Tác động của dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0,… đã đặt ra những thách thức đối với hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Do đó việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là điều tất yếu, đặc biẹt cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, tăng cường ứng dụng công nghệ vào dạy học.

Vấn đề này cũng được mổ xẻ tại tọa đàm: “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và người đào tạo là người của doanh nghiệp” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 16/11.

{keywords}
Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nay, cả nước có gần 84 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở GDNN. Chất lượng nhà giáo GDNN từng bước được nâng lên cả về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm khi 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo; trên 92% nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành.

Sự phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN đã góp phần vào thành quả của hệ thống GDNN trong những năm qua với trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm (có trường đạt tỷ lệ 100%) với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng…

Theo ông Thịnh, bên cạnh những mặt mạnh, chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN vẫn còn nhiều bất cập như: trình độ kỹ năng nghề nhìn chung còn hạn chế, tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành thấp (chỉ khoảng 51%).

Đặc biệt kỹ năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy tiếp cận năng lực và yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19. Đặc biệt, còn nhiều bất cập trong việc áp dụng công nghệ tham gia giảng dạy trực tuyến.

Tại tọa đàm, đại diện của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh và yêu cầu đổi mới chung cũng là chất xúc tác để các cơ sở GDNN phát triển các giải pháp học tập sáng tạo trong thời gian ngắn và đẩy nhanh việc cung cấp các hình thức đào tạo từ xa trên môi trường số với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Do đó, các cơ sở cần chủ động xây dựng một chiến lược chuyển đổi số bài bản, theo lộ trình và đáp ứng nguyên tắc “xây dựng đến đâu, dùng đến đó”.

Giải pháp đón đầu công nghệ, tiến hành chuyển đổi số

Chia sẻ về một số mô hình áp dụng công nghệ vào dạy học trực tuyến ở Li-băng, bà Priscilla Al Rahbany, chuyên gia dự án của GIZ cho hay, việc hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên sử dụng các phần mềm đã mang lại hiệu quả đáng kể.

“Chúng tôi đã tập huấn trực tuyến cho giáo viên cách soạn giáo án điện tử, tổ chức chương trình E-Learning và dạy bài giảng qua máy tính bảng. Bên cạnh đó, cung cấp các thiết bị điện tử và máy tính bảng cho những nơi còn thiếu để hỗ trợ phát triển các bài giáo án điện tử, hướng dẫn giáo viên về mặt kỹ thuật, giảng bài trực tuyến. Ví dụ, chúng tôi dạy cách sử dụng phần mềm và công cụ tạo bài giảng dựa trên một mẫu thiết kế có sẵn theo những chủ đề theo mẫu hay phát triển các nội dung học trên nền tảng Microsoft.

Một cách nữa, chúng tôi hướng dẫn giáo viên thâm nhập vào hệ thống quản lý học tập trực tuyến (Moodle) để giúp họ thấy cách diễn ra và quản lý các khóa học của sinh viên; sử dụng, hiệu chỉnh như thế nào”.

Bà Priscilla cũng nhấn mạnh rằng giải pháp áp dụng công nghệ dạy trực tuyến sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc học ở bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào.

{keywords}
Ông Louis Arsac, Cố vấn của Tổ chức OIF chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Louis Arsac, cố vấn của Tổ chức OIF đưa ra gợi ý, giáo viên và người đào tạo cần phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cần thiết vào hỗ trợ đa dạng hoá tài liệu và phương pháp học tập. Bên cạnh đó chủ động thích ứng cách dạy học trực tuyến từ xa, áp dụng công nghệ kỹ thuật số để duy trì chất lượng, tăng khả năng tương tác với học viên. Ví dụ như sử dụng email để trao đổi, cho phép ghi âm và ghi hình các bài giảng, tạo tài khoản phần mềm hỗ trợ cho giáo viên và người đào tạo…

Ông Louis Arsac cho rằng, dịch Covid-19 là cơ hội thúc đẩy hơn sự phát triển các kỹ năng giảng dạy trực tuyến của đội ngũ giáo viên và người đào tạo. Đồng thời cần ban hành các bộ chuẩn năng lực, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kế hoạch đào tạo phù hợp để hỗ trợ giáo viên.

Đại diện Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng chia sẻ thêm về việc đưa hệ thống đào tạo trực tuyến vào hoạt động trong cả giảng dạy và tuyển sinh.

Bên cạnh ứng dụng đào tạo trực tuyến đã giúp duy trì kết nối việc dạy và học, nhà trường cùng lúc triển khai nhiều hoạt động như: Xây dựng và ban hành quy chế, quy định về đào tạo, học tập, kiểm tra giám sát, đánh giá, kiểm tra chất lượng đào tạo trực tuyến; Tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng ứng dụng đào tạo trực tuyến; Tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng xây dựng học liệu số, kỹ năng giảng dạy và quản lý sinh viên trên môi trường số,...  cho cán bộ, giảng viên.

Công tác tuyển sinh trực tiếp trong giai đoạn này trở nên khó khăn, do đó, nhà trường này đã thực hiện giải pháp tuyển sinh trực tuyến. Cụ thể, thực hiện hình thức tuyển sinh một cửa thông qua cổng thông tin điện tử của nhà trường. Không chỉ đơn giản là một hình thức tiếp cận thí sinh qua môi trường mạng, đây là một dịch vụ trực tuyến hoàn chỉnh với các tính năng hỗ trợ ứng viên tìm hiểu thông tin về nhà trường.

Ứng dụng tuyển sinh còn bao gồm các công cụ phân tích giúp thống kê số lượng ứng viên, điểm học tập phổ thông, địa chỉ cư trú, nhu cầu nghề nghiệp và các yếu tố khác. Qua đó, trường có thể phân tích và đưa ra các chiến lược tuyển sinh phù hợp với từng giai đoạn.

Các đại biểu thống nhất rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xác định “chuyển đổi số” là nhiệm vụ lâu dài, cần được xây dựng từng bước và nghiêm túc thực hiện.

Hải Nguyên

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những kỳ vọng đối với giáo dục nghề nghiệp tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.