Sau Tết nguyên đán đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã khẩn trương triển khai học trực tuyến cho sinh viên.
Điều khá bất ngờ là khi đó, nhiều sinh viên còn… chưa sợ dịch, nên các em phản đối vì muốn tới trường, tới lớp gặp bạn bè.
Nguyễn Hưng, sinh viên năm thứ 3 nhớ lại, thậm chí khi đó các em còn phản đối rất gay gắt trên Facebook. Khi đó, trường đã thực hiện xen kẽ việc học trực tuyến và trực tiếp.
Tuy nhiên, đến học kỳ II, sinh viên lại đề nghị cho học online vì thấy hiệu quả và tiện hơn nhiều.
“Khi học online, chúng em có thể xem lại bài giảng, không phải di chuyển, tiết kiệm được nhiều thời gian” – Hưng nói.
Theo TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) chỉ sau gần nửa năm, thói quen cũng như tư duy của sinh viên nhà trường đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến đầu tháng 8 vừa qua, khi làm một cuộc khảo sát trong toàn trường, đã có 55% sinh viên đề nghị được học trực tuyến.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đưa gần như toàn bộ giáo trình lên hệ thống học liệu số, thay thế cho giáo trình giấy, tiết kiệm được khoảng 2 – 3 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng cho hay: “Con số ấn tượng nhất là sự tương tác của sinh viên và giảng viên khi gần như 100% sinh viên, giảng viên nhà trường sử dụng nền tảng và các công cụ dạy học số”.
Song chuyển đổi số giáo dục đại học không chỉ đơn giản là câu chuyện học trực tuyến. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số.
Và dù đã 'nhanh chân' cũng như có bước tiến đột phá dưới áp lực của đại dịch Covid-19, song các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công, cần sự quyết tâm cao cũng như chiến lược đầu tư đồng bộ, dài hơi cả về công nghệ, quản lý, vận hành, con người...
Chi phí “cực kỳ lớn"
TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, những năm gần đây, Trường ĐH Mở Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ tiên tiến, đồng bộ phục vụ cho việc giảng dạy với 3 trường quay hiện đại, 2 phòng phát triển nội dung, 7 máy chủ với các thiết bị mạng, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, camera chuyên nghiệp và gần 500 máy tính cấu hình cao tại các địa điểm học tập. Kinh phí đầu tư cho hệ thống này khoảng 5 triệu USD.
Tính toán của TS. Phạm Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Tin học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, nếu các trường chỉ chuyển đổi sang mô hình trường học thông minh thì chi phí đã tăng lên khoảng 60% so với đầu tư một mô hình học tập truyền thống. Các chi phí chủ yếu về thiết bị phần cứng, phần mềm, công nghệ, phòng học thông minh đi cùng với hoạt động sư phạm, quản lý người học, giáo viên và chương trình giảng dạy thông minh…
Tuy nhiên, ông Dũng cũng kỳ vọng việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ quá trình chuyển đổi để tái đầu tư với dự kiến thu hồi vốn trong khoảng 10 năm. Đồng thời, khi chất lượng giảng dạy, uy tín, thương hiệu của trường tăng lên sẽ kéo theo nhiều người học.
Không tiết lộ con số cụ thể, PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM chỉ cho biết chi phí ban đầu là “cực kỳ lớn”, nhưng hiệu quả kinh tế là không nhiều.
Bởi chuyển đổi số trong đào tạo của trường không phải chỉ là chuyển từ học trực tiếp qua học online. Đó là cả một hệ thống từ nền tảng theo dõi người dạy, người học qua LMS đến việc xây dựng các bài giảng, bài tập online và cả một hệ thống khảo thí đánh giá kết quả đòi hỏi công bằng và chính xác. Do đó, theo ông Hà, phải coi đây là sự đầu tư dài hạn.
Phải đầu tư cho người thầy
Tại Trường ĐH Văn Lang, quá trình chuyển đổi số được bắt đầu từ năm 2008 khi trường này liên kết đào tạo với ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), nhận 10 môn chuyển đổi cho ngành kỹ thuật phần mềm. Lúc đó, các giảng viên trong trường đã phải sử dụng hệ thống mô-đun để tải tài liệu, trao đổi với sinh viên…
“Nhưng đến nay, nếu hỏi Văn Lang đã trở thành đại học số chưa thì tôi chưa dám trả lời, nó mới chỉ là digitization, tức là số hóa tất cả những gì mình có thể số hóa được. Ở giai đoạn này, toàn bộ quy trình, tất cả mọi thứ sẽ được chuyển đổi, để có thể quản lý được trên hệ thống, mọi người có thể hiểu một cách thông suốt, có thể kết nối với nhau cho dù trực tiếp hay trực tuyến” – bà Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang nói.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Mỹ Diệu nhận định: “Nếu hỏi có tốn kém hay không để chuyển đổi số thì thực sự là tốn kém, nhưng có cần thật nhiều tiền để chuyển đổi số được hay không thì tôi nghĩ là không cần”.
Nữ hiệu trưởng cho rằng, con người chính là nhân tố “then chốt” trong quá trình chuyển đổi số. Để đầu tư cho giảng viên thì không chỉ là môi trường để thầy cô có thể soạn được bài giảng online mà cần đầu tư cả về tư duy, phương pháp đào tạo, nâng cao năng lực thật của thầy cô.
TS. Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đồng tình, kết quả thực hiện lộ trình chuyển đổi cho thấy phương pháp dạy học của người thầy đang là khâu chậm chuyển đổi nhất, trở thành nút thắt cơ bản nhất hiện nay.
“Nếu mình có 1 cái nền tảng chục tỷ hoành tráng, rồi hệ thống kết nối… nhưng con người không thay đổi thì không thể giúp trở thành trường đại học chuyển đổi số hay một trường đại học thông minh” - bà Diệu nói.
Với một cộng đồng giảng viên lớn của trường đại học, phải làm thế nào để mọi người cùng có một nhận thức, và cùng thấy rằng chúng ta đang thay đổi để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn, với một giải pháp tối ưu hơn – theo bà Diệu mới là câu chuyện khó nhất.
Đồng quan điểm, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khẳng định: “Giảng viên phải năng động, chủ động làm chủ công nghệ. Các trường phải đầu tư máy chủ và trung tâm dữ liệu tốt, cùng với đó là xây dựng trường quay bài giảng. Tất cả phải thay đổi tư duy về dạy học số mới thực hiện được”.
Nhóm PV Giáo dục
Bài 1: Những trường đại học 'nhanh chân' chuyển đổi số
Chuyển đổi số được xem là mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học.
Bài 2: Chuyển đổi số giáo dục thách thức 'vùng an toàn' của người thầy
10 năm qua, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị “nhấn chìm” bởi làn sóng công nghệ thông tin thì giáo dục đại học gần như không bị ảnh hưởng.
Bài 3: Ngôi trường hái 'quả ngọt' nhờ chuyển đổi số từ 20 năm trước
Bắt đầu nghiên cứu phát triển đào tạo mở và giáo dục từ xa vào năm 1994, Trường ĐH Mở Hà Nội là ngôi trường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách bài bản vào trong công tác dạy và học.