Đọc xong cuốn sách Khu vườn của Jenny, được hỏi tôi cảm nhận thế nào về cuốn sách. "Hay và lôi cuốn", đó là điều tôi và nhiều bài viết đều có chung nhận định này bởi cách dẫn dắt câu chuyện rất thông minh và sáng tạo của tác giả Trần Phương Hoa. Khu vườn của Jenny được viết theo kiểu hậu hiện đại. Các mảnh ghép của cuộc đời nhân vật giống như những thước phim được lắp ghép theo hồi ức và thông điệp, không phải là tổ chức tình tiết theo logic tuyến tính truyền thống. 

Nhưng, là một ông bố đã có một cô con gái nhỏ, tôi quan tâm nhiều hơn đến giá trị xã hội của cuốn sách này, nó có thể giúp ích cho tôi và những ai đó đọc nó.

{keywords}
 

Con người là sinh vật có hệ thần kinh bậc cao và sự nhạy cảm về đau khổ hạnh phúc. Mỗi chúng ta, ai cũng có những vui buồn - hạnh phúc, những nỗi lo sợ - ám ảnh trong cõi nhân sinh. Đó có thể là chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, là thi trượt, thất bại tình trường... hay những nỗi đau không may gắn liền với tuổi thơ và theo ta suốt cuộc hành trình. Nó như những sợi xích trói buộc tâm hồn ta, ngăn cảm ta kiếm tìm hạnh phúc. Và không phải ai cũng có đủ may mắn, nỗ lực để dám đối mặt và vượt qua nó, để tìm cho mình sự bình yên và hạnh phúc thực sự.

Jenny là một cô gái như vậy. Cô có những khoảng thời gian dài câm lặng, đóng cửa với thế giới xung quanh. Cô gái từng "không nói một câu nào trong lớp suốt ba năm ở Liên Xô". Cô có những giây phút cận kề cái chết bởi sức nặng của những sợi dây xích trong quá khứ. Qua lời kể của Jenny, trong khung cảnh khu vườn tâm trí được miêu tả nhẹ nhàng, dễ thương, câu chuyện của cô có vẻ không quá nặng nề, cũng như không "đau khổ" như cuộc đời của những người khác.

Nhưng sự thật là, chắc chắn Jenny cũng từng trải qua những cảm xúc tồi tệ mà có lẽ có phần khó khăn với một cô bé chưa trưởng thành, phải đối mặt với những tháng ngày đen tối, cũng như giữa những tất bật và thất vọng về nhiều điều. Nhưng sau tất cả những mất mát và quãng thời gian đằng đẵng sống trong cái "căn hầm đen tối" ấy, cô đã nỗ lực tìm cho mình con đường đi để trở về với khu vườn của mình.

Khi sợi xích cuối cùng được tháo bỏ, cũng là khi hạnh phúc và sự bình an đã trở lại với khu vườn của Jenny. Và tuyệt vời hơn, cô đã tìm thấy sứ mệnh của mình, đó là giúp đỡ những người phụ nữ khác chữa lành vết thương tâm hồn, để tìm lại nhiều hơn những khu vườn hạnh phúc. Khu vườn của Jenny, cũng như khu vườn của tâm hồn và lý trí, luôn đẹp đẽ dưới nắng mai và nghị lực phấn đấu. Khu vườn ấy cũng là nơi chứa đựng nhiều vô cùng những điều bất ngờ và kỳ diệu, và chỉ khi thực sự khám phá nó người ta mới nhận ra nhiều điều và phá bỏ những ngăn trở của cô đơn để kiếm tìm hạnh phúc và thành công.

Mang hơi hướng của Alice ở xứ sở diệu kỳ phiên bản trưởng thành – Khu vườn của Jenny là cánh cửa mời riêng ta tự bước vào thế giới nội tâm của chính mình. Bước vào đó, không ai bị phóng to hay thu nhỏ kích thước, vẫn là chính "tôi" nhưng là một phiên bản thấu suốt và tĩnh tại. Ở đấy, có những chú mèo biết nói – quét trọn thân tâm bạn và dẫn bạn đủng đỉnh bước qua ngay cả những nỗi đau bạn từng nghĩ mình chẳng thể nói với loài người.

Đọc Khu vườn của Jenny, tôi bất giác nhìn sang cô con gái nhỏ của mình. Tâm hồn trẻ thơ hết sức nhạy cảm với những xúc phạm, những gì phũ phàng tàn nhẫn. Những dấu ấn ấy in sâu vào tâm hồn non nớt của trẻ thành những vết sẹo sâu, sẽ đi theo chúng suốt cả cuộc đời. Cư xử với trẻ một cách nhân hậu, giàu yêu thương, bao bọc và bảo vệ chúng khỏi những khổ đau chính là cách giữ cho tâm hồn của trẻ mãi trong sáng đẹp đẽ. Nếu có thể, tôi muốn mình và nhiều những ông bố khác có con gái hãy cùng đọc cuốn sách này. Đọc để thấu hiểu nỗi đau của Jenny, và biết đâu một ngày kia bỗng giật mình nhận ra rằng vẫn còn có nhiều Jenny khác vẫn ở xung quanh chúng ta.

Mỗi chúng ta đều có khu vườn của riêng mình...

Hãy cùng nhau giữ cho Khu vườn của Jenny đầy ánh sáng và sự yêu thương, ngay từ những giây phút ban đầu.

Đỗ Tiến Thành (Thành viên chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam)

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc

Là kỹ sư với bao bận rộn nhưng anh Đỗ Tiến Thành vẫn dành thời gian đi xin sách, tặng sách, đọc sách dạo tại các trường học và khuyến đọc, biệt danh Thành 'cửu vạn sách' ra đời từ đó.