Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu ý kiến về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Bà nhất trí khi luật cần cấm những hành vi kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện những chi tiết, cách thức thực hiện hình ảnh, âm thanh, lời thoại trong phim.

Nhưng phải trừ những trường hợp các nội dung đó thể hiện không quá phản cảm, nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu.

{keywords}
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

"Điện ảnh là một ngành nghệ thuật sáng tạo, tác giả có thể dùng những thủ pháp điện ảnh như so sánh, đòn bẩy để chuyển tải những nội dung và thông điệp muốn hướng tới, như tính nhân văn, giá trị cao quý của tình cảm gia đình, lối sống trung thực, trọng nghĩa", nữ đại biểu bày tỏ.

Theo bà, đây là những điều cần nhận diện và đánh giá chính xác: "Không nên ngăn cấm một cách tràn lan để góp phần xây dựng nền điện ảnh hướng tới chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng đang thể hiện theo cách này".

Đại biểu cũng lưu ý, đó là cần hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh những hình ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí là những "soái ca" trên màn ảnh (ngôn ngữ của giới trẻ).

Những người này là thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên thể hiện những cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc trong thanh, thiếu niên, gián tiếp cổ súy cho việc hút thuốc lá, uống rượu bia.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) nhìn nhận cần nghiêm túc đánh giá về thực trạng nền điện ảnh Việt Nam, về thị hiếu của khán giả. Thị hiếu luôn thay đổi là bình thường, nhưng vì sao phần nhiều người Việt Nam thích xem phim nước ngoài hơn xem phim Việt Nam, xu hướng sử dụng các tác phẩm điện ảnh nước ngoài ngày càng phổ biến, đặt ra cho nền điện ảnh Việt Nam một câu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, theo bà xu thế hợp tác sản xuất phim là một tất yếu, đem lại hiệu ứng rất tích cực, phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nếu để phát triển một cách tự phát, không có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước thì rất khó đảm bảo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Nên bà kiến nghị khi sửa đổi Luật Điện ảnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt quan tâm và khi thiết kế các quy định sao cho vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam.

Đây là vấn đề không phải đơn giản, bởi điện ảnh không những là một ngành kinh tế mà còn là ngành công nghiệp văn hóa. 

Phát biểu cùng vấn đề, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế thời gian qua, việc xuất khẩu phim không được bao nhiêu mà lại nhập khẩu phim bao la, thậm chí những thể loại phim phản cảm, gây dư luận xấu, mặc dù đã qua sự kiểm duyệt của cơ quan chuyên trách.

{keywords}
Đại biểu Phạm Văn Hòa

"Có lãnh đạo Trung ương nói sao dân ta xem phim nước ngoài nhiều quá, còn phim ta thì lại rất hạn chế, phải chăng phim ta chất lượng không cao, thị hiếu của người dân không mặn mà", ông đặt vấn đề.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá việc xuất nhập khẩu phim ra sao để có chính sách đầu tư thích đáng, nâng dần phim chất lượng trong nước, nâng cao thu nhập của những nhà làm phim và hạn chế đến mức thấp nhất nguồn tài chính của ta trong nước tuồn ra nước ngoài để nhập phim ngoại. 

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, quá trình chuẩn bị, cơ quan soạn thảo đã cố gắng nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để trong quá trình tiếp biến văn hóa này lựa chọn những vấn đề gì phù hợp để có thể đưa vào luật.

Thị phần chiếu phim ở Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào quốc tế, 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động, vì do nước ngoài đầu tư, chúng ta chỉ giữ được 20% thị phần này.

{keywords}
Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội.

Về phân loại phim, hiện nay theo hướng đề xuất là phải kết hợp và giao trách nhiệm cho các cơ quan phát hành phim phải chịu trách nhiệm và sản xuất phim cũng phải chịu trách nhiệm cung cấp các nội dung thiết kế và theo hướng là hậu kiểm trước và sau đó xem xét để phổ biến phim trên không gian mạng.

Bộ trưởng nhận định, trong thực tiễn công nghệ của Việt Nam, khi làm việc với Bộ TT&TT, chúng ta mới kiểm soát được phần âm thanh, còn toàn bộ phần hình ảnh chưa có đủ công nghệ để kiểm soát.

"Do vậy, đây cũng là một vấn đề khó mà khi thiết kế điều này, chúng ta phải cân nhắc làm sao để không bị lọt những bộ phim có những nội dung không đúng với Việt Nam, chưa muốn nói là vi phạm các quy định của pháp luật", Bộ trưởng nêu ý kiến.

Trần Thường - Hương Quỳnh

Lại 'nóng' chuyện cấm sóng, dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức

Lại 'nóng' chuyện cấm sóng, dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức

Chuyện cấm sóng, dừng chiếu, rút giấy phép với phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức tiếp tục làm nóng cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ VHTT&DL. 

Khắt khe phim trong nước nhưng lại lọt phim 'sai sự thật'

Khắt khe phim trong nước nhưng lại lọt phim 'sai sự thật'

Điện ảnh Việt Nam thật cần cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản.