Lãnh đạo Công ty vận tải thủy cho rằng nếu kinh doanh nhà hàng tại mảnh đất vàng số 4 Thụy Khuê của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là hợp pháp thì chắc chắn sẽ tận thu.

Tiếp tục câu chuyện VFS được 'bán' cho công ty vận tải thủy không có chuyên môn về điện ảnh cùng những thắc mắc quanh khu đất vàng không hề được định giá trước cổ phần hóa này, VietNamNet đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Danh Thắng – Phó TGĐ Công ty vận tải thủy để rộng đường dư luận.

{keywords}
Hiện trạng nhà xưởng Hãng phim truyện thời điểm cổ phần hóa.


Hãng phim không làm phim thì làm cái gì?

- Rất nhiều nghệ sĩ đã đặt câu hỏi sau khi VFS được mua lại bởi Công ty Vận tải thủy vốn không có kinh nghiệm về lĩnh vực làm nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh thì các nghệ sĩ có phải đi lái tàu hay không? Và tên của hãng phim truyện có phải thay đổi theo kiểu một công ty vận tải hay không?

Lãnh đạo Công ty Vận tải thủy sau khi có cuộc gặp gỡ với cán bộ công nhân viên của VFS trong cuộc họp trước khi tiến hành cổ phần hóa đều hiểu những băn khoăn của mọi người khi đặt câu hỏi với công ty chúng tôi rằng liệu công ty chúng tôi là đơn vị kinh doanh không liên quan đến điện ảnh sau khi mua lại VFS các nghệ sĩ có phải đi lái tàu hay không? Thậm chí tên của hãng có phải thay đổi theo kiểu một công ty vận tải hay không?

Công ty chúng tôi yêu điện ảnh, nên chúng tôi mua lại hãng phim truyện cũng giống như các doanh nghiệp khác yêu bóng đá thì họ mua lại một đội bóng nào đó vì đam mê. Tôi cho rằng không nhất thiết nhà̀ đầu tư phải có chuyên môn về lĩnh vực của nơi họ mua.

Cổ phần hóa không phải sáp nhập. Sau khi cổ phần hóa thì VFS và̀ Công ty Vận tải thủy vẫn là hai doanh nghiệp hoạt động độc lập nhau. Công ty Vận tải thủy chỉ điều hành ở hãng thông qua số cổ phần và quyền biểu quyết của mình ở công ty cổ phần hãng phim truyện.

- Vậy sau khi cổ phần hóa VFS, công ty sẽ có vai trò như thế nào với VFS trong việc hoạt động của hãng?

Về bộ máy lãnh đạo điều hành của VFS sau này, chúng tôi sẽ không muốn có sự xáo trộn nhân sự khi lúc đầu mới cổ phần mà vẫn muốn cộng tác với những người đã có kinh nghiệm với VFS. Còn có tham gia chúng tôi cũng chỉ cử người sang VFS để quản trị kinh doanh mà thôi.

- Được biết theo như báo cáo về việc cổ phần hóa của VFS với Bộ VHTTDL thì các anh là đơn vị duy nhất tham gia mua lại. Vậy lí do gì khiến công ty của ông lại chọn VFS để đầu tư?

Vì sao chúng tôi chọn đầu tư cho VFS thì có nhiều lí do. Trong đó đầu tiên ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng qua điện ảnh cũng là một kênh truyền thông sẽ quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi, đặc biệt khi công ty vận tải thủy đang tiến tới là một công ty đa ngành nghề.

- Có ý kiến cho rằng công ty mua VFS không phải vì lí do chính là làm phim, vậy ông có thể cho biết sau khi cổ phần hóa, công ty sẽ làm gì?

VFS là hãng phim nên không làm phim thì sẽ làm cái gì? Chúng tôi sau khi mua lại cổ phần VFS cũng đã có cam kết với Bộ VHTTDL về việc dành 20% vốn điều lệ để hoạt động về điện ảnh.

Hãng phim không tiến hành cổ phần thì cũng phá sản

- Một công ty hay cá nhân khi đầu tư mua cổ phần của bất kì một hãng phim hay một tổ chức nào cũng phải nhìn khả năng sinh ra lợi nhuận, vậy điều các anh nhìn thấy ở VFS là gì?

Khi xem hồ sơ của VFS trước khi cổ phần, chúng tôi thấy tài sản của VFS thực ra là không có gì. Nhà xưởng liệt kê ra vài tỉ nhưng thực tế khi sử dụng có khi còn phải mất thêm tiền để sửa chữa chứ chưa nói là sử dụng được ngay.

