-Các chuyên gia của Tổ chức giáo dục, văn hóa và khoa học của Liên hợp quốc – UNESCO đánh giá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Điều này đồng nghĩa với việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ gần như chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

Để một hồ sơ được công nhận là di sản của UNESCO, phần quan trọng nhất là bản kết luận mà Hội đồng các chuyên gia thẩm định trong nhiều tháng. Các kết luận này thực chất là các kiến nghị (CÓ, KHÔNG, GỬI TRẢ LẠI để hoàn thiện cho năm sau) của các chuyên gia cho UNESCO về việc có công nhận hồ sơ đó là di sản hay không và thông thường, Hội đồng UNESCO sẽ thông qua các kiến nghị này theo nguyên tắc đồng thuận. Có rất ít trường hợp, nếu có tranh cãi quyết liệt, UNESCO mới dùng đến hình thức bỏ phiếu. Vì thế, một khi hồ sơ ứng cử viên đã được nhóm chuyên gia độc lập đánh giá tốt thì gần như chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản. Hồ sơ "tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" của Việt Nam đã được nhóm chuyên gia đánh giá là "INSCRIRE" - tức nên công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam là một trong 35 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn làm di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO.

Để trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, các hồ sơ phải đáp ứng được 5 tiêu chí nghiêm ngặt do UNESCO đề ra như tính cấp bách hay tính đại diện, có sự thực hành tốt nhất trong đời sống, có sức lan tỏa và khích lệ… và chỉ cần 1 trong 5 tiêu chí đó không đạt, hồ sơ sẽ bị trả lại.

Đền thờ Hùng Vương tại Phú Thọ

Đại diện phụ trách báo chí của UNESCO, bà Cecile Duvelle đánh giá riêng về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống”, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng thờ cúng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.

Với riêng tỉnh Phú Thọ, đây là năm thứ 2 liên tiếp địa phương này được vinh danh tại UNESCO. Năm 2011, hát xoan của Phú Thọ cũng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, khác với hát xoan được cho là cần có những biện pháp bảo vệ cấp bách, “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” được đánh giá cao về tính đại diện, bền lâu bởi tín ngưỡng này đã được người dân Việt Nam thực hành, bảo vệ và trân trọng từ ngàn đời nay, thể hiện rõ nhất qua ngày Giỗ tổ vào tháng 3 âm lịch.

“UNESCO đã đi bước đầu tiên là quảng bá được cho các di sản nảy và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sát cánh cùng các quốc gia trong việc nâng cao khả năng quản lý di sản, nhưng việc quan trọng nhất là các quốc gia cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản của chính mình” – bà Cecile Duvelle cho biết.

Mỗi năm, UNESCO dành ra khoảng 1% ngân sách hoạt động, tương đương khoảng 6,5 triệu USD nhằm giúp các quốc gia đào tạo kỹ năng quản lý di sản. Ngoài ra, các quốc gia thành viên của UNESCO còn tài trợ cho một Quỹ riêng nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể.

Thông tin chính thức về việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới sẽ được phát ra vào khoảng 2h sáng mai (giờ Việt Nam).

Quang Dũng (từ Paris)