Đảo lộn

Viện Công nghệ California (gọi tắt là Caltech) là trường đại học chuyên về nghiên cứu khoa học nổi tiếng trên khắp nước Mỹ cũng như trên thế giới. Ngôi trường tọa lạc tại thị trấn Pasadena chỉ cách trung tâm Los Angeles chưa tới 20 km. Viện có quy mô nhỏ, với 2.200 sinh viên. Trong số này, chỉ có khoảng 900 sinh viên theo học chương trình Cử nhân, còn phần lớn theo học những chương trình sau đại học như thạc sĩ hay tiến sĩ. 

"Sóng" Covid-19 khiến Caltech cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng. Đó thực sự là một đảo lộn lớn đối với tôi và tất cả thành viên khác của Caltech.

{keywords}

 Sân trước tòa nhà khoa Hóa học tại Caltech đột ngột trở nên rất yên tĩnh

Đầu năm 2020, nghiên cứu sinh và giáo sư trong khoa Hóa học đều chuẩn bị kỹ càng để chào đón người đỗ chương trình tiến sĩ vào năm học mới. 

Vào đầu tháng 3, cũng như nhiều trường đại học trên nước Mỹ, nhà trường quyết định hủy tất cả những sự kiện lớn. Chúng tôi chuyển sang chào đón các sinh viên tương lai qua mạng - điều chưa từng có ở Caltech. 

Ngày 13/3, chúng tôi nhanh chóng hoàn tất những thí nghiệm quan trọng và dọn dẹp dụng cụ để bắt đầu kì “giãn cách xã hội” lâu dài. Caltech cũng yêu cầu sinh viên và giáo sư làm việc tại nhà từ ngày 16/3. Đối với những nhóm nghiên cứu thực nghiệm như chúng tôi, đây là một bước ngoặt 180 độ, bởi không ai có thể tiến hành thí nghiệm hóa học tinh vi tại nhà. Hơn nữa, rất nhiều sinh viên lo ngại về tiến trình nghiên cứu để kịp thời hạn tốt nghiệp.

Nếu như ở Việt Nam, không khó khăn gì để kiếm được một chiếc khẩu trang bằng vải thì ở Mỹ, khi dịch bệnh bùng phát, siêu thị và cửa hàng dược phẩm đều không có khẩu trang bán cho người tiêu dùng. May mắn đã tới khi người bạn Trung Quốc tặng chúng tôi mỗi người mấy cái khẩu trang mà bạn được gia đình gửi sang. Vậy là cũng tạm ổn.

Nghiên cứu sinh tại Caltech đều được trả lương hàng tháng từ quỹ nghiên cứu của các giáo sư để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Thật may mắn cho chúng tôi khi Caltech cam kết sẽ không cắt bỏ hay giảm số tiền lương trong giai đoạn khó khăn này. Hơn nữa, du học sinh cũng không lo sợ mất nguồn thu nhập từ những việc làm thêm tại các quán ăn, cửa hàng như sinh viên ở nhiều nước khác, bởi theo luật nhập cư của Mỹ, sinh viên tại các trường đại học không được phép làm việc cho các cơ sở không thuộc trường của mình nếu không có sự chấp thuận của Cục Di dân.

Thi toàn diện qua Zoom

Bước vào năm thứ hai của chương trình tiến sĩ Hóa học, tôi và các bạn cùng khóa đều phải chuẩn bị báo cáo cho kì thi toàn diện  giữa tháng 2 – tháng 4, bước quan trọng để các giáo sư trong khoa xem xét về tiến độ nghiên cứu và quyết định xem thí sinh có được tiếp tục theo học hay không.

Thí sinh tự chọn ngày thi vấn đáp cho mình từ đầu năm học, và tôi đã lên lịch ngày 9/4. Bởi vậy, làm việc tại nhà là cơ hội để tôi tập trung soạn thảo bản báo cáo cũng như suy nghĩ kĩ càng hơn về những số liệu đã thu thập trong một năm nghiên cứu.  

Trong giai đoạn cách ly này, chiếc máy tính trở thành nhân vật chính cho những cuộc họp mặt. Chỉ trong vòng vài tuần, phần mềm Zoom hỗ trợ họp trực tuyến bỗng biến thành công cụ không thể thiếu đối với người dân Mỹ.

Nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ qua Zoom, và kì thi toàn diện của tôi cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, kì thi đặc biệt này cũng có lợi thế, bởi sự căng thẳng cũng bớt phần nào. Tôi bước vào kì thi với sự nhẹ nhõm và vượt qua thử thách này sau 90 phút vấn đáp.

Tôi cũng đã có dịp họp mặt với những người bạn đại học ở khắp nơi trên nước Mỹ và thế giới qua Zoom, hỏi thăm và trò chuyện trong thời kì phức tạp này. Một nhóm bạn của tôi tại Los Angeles cũng gặp gỡ trên Zoom để tập thể dục tại nhà, giúp giảm mệt mỏi khi phải làm việc nhiều giờ liên tục trước máy tính cũng như tăng sức đề kháng.

