Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. 

Áo dài ở đây được khâu hoàn toàn bằng tay nhưng mũi khâu điệu nghệ đến mức người ta không thể phát hiện ra đường chỉ khâu ở viền áo.

Có thể vì lẽ đó, trải qua hàng trăm năm, nhiều làng nghề đã bị mai một nhưng phần đông người dân Trạch Xá hiện nay vẫn sống bằng nghề và nhiều người giàu có nhờ nghề may áo dài.

May áo dài cho vua Bảo Đại

Trong số những người thuộc thế hệ già nhất làng nhưng vẫn đắm đuối với nghề may áo dài, chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Văn Nhiên (SN 1933).

{keywords}
Cụ Nguyễn Văn Nhiên - người có tuổi nghề cao nhất nhì làng Trạch Xá hiện nay.

Ở tuổi 86, lại vừa trải qua cơn bạo bệnh, sức khỏe cụ đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, khi có người hỏi về nghề, cụ bỗng trở nên hào hứng. 

‘Tôi được bố dạy may áo dài từ khi chưa tròn 10 tuổi’, cụ Nhiên bắt đầu câu chuyện bằng giọng chậm rãi.

Khi đó, nghề may áo dài ở Trạch Xá đã rất phát triển. Đàn ông trong làng thường ăn Tết xong là khăn gói quả mướp đi khắp các tỉnh thành để hành nghề.

‘Bố tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng vì đã được nhận việc ở cửa hàng số 16 phố Cầu Gỗ (Hà Nội) nên ăn Tết xong là cụ lên đó. Khi thấy con trai đã học được cách may đo cơ bản, cụ đưa con đến cửa hàng để tiếp tục học và phụ việc.

Thời điểm đó, cửa hàng số 16 Cầu Gỗ được xem là lớn nhất miền Bắc. Chủ nhân của cửa hàng là cụ Lê Văn Muối - người giàu nhất nhì làng Trạch Xá (sau này là bố vợ của tôi). Trong cửa hàng có khoảng 60 thợ may làm việc ngày đêm’, ông Nhiên nhớ và kể lại bằng giọng mạch lạc.

Một lần, đang hăng say làm việc thì cả đội thợ sửng sốt khi có người đến báo tin vua và hoàng hậu sẽ đến để may đo áo dài.

‘Ngay lập tức, toàn bộ phố Cầu Gỗ bị cấm đi lại. Quan lính đứng dọc hai bên đường bảo vệ’, ông Nhiên nói.

Bước vào cửa hàng là vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và một người phụ nữ nữa. 

‘Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy vua, cả cửa hàng ai cũng sợ. Nhiều người còn cúi đầu không dám nhìn nhưng tôi còn nhỏ nên vẫn len lén nhìn. Trong quá trình may áo dài cho nhà vua, tôi cũng được phụ vài việc nho nhỏ’, ông Nhiên nói.

Người thợ ở tuổi 86 cho biết, lúc đến cửa hàng, nhà vua đặt may 3 bộ áo dài. Trong đó, một bộ dành cho vua, một bộ dành cho hoàng hậu Nam Phương và một bộ cho người chị em của hoàng hậu.

Công việc may đo được thực hiện ngay khi nhà vua rời đi nên chỉ 2 ngày sau là hoàn tất. Chủ cửa hàng được vua và hoàng hậu ban thưởng tiền vì bộ áo dài ưng ý. Vì thế, tiếng tăm của cửa hàng càng ngày càng truyền xa hơn.

Gần 80 năm mê mải với nghề

{keywords}
Cụ Nhiên khoe chiếc áo dài do chính tay mình khâu.

Sau 3 năm học nghề, cụ Nhiên chính thức trở thành thợ may đo áo dài. Công việc mang lại cho cụ nguồn sống nhưng đó cũng là niềm đam mê nên đến tận bây giờ cụ vẫn luôn đau đáu.

‘3 năm nay, vì sức khỏe yếu nên tôi không thể may đo áo dài thường xuyên được nữa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhớ nghề hoặc có ai đó yêu cầu, tôi vẫn làm. Cùng với đó, nếu được yêu cầu dạy nghề, tôi cũng không từ chối vì tôi muốn được truyền lại nghề cho nhiều người hơn’, ông Nhiên bộc bạch.

Theo lời ông, hàng trăm năm trước, áo dài Trạch Xá được khâu hoàn toàn bằng tay. Nhưng ngày nay, nhiều người đã chuyển sang may bằng máy để hiệu suất công việc cao hơn.

‘Một thợ lành nghề có thể cắt may được 5, 6 cái áo dài trong một ngày. Trong khi khâu bằng tay, họ chỉ làm xong một cái áo’, ông Nhiên cho biết. Tuy vậy, ông Nhiên phải thừa nhận, những chiếc áo dài được may bằng máy sẽ không tinh tế bằng những chiếc áo được thợ lành nghề khâu bằng tay.

{keywords}
Chiếc máy may từng được cụ Nhiên sử dụng để tăng hiệu suất công việc. Tuy nhiên, cụ thừa nhận, chiếc áo dài được khâu bằng tay sẽ tinh tế hơn.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Miến, trưởng thôn Trạch Xá cũng khẳng định, sau hàng trăm năm tồn tại, ngày nay, nghề may áo dài vẫn đang là ngành nghề phát triển ở địa phương. 80% các hộ gia đình có người làm nghề may. Thu nhập bình quân của thợ may áo dài vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ông Miến cũng cho biết, hiện tại trong làng, ông Nhiên là thợ may giỏi và có tuổi nghề cao nhất nhì. 

'Gia đình ông Nhiên - cụ thể là bố vợ ông Nhiên cũng chính là người đã may áo dài cho vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương năm xưa', vị trưởng thôn nói.

Chuyện lạ ở Hà Nội: Đêm tân hôn, cô dâu tá hỏa phát hiện chú rể bị đánh tráo

Chuyện lạ ở Hà Nội: Đêm tân hôn, cô dâu tá hỏa phát hiện chú rể bị đánh tráo

 Đêm tân hôn, cụ Kế tắt đèn rồi lẻn ra đổi cho anh trai thế vào. Sáng hôm sau, cô dâu phát hiện ra thì ‘ván đã đóng thuyền’.

Minh Anh - Diệu Bình