Tập hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” của Ma Văn Kháng được viết ra từ cả hai nguồn cảm hứng thật rõ: những nhọc nhằn và những yêu thương. Ta có thể so sánh những nhọc nhằn mà ông đã trải, với cả khối yêu thương mà ông được nhận và ban phát.

Ma Văn Kháng đã không chỉ khéo léo hay đủ sự tinh tế, nhạy cảm để chỉ kể lại một số nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà ông và bạn nghề ông đã trải qua như đói ăn và thiếu mặc, chỗ ở chật chội, đi khám bệnh phải chen chúc… Bởi kể lại được vậy, mới là giỏi cái giỏi của một cây bút thạo nghề. Đó là một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, phẫn uất, buồn thương, mai mỉa… Điểm thú vị là qua bức tranh ấy, ta thấy rõ hành trình trở thành một trí thức mẫn cán, tận tụy để rồi có một nhà văn Ma Văn Kháng về sau. Phải rồi, Ma Văn Kháng, chính ông là một khối trí lực hơn người.

{keywords}
 

Trong hơn 500 trang sách của mình, ông không chỉ viết - kể - bình về một số con người - nhân vật đã từng gây xôn xao mà qua đó, như một phép thử đối với xã hội. Hồi ký như thế, là hồi ký phân giải và bình luận chính trị -  xã hội một cách tự nhiên ngẫu hứng hay có chủ định đây? Nếu đọc kỹ và soi chiếu hướng viết, nội dung viết này với nội dung và tính cách các nhân vật trong trong Đám cưới không có giấy giá thú, Mưa mùa hạ, Một mình một ngựa… của Ma Văn Kháng, ta sẽ thấy có sự nhất quán trong tư tưởng chủ đề của toàn bộ sáng tác của ông hơn.

Trong “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, tác giả có giọng hồi ký ôn tồn, chậm rãi, nhẹ nhàng mà từ đó, người đọc nhận ra vẻ bùi ngùi, có chỗ là rưng rưng đầy xót xa, lại cả thương mến và trân trọng. Và thỉnh thoảng vọt thoát ra khỏi sự đều đều của nhịp điệu văn xuôi cũng rất dễ sa vào ru rủ, lại vang lên trong mức đủ nghe như thì thầm muốn nén bớt nỗi bi thương, đôi lời chát chúa, đáo để ra trò.

Có những tác giả làm cho cuộc đời xinh tươi hơn lên; cũng có những tác gia khiến cho con người thông tuệ thêm chút nữa. Và cũng có những nhà thơ, nhà văn đã gợi giúp cho công chúng, quần chúng của mình biết cách hành động đúng đắn hơn và có hiệu quả hơn…

Một số trích đoạn nổi bật

 

“Không thể kể hết những gì đã trải qua, những ngẫu nhiên nữa, đã góp phần đưa mình vào con đường văn chương. Đường đời là không thể định trước và mọi việc đều không thể rạch ròi, kể cả khi nó đã hoàn thành.”

--

"Sống thế nào đây lúc này? Với tôi, chỉ còn một cách là cắn răng lại nhịn nhường. Nhịn nhường người thân thì có gì là xấu. Và cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại từng bước một đi tới. Tôi không nói ngoa. Vì quả thật những truyện ngắn và những cuốn tiểu thuyết dài hơi, chính những mơ ước, dự định về chúng đã nuôi dưỡng niềm vui sống của tôi, để tôi vượt qua tất cả thử thách cay nghiệt trong thời gian này. Tôi vẫn viết. Ngồi trong căn buồng chật hẹp mùa hè như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu ở dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu soong chảo nhọ nhem. Cuộc sống vốn dĩ có đâu là dễ dãi. Phải biết sống cả những khi tưởng như không chịu đựng được nữa".

--

“Ăn mừng cuốn sách, tôi mời Như Phong, Nguyễn Thế Phương, Lê Khánh và mấy anh ở bộ phận in Nhà xuất bản Văn học tới quán thịt chó ở Ngõ Gạch. Bữa ăn vui, các bận đàn anh nói toàn những chuyện đâu đâu, chẳng một lời về cuốn sách. Tôi ngồi khép nép, nhưng lòng mơn man sung sướng. Nhuận bút cuốn sách được những hơn 6400 đồng. Phải cầm giấy ủy nhiệm chi ra tận ngân hàng mới lĩnh được! Lúc này, lương tôi cán sự 6 là 96 đồng một tháng. Vàng, một chỉ 250 đồng. Có số tiền to, vợ tôi mừng lắm, vội đem gửi tiết kiệm. Định bụng sẽ mua nhà, và đã dá dênh định mua ba bốn nơi rồi. Một căn buồng rộng hơn hai mươi mét vuông lúc này giá chỉ chừng 5000 đồng thôi. Một miếng đất 50 mét vuông đã ngã giá 7 chỉ vàng. Chà! Nhuận bút một cuốn tiểu thuyết có thể mua được một căn nhà, một miếng đất! Nghe như chuyện ở xứ sở nào vậy! Tiếc rằng thời cơ để tôi tự cải thiện cuộc sống của mình đã buột ra khỏi tầm tay một cách thật vô cùng bất ngờ. Chả ai làm chủ được tương lai của mình cả! Nấn ná, đắn đo mãi không mua thì ập đến kì Nhà nước đổi tiền, năm 1983. Sáu nghìn đồng trong sổ tiết kiệm chỉ còn lại sáu trăm đồng. Đau quá! Đau quá!”

 

Tình Lê

Ra mắt bản tiếng Việt hồi ký của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama

Ra mắt bản tiếng Việt hồi ký của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama

Cuốn hồi ký Chất Michelle đang nắm giữ kỷ lục tiền chuyển nhượng bản quyền vì chưa từng có cuốn sách nào trên thế giới được Việt Nam mua bản quyền với số tiền kỷ lục như vậy.