Nhiều hoạt động khác trong cộng đồng Caltech đều diễn tra trên mạng internet. Những câu lạc bộ đều họp mặt trực tuyến, và cứ hàng tuần, nghiên cứu sinh từ mọi ngành nghề đều có thể trò chuyện và giao lưu trên đường link do Hội đồng Học sinh phụ trách.

Về nhà trốn dịch hay ở lại Mỹ, sự lựa chọn khó khăn

Người Việt Nam duy nhất cùng khóa với tôi là bạn Thành Trung, đang theo học chương trình tiến sĩ Toán học. Môn Toán học vốn không yêu cầu nhiều dụng cụ phức tạp như khoa học thực nghiệm, nên việc học tập tại nhà cũng không quá khó khăn. 

Đối với Trung, khó khăn lớn nhất là việc chấm điểm trên mạng, vì đây là lần đầu tiên sử dụng công cụ chấm điểm trực tuyến đối với nhiều trợ giảng và giáo sư. Tuy vậy, Trung cảm thấy kì “giãn cách xã hội” cũng có một số lợi thế nhất định, chẳng hạn như dễ liên lạc hơn với những giáo sư nổi tiếng trong khoa, những người thường quanh năm bận rộn bởi các buổi thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình tại nhiều trường đại học trên thế giới. Đây là một điều rất quan trọng, bởi Trung đang tất bật tìm đọc tài liệu để lựa chọn đề tài cho luận án trước khi năm học kết thúc...

{keywords}
Nhà ăn Chandler là nơi nhiều sinh viên hay tụ tập sau những giờ học hay nghiên cứu căng thẳng, nhưng giờ đây cũng rất vắng bóng người

Khác với sinh viên cao học sống trong những căn hộ quanh Caltech, nhiều sinh viên đại học được khuyến khích trở về nhà để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong kí túc xá. Hoàng Mai (sinh viên năm 3) đã quyết định trở về Việt Nam. Mai chỉ có một tuần để vừa chuẩn bị đồ đạc vừa hoàn thành những bài kiểm tra tại phòng trước khi lên máy bay về Việt Nam và bước vào 2 tuần cách li.

Khi kì học mới bắt đầu, Mai cũng lo ngại về việc lệch múi giờ khi theo dõi bài giảng trực tiếp qua Zoom. Thật may mắn, nhiều giáo sư Caltech đã liên lạc với sinh viên để lựa chọn thời gian phù hợp với múi giờ, cũng như ghi hình bài giảng cho sinh viên khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, Mai vẫn cảm thấy nuối tiếc khi không còn được lên phòng thí nghiệm hằng ngày, một công việc đã gắn bó với em từ lâu và vô cùng quan trọng trên con đường nghiên cứu Vật lí sau này.

Một số người khác kém may mắn hơn, trở về nhà thực sự là một lựa chọn khó khăn. Taleen Dilanyan là một người bạn của tôi trong khoa Hóa học. Taleen đến từ Iraq và đã may mắn tránh được chiến tranh Trung Đông từ năm 2012. Do vậy, bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất là ở lại Caltech trong thời điểm phức tạp hiện tại. 

Chủ trương cách li vẫn còn được bang California tiếp tục áp dụng cho tới ít nhất vào ngày 15/5. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tất cả vẫn lạc quan tuân thủ “giãn cách xã hội” và duy trì học tập, nghiên cứu, mong nhanh chóng thoát khỏi đại dịch này.

 

Năm 2017, Caltech nhận giải Nobel Vật lí với phát hiện về sóng hấp dẫn của giáo sư Kip Thorne và Barry Barish. Năm 2018, trường lại đem về giải Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu tiến hóa có định hướng của Giáo sư Frances Arnold. Gần đây, năm 2019, Caltech chào đón nữ giáo sư trẻ tuổi Katie Bouman, giảng dạy tại khoa Tin học. Đây là người đã xử lí hình ảnh đầu tiên của hố đen vũ trụ gây xôn xao thế giới vào tháng 4 năm ngoái.

Tôi cảm thấy thật may mắn khi được theo học bằng tiến sĩ Hóa học tại Caltech và được học hỏi từ giáo sư Frances Arnold cũng như hai vị giáo sư Robert Grubbs (Nobel 2005) và Rudolph Marcus (Nobel 1992).

 

 

Lê Nguyễn Vương Linh (NCS Tiến sĩ hóa sinh năm thứ 2 – Caltech)

GS Vũ Hà Văn: "Cần xem học tiến sĩ là một nghề được trả lương"

GS Vũ Hà Văn: "Cần xem học tiến sĩ là một nghề được trả lương"

GS Vũ Hà Văn nói chương trình này nhằm hỗ trợ để các học viên cao học, các nghiên cứu sinh xuất sắc chuyên tâm học tập, vững tâm đi theo con đường nghiên cứu khoa học.