- Có ý kiến cho rằng yếu tố thương mại khiến phim Việt gần đây thiếu vắng những nhân vật trung tâm tích cực, có tính cách và hành động đáng khâm phục.

Đạo đức trong phim Việt là chủ đề nhận được nhiều tham luận tại cuộc hội thảo khoa học "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay" do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo quy tụ nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, lý luận phê bình và văn nghệ sĩ, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/11 tại TP.HCM.

{keywords}
Phim 'Hương Ga' với nhân vật chính được cho là lấy nguyên mẫu từ trùm giang hồ Dung Hà.

Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết khi xem phim của các bạn trẻ dòng phim độc lập có tài trợ từ các quỹ văn hóa của nước ngoài, bà có cảm tưởng "đôi khi không biết là của nước nào, văn hóa truyền thống không còn dấu ấn trong tác phẩm của họ. Nói tiếng mẹ đẻ không sõi, cách sống lai căng, pha tạp".

Bà Ngát nêu cái nhìn so sánh tuổi 20 ngày xưa phơi phới lên đường chống Mỹ hay xây dựng đất nước. Nay tuổi 20 trong một vài phim của họ có khi chỉ biết đi làm điếm một cách lành nghề, coi như một nghề, sau đó vẫn có thể nhí nhảnh hồn nhiên được với người mình yêu, đưa đồng tiền mình kiếm được trong sự nhơ nhớp đó cho người yêu mua vé cùng đi du lịch....

Bà cho biết lứa tuổi già hay trung niên như bà, dù đã trải nghiệm rất nhiều cũng không khỏi "kinh hãi trước sự trơ lỳ về cảm xúc, về sự lạnh lùng làm điều xấu cứ như không của không ít người trong giới trẻ hôm nay, điển hình là nhân vật trong Khi tôi 20 (đã bị cấm chiếu).

Nêu góc nhìn từ phía truyền thông, bà Nguyễn Thị Kim - Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Ngày nay nói: "Không kể các phim hài nhảm, nếu chúng ta thử nhìn lại một số phim tâm lý xã hội VN chiếu rạp gần đây thiếu vắng những nhân vật trung tâm tích cực, nhân vật anh hùng có tính cách và hành động đáng cảm phục".

{keywords}
Phim Đoạt hồn với nhiều cảnh kinh dị.

Điển hình như Bước khẽ đến hạnh phúc, là câu chuyện tìm lại cội nguồn của một cô gái trẻ Việt kiều nhưng mang phong cách hơi áp đặt, gượng ép. Đoạt hồn mang màu sắc u trầm, bí ẩn, pha màu kinh dị. Mất xác mô tả sự biến chất của một gã bác sĩ và nỗi khổ của một cô gái trên sông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi bóng ma quá khứ. Scandal - Hào quang trở lại là câu chuyện một nữ diễn viên vì không muốn mình là bóng mờ trong làng điện ảnh nên đã biến mình thành nạn nhân của một ca mổ thẩm mỹ tắc trách.

Gần đây nhất là Hương ga, kể chuyện một cô gái hiền lành bán hương ở ga bị đẩy đưa đến thành nữ giang hồ. Bộ phim của đạo diễn Cường Ngô được coi là tái hiện bóng dáng của những nhân vật trong vụ án Dung Hà, Năm Cam. Cùng với Scandal, Hương ga cho thấy các nhà sản xuất phim Việt đang ngày càng nhanh nhạy chẳng kém gì báo chí khi đưa lên phim các câu chuyện đời thật chấn động nhất về mặt đạo đức.

Bà Kim cho rằng làm phim về sự suy đồi, xuống cấp đạo đức có thể dễ ăn khách. Yếu tố giáo dục thẩm mỹ không phải là vấn đề trọng tâm, để mang thông điệp hữu ích đến công chúng. Sự thiếu vắng hoặc mờ nhạt các nhân vật tích cực cũng là điều dễ hiểu khi các nhà sản xuất phim đặt tính thương mại, giải trí lên hàng đầu.

Do vậy, đạo đức xã hội, đạo đức con người, góc khuất, nội tâm sẽ không được ưu tiên bằng những pha hành động đánh đấm, bạo lực trong phim. Đó cũng là mẫu số chung mà người ta tìm thấy trong hầu hết các phim Việt chiếu rạp gần đây.

Khải Trí