Sáng nay (22/10), bầu trời Hà Tĩnh đã có nắng sau mấy ngày mưa lũ, nước đã rút gần hết. Tuy nhiên, ở xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên), xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà)… nhiều khu vực vẫn ngập sâu trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà cho biết, ở Thạch Hà có nhiều trường học bị ngập trong nước lũ.
Theo bà Nga, nhà trường vẫn chưa liên lạc được với nhiều học sinh ở các trường thuộc xã Tân Lâm Hương, xã Thạch Đài, xã Tượng Sơn, xã Thạch Khê... do địa bàn bị mất điện, nước cô lập.
"Hiện chưa thống kê được nhưng ước tính thiệt hại rất là nhiều. Hiện ở huyện còn 6 trường học mà nước vẫn chưa rút. Giáo viên tiểu học ở Thạch Tân đang phải lội nước ngang bụng để vào lớp dọn dẹp. Chiều nay vẫn tiếp tục dọn dẹp trường. Giờ vẫn chưa biết lúc nào học sinh mới quay trở lại trường để học tập được", bà Nga nói.
Sáng nay, nước lũ đã rút nhưng Trường mầm non Thạch Tân vẫn đang ngập sâu |
Nhiều giáo viên đã xắn quần, lội nước hơn nửa mét để tìm sách vở, đồ dùng học tập của học sinh bị ngập. Sau đó phải dùng nước sạch để rửa, phơi nắng để sách khô, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Giáo viên tất bật dọn dẹp sau lũ |
Giặt lại chiếu cho học sinh |
Đồ chơi học sinh nổi bồng bềnh trong nước lũ |
Cô Hoàng Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Thạch Tân cho biết, hiện tại tuy lũ đã rút nhưng nước vẫn còn cao khoảng nửa mét, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, tài liệu của giáo viên ướt sũng.
“Chúng tôi đã phải xắn quần lội nước để tìm lại sách vở, hong khô đồ dùng học tập cho các học sinh. Sách vở ướt sũng như thế này thì không biết bao giờ học sinh mới trở lại trường học tập được”, cô Nga nói.
Hong khô sách vở sau cơn lũ |
Hiệu trưởng trường Mầm non Thạch Tân (xã Tân Lâm Hương) cô Nguyễn Thị Hoa cho biết, cho hay, phải đến cuối tuần sau học sinh mới có thể đi học lại bình thường được. Hiện sách vở, đồ dùng học tập của các học sinh bị cuốn trôi nhiều.
Để giúp học sinh sớm quay trở lại trường học sau lũ, tại Trường Tiểu học Thạch Tân, lực lượng công an, bộ đội phối hợp với giáo viên đã có mặt từ sáng sớm để dọn dẹp bàn ghế, lớp học, sách vở.
Bàn ghế học sinh bị ngâm nước lũ |
Giáo viên cùng với công an phơi khô đồ dùng học tập cho học sinh |
“Nước lũ ngập sâu, nhiều sách vở, đồ dùng của các em học sinh đã bị ướt sạch. Hiện tại lực lượng giáo viên, công an, bộ đội đang hỗ trợ thu dọn và đưa ra phơi xem có khắc phục được hay không. Nước lũ rút tới đâu chúng tôi sẽ dọn dẹp tới đó”, ông Trần Huy Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân nói.
Giáo viên phơi khô sách để đón học sinh trở lại trường |
Sáng nay, tại Trường mầm non Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) từ sáng sớm, giáo viên phối hợp với công an, bộ đội có mặt tập trung dọn dẹp sau lũ. Đây là khu vực hạ du hồ Kẻ Gỗ, mưa lớn mấy ngày khiến cho mực nước ở trường dâng cao khoảng 2m. Các trang thiết bị, phòng hành chính, 8 phòng học, đồ chơi học sinh bị nước lũ nhấn chìm.
Dọn trường tại xã Cẩm Mỹ |
Hiện đã có có hơn 100.000 học sinh tại 270 trường học ở Hà Tĩnh đã đi học trở lại thuộc địa bàn Hương Sơn (62), Hương Khê (49), Vũ Quang (15), Can Lộc (20), Nghi Xuân (47), Đức Thọ (57) và khoảng 20 trường THPT.
Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, huyện Thạch Hà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại về tài sản rất nghiêm trọng. Nhiều của cải của người dân bị ướt hỏng không thể sử dụng được, trong đó có sách giáo khoa của học sinh. Theo báo cáo sơ bộ của Phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà, có hàng ngàn em học sinh bị hỏng ướt và trôi mất sách vở. Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã liên hệ với các công ty cung cấp sách giáo khoa đề nghị cung cấp miễn phí số sách bị ướt hỏng trong đợt lũ lụt. Thầy Lê Văn Phương - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà cho hay đã nhận được ủng hộ đầu tiên của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Cánh Buồm, một trong những đơn vị có sách giáo khoa được sử dụng ở Hà Tĩnh. Công ty này đã hỗ trợ toàn bộ số sách Tiếng Anh lớp 1 cho các em học sinh bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện. Ngay trong 2 ngày cuối tuần, Phòng sẽ chuyển số sách này đến tận tay học sinh vùng lũ. |
Thiện Lương
Cô hiệu phó nấu hàng ngàn suất cơm cho bà con vùng ngập lũ ở Quảng Bình
Biết bà con vùng ngập lũ Lệ Thủy đang bị đói sau khi nước lũ dâng, xóm làng bị cô lập, cô Trần Thị Tân (Hiệu phó Trường Tiểu học số 1 Sen Thủy) đã tình nguyện nấu cơm đưa cơm đến cho bà con.