Theo phong tục, tập quán lâu đời của người dân Việt Nam thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, việc xây mộ chỉ thực hiện khi gia đình có người vừa qua đời hoặc cải táng.

Tuy vậy, ở thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chính quyền đã thực hiện xây nghĩa địa cho người đang sống gần 20 năm nay.

{keywords}
Cổng nghĩa trang làng Vĩnh Đông (TT Yên Lạc)

Qua khảo sát của phóng viên tại nghĩa trang làng Vĩnh Đông (TT Yên Lạc), các ngôi mộ được xây ngay ngắn, thẳng hàng, đánh số thứ tự, quy hoạch như khu đô thị văn minh. Mỗi ngôi mộ có chiều rộng khoảng 60cm, chiều dài 80cm và chiều cao không vượt quá 1,5m, hai bên mộ có rãnh thoát nước.

Ngoài những ngôi mộ đã có chủ, khói hương nghi ngút, nhiều ngôi vẫn bỏ trống. Cây cỏ dại mọc um tùm, sau trận mưa lớn, nước ngập sâu, cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống. 

Một số người dân sinh sống trên địa bàn thị trấn cho hay, ban đầu khi mới có chủ trương này, bà con phản đối kịch liệt, phần nhiều là do kiêng kỵ ở góc độ tâm linh.

{keywords}
Các huyệt mộ xây sẵn bằng bê tông, cốt thép kiên cố, có thể tái sử dụng hàng chục năm.

Sau thấy việc hữu ích của huyệt mộ xây sẵn, ai cũng đồng lòng. Đặc biệt, toàn bộ kinh phí xây dựng đều do địa phương phối hợp với các nhà hảo tâm đóng góp.

Từ lời kể của người dân, chúng tôi được biết, người khởi xướng ra ý tưởng lạ này là ông Phạm Văn Tiệp - Nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc.

Thấy phóng viên hỏi ông Tiệp, một phụ nữ đi dạo, tay bế đứa cháu cất tiếng hỏi: ‘Ông Tiệp lãnh đạo cũ phải không? Ở đây, ai chẳng biết’. Dứt lời, bà nhiệt tình đưa chúng tôi đến một căn nhà cũ kỹ.

‘Ông bà Tiệp ra đón khách nhé’, người phụ nữ ban nãy nói. Nghe tiếng ồn ào ngoài cổng, người đàn ông tóc bạc trắng, đang cuốc đất liền dừng tay, ngó ra.

{keywords}
Ông Phạm Văn Tiệp - người khởi xướng xây dựng mô hình nghĩa trang độc đáo này.

Ông giới thiệu mình là Tiệp. Mặc dù đã ở tuổi xế chiều nhưng dáng vẻ của vị cán bộ hưu trí vẫn nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn.

Khi biết mục đích của hai vị khách lạ mặt, ông niềm nở mời vào nhà nhưng bày tỏ: ‘Tôi nghỉ hưu 11 năm nay, giờ vui vầy với gia đình, con cháu. Mấy chuyện cũ rồi nhắc lại làm gì’.

Trong thời gian công tác ở thị trấn, ông Tiệp ghi dấu ấn với 2 việc, cho đến nay vẫn được người dân duy trì. Thứ nhất là chỉ tổ chức đám cưới 2 ngày trong tháng. Thứ 2 là xây nghĩa địa cho người sống.

Chúng tôi tò mò về lý do ông đưa ra đề xuất xây mộ chờ, rít điếu thuốc lào, ông Tiệp chia sẻ: 

‘Bà con thị trấn chúng tôi vẫn duy trì tục lệ hung táng và cải táng, ít khi lựa chọn hỏa thiêu người quá cố.

Tôi nhận thấy, khi có người qua đời, các gia đình phải mất công tìm người đào huyệt, xây trát, rất vất vả mà tốn kém.

Nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng như đổ lửa, đi đào đất giữa trời nóng chẳng khác nào cực hình. Chưa kể, không phải lúc nào cũng có sẵn người làm. Mỗi lần đào huyệt là một lần người ta tụ tập, nhậu nhẹt rồi say xỉn, gây mất an ninh trật tự…

Nhiều nơi họ còn đào mộ phân tán, không tập trung, gây ảnh hưởng tới môi trường, lãng phí tài nguyên đất', ông Tiệp kể.

Xuất phát từ đó, ông Tiệp mạnh dạn đưa ra ý kiến đào huyệt mộ chờ sẵn. Nhà có đám ma chỉ việc báo với quản trang, đến ngày đưa quan tài ra chôn.

Sau 3 năm, người nào được chôn cất ở hàng mộ đầu tiên sẽ được cải táng sang địa điểm khác. Huyệt cũ để một thời gian, tiếp tục ‘đón’ người mới xuống. Hộ nào chưa có điều kiện chuyển, để người chết ở mộ cũ thêm vài năm cũng không sao.

'Từ số liệu sổ sách, tôi tính toán trung bình một thôn có khoảng 60 người qua đời/ 1 năm. Vì vậy, chúng tôi dự tính xây 70 cái huyệt. Tuy nhiên, do kinh phí thiếu, chúng tôi xây dần theo từng năm. Đến nay, mỗi thôn có từ 80 - 100 huyệt đào sẵn', ông Tiệp nhớ lại.

Vẫn theo lời vị nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn, ở Yên Lạc, quy định này từ khi ra đời đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tiền bạc cho bà con và quỹ đất cho địa phương.

‘Quy ước của thị trấn Yên Lạc, việc cải táng chỉ được thực hiện vào 2 tháng mùa khô là tháng 9, tháng 10 và diễn ra trong các ngày mồng 2, mồng 10, 16, 22. Riêng tháng 12 chỉ được cải táng vào một ngày duy nhất là ngày mồng 2’, ông Tiệp cho biết thêm.

Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Văn Cường (SN 1966) - tổ trưởng tổ dân phố 3, thôn Đoài (TT Yên Lạc) bày tỏ: 'Nghĩa trang cho người chưa khuất thể hiện sự văn minh, tiết kiệm.

Nhiều lãnh đạo ở các tỉnh thành từng về đây học hỏi, tham khảo mô hình để về áp dụng. Với tính chất tốt đẹp như vậy, bây giờ người dân vẫn hưởng ứng và giữ gìn như truyền thống của địa phương'.

{keywords}
Ông Ngô Văn Cường - tổ trưởng tổ dân phố 3, thôn Đoài

Ông Nguyễn Thái Dũng - PCT UBND TT Yên Lạc cũng chia sẻ: 'Các ngôi mộ đó chúng tôi gọi là mộ cố định. Cả thị trấn có 4 thôn, với khoảng vài trăm ngôi mộ cố định.

Khi an táng người đã khuất xuống mộ, gia chủ không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào. Trong nghĩa trang sẽ phân làm 2 khu, 1 khu là mộ cố định (hung táng), 1 khu là mộ cải táng. Khi nào sang cát, chuyển mộ cho người mất vào nhà mới, người thân mới phải nộp tiền cho địa phương'.


Kết cục bi thương của người vợ hết lòng vì chồng, vay nặng lãi 200 triệu

Kết cục bi thương của người vợ hết lòng vì chồng, vay nặng lãi 200 triệu

Từ một phụ nữ đầy đặn, chị Quý gầy rộc đi, chỉ còn 33kg. Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ nhưng chị lại không thể ngủ...

Diệu Bình - Ngọc Trang