Chúng tôi cũng xác định rằng VFS với khó khăn trước mắt chắc chắn kinh doanh sẽ không thể có lợi nhuận ngay. Những năm đầu sẽ phải cải tạo, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sản xuất của VFS.

- VFS đang có trụ sở được đặt tại khu đất vàng của Thủ đô, cùng với đó là 2 khu đất rất rộng lớn khác nhưng khi cổ phần hóa lại không được tính khi định giá. Liệu đó có phải là giá trị tiểm ẩn và cơ hội khi công ty đầu tư vào hãng phim truyện Việt Nam?

Về giá trị mảnh đất của VFS đang sử dụng mà dư luận gần đây có chú ý tới khi chúng tôi mua cổ phần thì xin nói rằng đó là những mảnh đất đang được VFS sử dụng dưới dạng kí hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên môi trường nên sau khi công ty chúng tôi mua lại có muốn làm làm gì cũng phải dựa trên phê duyệt phương án sử dụng đất trong hợp đồng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được phép làm.

Hiện nay, sau khi cổ phần thì công ty chúng tôi cũng phải thanh toán khoản tiền nợ hơn 5 tỷ đồng do VFS trước đây nợ nghĩa vụ đối với nhà nước về thuế đất trong việc sử dụng khu đất đó. Nếu bình thường như những doanh nghiệp khác thì việc cưỡng chế thu hồi sẽ diễn ra, mà trong bối cảnh tài chính của VFS trước khi cổ phần là bằng 0 thì chắc chắn VFS sẽ phá sản.

{keywords}
Một góc kho đạo cụ đã xuống cấp của Hãng trước khi đổi chủ.

Số 4 Thụy Khuê không phải là mảnh đất tùy tiện muốn làm gì thì làm

- Như ông nói, một trong những lí do đầu tư vào VFS là để quảng bá thương hiệu. Nhưng VFS lại là hãng phim có bề dày làm phim nghệ thuật vốn rất kén khán giả. Vậy liệu sau khi cổ phần, việc làm phim của VFS cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư ví dụ như làm những bộ phim mang tính chất giải trí nhiều hơn?
 
Để truyền thông cho Công ty vận tải thủy chắc chắn sản phẩm VFS làm ra phải có nhiều người biết đến. Việc quảng bá thương hiệu nếu cứ xoay vào lĩnh vực có ít khán giả thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy sau khi cổ phần VFS chắc chắn sẽ phải làm phim thương mại mang tính chất giải trí. Đây cũng là cũng là chủ trương của công ty. Không thể có một VFS như trước là cứ sản xuất phim nhưng không cần biết đến hiệu quả thế nào.

Việc sản xuất các bộ phim đặt hàng của nhà nước với VFS sau khi cổ phần hóa sẽ phải qua công tác đấu thầu vì khi đã cổ phần thì các hãng phim đều bình đẳng như nhau. Vì vậy nếu có tham gia đấu thấu thì VFS cũng sẽ phải dựa trên năng lực và dựa trên cơ chế thị trường để tham gia sản xuất các phim đặt hàng của nhà nước.

- Trong giấy phép kinh doanh của VFS cũng như của công ty cũng có ngành nghề được cấp phép là kinh doanh nhà hàng, quán café... Vậy nếu sau khi cổ phần, một trong những việc để tăng thêm nguồn thu cho VFS là cho thuê, làm quán café mang tính chất phục vụ quảng bá hay phát triển thương hiệu VFS mà vẫn liên quan đến hoạt động điện ảnh thì các anh sẽ làm?

Về vấn đề cho thuê đất hay kinh doanh nhà hàng tại mảnh đất VFS thì như đã nói ở trên có làm được như vậy thì cũng phải dựa trên các phương án sử dụng đất đã được các cấp ngành phê duyệt thì công ty chúng tôi mới dám làm, nhất là khi số 4 Thụy Khuê không phải là mảnh đất có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm khi nằm trong khu vực khá nhạy cảm.

Việc kinh doanh của công ty ngoài điện ảnh, chúng tôi không hề đặt kì vọng vào việc kinh doanh nhà hàng khi đầu tư vào VFS. Nếu như việc kinh doanh này có được sự hợp pháp thì đương nhiên là một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tận thu.

H.Hoàng - V.Hà
Ảnh: H.Hoàng