- “Đất lề, quê thói” mỗi nơi mỗi tục lệ khác nhau. Khoan nói về những điều xấu - đẹp - hay - dở của những cái tục ấy nhưng xét về một chiều sâu hơn ở bối cảnh, điều kiện mà hình thành cái lệ mới thấy rõ những nét đáng yêu và cả đáng thương nữa.

Tôi đã đọc, thậm chí đọc nhiều lần bài viết “Vợ đi ăn cỗ, chồng ở nhà hái sẵn rau thơm” do bạn Phương Thùy là dâu con Nam Định viết. 

Càng đọc tôi lại càng buồn. Tất nhiên sự buồn ở đây nó không mang dáng dấp bực dọc, trách cứ. Tôi buồn giống như khi ai đó không hiểu hoặc cố ý không hiểu việc mình làm.

Tôi cũng là người Nam Định, là người sống trong cái nôi văn hóa vốn được coi là vùng đất đầy hào sảng, hiếu học và cũng vô cùng hiếu khách. Khoan hãy nói đến khía cạnh lịch sử về sự hình thành vùng đất ấy ra sao, nhưng hào khí Đông A qua gần 800 năm vẫn như còn nguyên vẹn.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Thưa bạn đọc! Tôi là người trong cuộc. Có thể người trong cuộc không sáng suốt bằng người khác nhưng ở một góc nhìn nào đó, nó sẽ đem lại một cảm nhận sâu sắc giống như chính chúng ta vừa đi qua một trải nghiệm nào đó để trưởng thành hơn, chín chắn hơn.

Tôi sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước vừa xóa bỏ bao cấp bước vào thời kỳ đổi mới. Nhưng khi ấy cơm ăn vẫn chưa no áo mặc vẫn chưa ấm, đến cái túi đựng sách vở đi học cũng không có, tất cả phải cho vào túi nilon hoặc cái bao tải cám cò. Không phải riêng tôi mới thế, hầu hết bạn bè cùng lứa đều như vậy.

Tiếng là vùng đất lúa nhưng năm nào cũng thiếu gạo. Những gia đình ở làng tôi đều phải “chia gạo” theo tỉ lệ: 1 gạo 3 khoai. Đó là món cơm độn nhưng khoai độn ở đây không phải khoai lang hay sắn. Nó là khoai nước rất ngứa vốn chỉ dành cho lợn. Trong bữa ăn, hầu hết các gia đình chỉ có rau, canh và sang hơn có lạc rang hay cá liu riu kho mặn.

Cả tháng thậm chí có khi mấy tháng chúng tôi mới được bồi bổ một vài miếng thịt. Mà phải có đám, bất kể là đám cưới hay đám ma thì những đứa trẻ mới được hưởng sự bồi bổ ấy từ những gói phần. Với những đứa trẻ như tôi những miếng thịt mỡ là niềm khao khát. Những gói phần nó quý giá gấp vạn lần đồ chơi con trẻ.

Có lần mẹ tôi đi đám cưới. Mấy anh em ở nhà chờ đợi, riêng tôi chạy ra đầu ngõ chờ phần mẹ đem về. Quá trưa thấy bóng mẹ từ xa tôi đã chạy đến. Tay mẹ không có gói phần nào, tôi hậm hực muốn khóc. Về đến nhà, tôi vật vã giãy đành đạch ăn vạ. Mẹ tôi cười, bỏ nón ra, gói phần ở trên đầu. Tôi vui sướng ngồi cạnh mâm. Hai miếng thịt luộc chấm đằm mắm, ăn dè hết hai bát cơm độn ngon lành.

Tôi nghe những người già làng tôi kể rằng, cái lệ ăn cỗ lấy phần đã có từ lâu đời lắm rồi. Xưa, hình ảnh các cụ đồ đi ăn đám về, một tay che ô, tay kia cầm gói phần chia đều cho con cái và các học trò. Trong cái đói, cái thèm khát thì miếng ăn có thể còn quý hơn con chữ.

Giờ cuộc sống đã đủ đầy, không ai còn coi trọng miếng ăn nữa nhưng tôi coi việc đi đám lấy phần như một ước lệ rất đáng yêu. Nó không chỉ là một tục lệ phát xuất từ tình thương của người đi ăn cỗ dành cho người ở nhà. Nó còn là một mối liên kết văn hóa mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể cân - đo - đong - đếm.

Cũng phải nói thêm rằng, bởi đặc trưng văn hóa vùng miền mà cách bố trí đồ ăn thức uống trong mâm cỗ rất tiện. Thường là đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt lợn phay, đĩa giò; những thức này sẽ để lấy phần. Những thức ăn nóng như miến nấu, canh rau, đồ xào, lòng lợn sẽ được người trong đám dùng ngay.

Trước, túi nilon còn hạn chế thì gia chủ thường chuẩn bị lá chuối khô hay lá dong để khách gói phần. Nay, túi nilon mỗi mâm 6 cái, có vẻ tiện hơn.

Nhưng, không phải ai đi đám cũng lấy phần. Thường, những người lấy phần chỉ là đàn bà, con gái. Đám đàn ông, thanh niên phần vì vô tâm, phần còn rượu chè nhậu nhẹt và cái quan niệm “nhìn nhau mà sống” nên chẳng ai lấy phần làm gì. Và tất nhiên, nếu bạn là một người lạ ngồi vào mâm người trong làng, bạn cứ việc ăn bình thường, thừa bao nhiêu họ sẽ chia phần sau, bạn không lấy cũng được.

Cái tục lệ này không chỉ ăn sâu vào tiềm thức, cách sống của người dân quê tôi. Nó còn thực sự là một nét văn hóa đầy yêu thương và thông cảm. Tất nhiên, khách lạ dự đám thấy thế sẽ lấy làm lạ, thậm chí thấy cổ hủ lạc hậu, thấy coi thường. Nhưng tôi cho rằng, trái tim các bạn chưa rộng mở, chưa hiểu đến sâu sắc văn hóa một “vùng đất trọng điểm” của cái đói năm Ất Dậu 1945. 

Thưa các bạn! Nhiều người xem ăn cỗ lấy phần là lạ và lạc hậu. Tôi đồ rằng, sự lạ và lạc hậu ấy cũng không khác mấy so với việc anh Tây thấy người Việt ăn trứng vịt lộn, ăn thịt chó. Chúng ta là người Việt, liệu có bao giờ chúng ta muốn anh Tây hãy đặt địa vị mình vào người Việt hay không?

Thước đo của sự văn minh không nằm ở miếng ăn nhưng cách ăn lại là một trong những tiêu chuẩn đo lường văn minh. Nói như vậy có thiển cận quá không khi tình thương mới là tiêu chuẩn cao nhất sự văn minh và những người mẹ kia vì thương con đang ngóng đợi ở nhà mà phải chay miệng gói phần về cho con, mặc người đời phê phán cổ hủ.

Còn riêng tôi, tôi luôn biết ơn những gói phần đã nuôi dưỡng tôi qua thời gian khó. Tôi cám ơn những người mẹ, người chị đã không nề hà thị phi, tai tiếng “gói cái cổ hủ” cho những khuôn mặt thèm khát kia được hăm hở, vui cười.

>>>Xem thêm: Văn hóa ẩm thực, Ẩm thực Việt Nam, Món ăn ngon

Trần Thế Hòa