- Người đàn ông với nước da ngăm ngăm đen, gương mặt nhàu luôn giữ tác phong bình thản, chậm chạp trong cách nói chuyện. Những câu chuyện về âm nhạc, về kỷ niệm với nghề cầm ca và cả cuộc sống cô độc 24 năm qua kể từ khi cuộc hôn nhân lần đầu đổ vỡ đã được Đức Long trải lòng một cách thành thật.


Đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác kiếm tiền

Lên 8 tuổi, bố mẹ anh đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Đức Long lớn lên cùng hai người chị của mình. Những năm tháng tuổi thơ sống nhờ vào sự chở che của mọi người đến giờ vẫn còn ám ảnh anh.

"Tôi từng làm đủ mọi nghề để nuôi sống mình từ đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... chả chê việc gì miễn sao có tiền ăn học" - Đức Long nhớ lại. Âm nhạc đến với Đức Long cũng từ những ngày khó khăn, lam lũ. Anh nói: "Hồi đó nhà tôi ở cạnh rạp Kim Đồng, mỗi lần có đoàn chèo hay cải lương về diễn, tôi đều cùng túm bạn gần nhà hồ hởi mang ghế đi xem. Những làn điệu, câu ca cứ ngấm dần vào tôi vào lúc nào không biết". 

{keywords}

Đức Long từng có thời gian làm công nhân tại một mỏ than ở Quảng Ninh. Tại đây, anh bắt đầu tham gia cuộc thi tiếng hát của những người công nhân thợ mỏ. Khi năng khiếu ca hát được bộc lộ, anh được nhiều nơi mời đi hát. Con đường trở thành nghệ sĩ cũng đến một cách rất tình cờ.

Trong một lần giao lưu ca hát giữa công nhân và lực lượng vũ trang, Đức Long được đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân mời về đoàn. Tuy nhiên, anh cũng chỉ làm việc một thời gian thì đầu quân về Đoàn Ca múa nhạc Việt Nam và trở thành nhân viên chính thức ở đây từ đó đến nay.

Nhắc đến Đức Long, người ta nhớ về những tình khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... Anh nói, để hát được những ca khúc dòng nhạc xưa cần có sự trải nghiệm cần thiết, phải trải qua nỗi buồn mới thể hiện được nỗi buồn của người khác.

{keywords}

Âm nhạc không phải để kiếm tiền

Cùng thời với anh nhiều người đến giờ vẫn mải miết chạy sô. Đức Long bảo anh không tủi thân cũng chẳng đố kị khi ai đắt sô hoặc kiếm được nhiều tiền hơn mình. Với Đức Long, âm nhạc không phải để kiếm tiền. Nhưng ngoài âm nhạc anh cũng chẳng biết làm gì khác để kiếm sống. Bởi vậy gia tài lớn nhất của anh đến thời điểm hiện tại là căn nhà nhỏ nằm sát cạnh đường tàu trên phố Lê Duẩn.

Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, 20 năm qua, Đức Long vẫn duy trì việc dạy học tại Học viện âm nhạc quốc gia với tư cách cộng tác viên. Anh yêu và gắn bó với công việc này bởi muốn truyền cho giới trẻ tình yêu âm nhạc - thứ tình yêu thuần khiết mà thế hệ anh đã sống và tâm niệm. Những ca sĩ như Hiền Anh hay Tùng Dương từng là học trò của anh.

38 năm cống hiến cho âm nhạc, Đức Long đã nhiều lần ước ao thực hiện một đêm nhạc của riêng mình. Và ngày 26/10 tới tại Nhà hát Lớn, anh mới có liveshow lớn đầu tiên trong đời với tên gọi "Đức Long - 35 năm hát tự tình". Hai nữ nghệ sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Anh và Minh Thu được mời hát cùng anh. Đức Long thổ lộ việc mời hai gương mặt này là vì sợ "nếu chỉ một lão già trên sân khấu" như anh khán giả sẽ dễ nhàm chán.

"Tôi thực hiện liveshow đầu tiên trong đời và cũng có thể là duy nhất và đơn vị tổ chức là công ty của một cậu học trò từng học nhạc của mình. Đêm nhạc để tri ân khán giả, không vì mục đích thương mại vì nếu vì thương mại tôi đã mời những gương mặt 'hot' nhất hiện nay để đồng hành với mình", anh nói.

Cuộc hôn nhân không trọn vẹn

Đức Long tự nhận mình là người sống khép kín, không muốn phiền lụy đến ai. Những người phụ nữ đã từng đến và đi trong cuộc đời anh cũng vậy. Anh bảo từng có cuộc hôn nhân với nữ diễn viên của một đoàn kịch. "Thủa đó chúng tôi yêu nhau say đắm, vồ vập như thể sẽ là của nhau mãi mãi. Đám cưới là cái kết đẹp nhưng rồi cuộc sống gia đình nảy sinh những mâu thuẫn và chúng tôi lặng lẽ rời xa vì không cùng một nhịp đập nữa. Chúng tôi chia tay khi chưa kịp có với nhau đứa con đầu lòng.

{keywords}
 
Ngày ra tòa ký tấm giấy ly hôn chúng tôi vẫn đi uống cà phê vui vẻ. Có thể nói cuộc chia tay diễn ra trong êm đẹp và đến giờ tôi cũng không thể tìm được lý do chính xác nhất của việc chia tay xuất phát từ đâu. Có thể nói cuộc tình này chúng tôi mới có duyên mà chưa có phận" - NSƯT Đức Long trải lòng.

24 năm qua sao anh không tìm một bờ vai để gửi gắm tình cảm, để có những đứa con?, hỏi Đức Long anh cười nói: "Có những cô gái đến với tôi, họ sẵn sàng sẻ chia những khát vọng đời sống nhưng cái duyên không tới. Còn bây giờ ư?, tôi đã quá quen với sự cô độc một mình, cũng không còn cảm giác ngóng chờ hay mong mỏi một hạnh phúc tròn đầy và cũng không muốn làm khổ thêm một ai nữa".

Đức Long dường như an phận với cuộc sống một mình. Anh bảo một góc sâu thẳm của người nghệ sĩ là những nỗi buồn và sự cô độc đến tột cùng. Anh cũng vậy, kìm nén mọi điều ở trong lòng và sẽ bật ra khi đứng trên sân khấu. Có lẽ cuộc đời với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui nên những bản tình ca mà Đức Long hát bao năm qua thường thấm đẫm nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn của Đức Long không khiến người ta bi lụy, mềm yếu mà đó là nỗi buồn đẹp.

Sơn Hà