Ngày 22/11, Bộ GD-ĐT chính thức công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được lựa chọn sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại buổi họp báo, nhiều băn khoăn được đặt ra xoay quanh những lo ngại về tính độc quyền; lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách; giá thành SGK mới; việc kiểm tra thi cử liệu có ảnh hưởng khi có nhiều bộ sách,….

{keywords}

UBND tỉnh chọn sách, có đáng lo?

Nhìn vào danh mục SGK vừa được phê duyệt, NXB Giáo dục có đến 4 bộ SGK lớp 1 với 24 bản thảo. Như vậy có thể thấy, trong năm học 2020-2021, SGK của NXB Giáo dục vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn. Điều này liệu có đáp ứng mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông mới là đa dạng hóa SGK, chống độc quyền?

Ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học): Tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Hơn nữa, Luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.

Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục là do UBND tỉnh quyết định. Vậy Bộ có lo ngại gì về vấn đề lợi ích nhóm khi giao việc chọn sách cho UBND tỉnh không và Bộ đã có giải pháp nào để ngăn ngừa nguy cơ có thể xảy ra như thế?

Ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học): UBND Tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Với quyết  định như vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể về thành phần của hội đồng lựa chọn SGK; quy định về các nguyên tắc, yêu cầu để việc thực hiện lựa chọn ấy mang tính chuyên môn.

UBND tỉnh sẽ có cơ quan tham mưu là Sở GD-ĐT trong việc thực hiện thành lập hội đồng và lựa chọn theo quy định. Thành phần hội đồng sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học và các giáo viên trực tiếp giảng dạy của môn học, cấp học ấy. Tất cả những lựa chọn này sẽ được công bố công khai, minh bạch.

SGK là công cụ, quan trọng là chương trình

Sách lần này đưa vào chương trình mới đã được thực nghiệm và đánh giá hay chưa?

Ông Thái Văn Tài: Một trong những quy định bắt buộc là khi sách được đề nghị lên Hội đồng quốc gia phải có hồ sơ thực nghiệm theo đúng quy định. Trách nhiệm của NXB phải tổ chức thực nghiệm với thời lượng theo đúng mạch nội dung của chương trình quy định. Như vậy, tất cả các bộ SGK khi trình lên Hội đồng thẩm định đều phải có thực nghiệm và việc thực nghiệm là trách nhiệm của tác giả và NXB. Bộ sẽ kiểm tra hồ sơ này trước khi nhận các bản thảo SGK để thẩm định.

{keywords}
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng

Khi địa phương lựa chọn các bộ sách khác nhau thì việc kiểm tra, đánh giá có đảm bảo chính xác, công bằng?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách” thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành. Chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”.

Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Như vậy thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.

Các tỉnh có lựa chọn những bộ sách khác nhau. Vậy liệu khi học sinh chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác việc học của các em có đảm bảo tính logic hay không khi triết lý giáo dục của các bộ sách này là khác nhau?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Như tôi cũng đã nói, chúng ta dạy một chương trình nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy việc chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.

Tôi vẫn hay ví von thế này, ở Việt Nam chúng ta ăn cơm, còn sang nước ngoài thì ăn bánh mì. Chúng ta vẫn cứ lớn lên và vẫn khỏe mạnh như vậy. Cho nên cái lõi của việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” là bám sát chương trình học.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng

Mặt bằng giá cả của sách sắp tới sẽ ra sao? Liệu Bộ có hướng dẫn nào cụ thể về lộ trình tăng giá sách hay không để người dân không bị “sốc” trước giá sách lớp 1 tới đây?

Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT: Tại Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ để có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.

Sự tham gia của các thành viên từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, phải chăng chúng ta đang chọn một đơn vị quá truyền thống, mà không phải từ các thầy cô trường sư phạm trong khi thầy cô trường sư phạm khả năng sẽ hiểu học sinh hơn?

Ông Thái Văn Tài: Hội đồng môn Tiếng Việt có 15 người, trong đó có đến 9 giáo viên. 9 giáo viên này có từ Cần Thơ, Sóc Trăng, TP HCM, Huế,...tức trải dài trên địa bàn và có 2 chuyên gia chuyên sâu đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Phóng viên nói đến chuyện có những người đang là tác giả của sách giáo khoa hiện hành nhưng giờ lại vào hội đồng thẩm định, hay có những tác giả viết sách hiện hành giờ lại viết sách giáo khoa mới.

Đúng là nhiều tác giả viết sách giáo khoa hiện hành giờ tham gia viết sách giáo khoa mới và cũng nhiều người là thẩm định của chương trình hiện hành. Nhưng ở góc độ nào đó, chính những kinh nghiệm ấy mới cho chương trình phổ thông mới chặt chẽ hơn và đổi mới.

Và với tỷ lệ số người như vậy, đảm bảo sự khách quan.

Hôm nay Bộ GD-ĐT mới công bố chính thức sách giáo khoa nhưng một số đơn vị đã có những động thái giới thiệu, quảng bá. Bộ có cho phép cơ quan quản lý nhà nước vừa tham gia biên soạn sách vừa lại là đơn vị chủ chốt tham mưu khi lựa chọn sách giáo khoa theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Ông Thái Văn Tài: Trong hồ sơ của các nơi gửi lên thì không có bất kỳ một hồ sơ nào thể hiện cổ tức hoặc liên quan đến Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, có thể bộ sách đó đang được thực nghiệm trên địa bàn này và Sở TP HCM tham gia vào phản biện bộ sách đấy để tốt hơn.

Trong quy định của Thông tư 33, những đơn vị này không có quyền tham gia và nếu giả sử có tham gia ở một tác giả nào đó thì sau này cũng không được phép trong thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đến thời điểm này Bộ không làm được việc đấy, thì chúng ta sẽ đề nghị sửa Nghị quyết hay sẽ chọn một bộ sách nào đấy để làm bộ sách của Bộ không?

Ông Nguyễn Xuân Thành:  Ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã nói tất cả mọi bộ sách đều có thể hiểu là của Bộ GD-ĐT cả. Bởi chúng ta xã hội hóa sách giáo khoa, biên soạn,... tất cả mọi sách giáo khoa đã được trong quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký phê duyệt thì mọi bộ sách đều được thực hiện trong hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Thuý Nga (Ghi)

UBND các tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa cho học sinh

UBND các tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa cho học sinh

Có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng tại các trường phổ thông.