện tử, say mê với những sở thích của mình ở trong phòng ngủ.

Căn phòng của họ thường khá bừa bãi, tối tăm và có đủ tất cả những gì họ cần: đồ ăn nhanh, truyện tranh, phim, băng đĩa, trò chơi điện tử, máy tính và mạng Internet.

{keywords}
Các hikikomori đắm chìm trong những sở thích cá nhân.

Hikikomori được đánh giá không phải là một căn bệnh bẩm sinh, mà chỉ là một hiện tượng tâm lý. Những người mắc căn bệnh này vốn cũng là những người bình thường như tất cả mọi người. Nhưng sau khi trải qua một biến cố nào đó, hoặc một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, dần dần họ tìm đến cuộc sống ẩn dật để né tránh những áp lực của cuộc sống thực.

Mặc dù rõ ràng đây là lối sống kỳ lạ nhưng cũng có một số quan điểm nhìn vào khía cạnh tích cực của hikikomori. Họ cho rằng những người sống theo cách này đang tối giản cuộc sống của mình, mà không lãng phí thời gian và tiền bạc vào những sở thích xa hoa và vô nghĩa khác.

Gần đây, xu hướng này có vẻ như còn đang lan ra khắp nơi trên thế giới thay vì chỉ ở Nhật Bản.

Ở Hàn Quốc, tính tới năm 2005, đã có khoảng 33 nghìn thanh thiếu niên sống tách biệt khỏi xã hội (chiếm 0,3% dân số). Còn tại Hồng Kông (Trung Quốc), một cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy 1,9% dân số là những ẩn sĩ thời hiện đại.

Hiện tượng này thậm chí còn xuất hiện ở cả Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp…

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu có phải sự phát triển của công nghệ là một phần nguyên nhân của tình trạng này hay không? Chưa có bất kỳ kết luận nào được đưa ra. Nhưng một số ý kiến hi vọng rằng chính công nghệ cũng sẽ giúp giới trẻ hòa nhập lại với xã hội.

Bắt đầu xuất hiện những trò chơi như Pokemon Go khiến những ẩn sĩ phải bước chân ra khỏi nhà. Thậm chí, ở Nhật Bản, người ta còn tạo ra những chú robot giúp hikikomori học cách giao tiếp và tương tác với người khác. Ở Hồng Kông, thay vì dùng robot, người ta dùng những chú chó.

9 điều kỳ lạ chỉ có ở Nhật Bản khiến du khách nào cũng tò mò

9 điều kỳ lạ chỉ có ở Nhật Bản khiến du khách nào cũng tò mò

Có lẽ chỉ khi du lịch đến xứ sở hoa anh đào bạn mới được trải nghiệm những thứ không hề xuất hiện ở bất cứ đâu.

Nguyễn Thảo (Theo Japan Today)