8h sáng: Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội)
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh trống khai trường tại Trường THCS Giảng Võ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TP.HCM). Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự khai giảng ở trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh trống khai giảng ở Trường Tiểu học Đan Phượng. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại |
Hà Nội: Truyền hình trực tiếp lễ khai giảng đến từng lớp học
Các trường học Hà Nội được tổ chức khai giảng trực tiếp nhưng không quá 45 phút (từ 7h30-8h15). Riêng cấp mầm non khai giảng tại từng lớp không quá 60 phút (từ 8h30-10h).
Tùy theo tình hình thực tế mà các trường bố trí tập trung học sinh dưới sân hoặc ngồi trên lớp và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang. Ghi nhận sáng nay ở hầu hết các trường học, học sinh được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay trước khi vào sân trường.
Đo nhiệt độ cho học sinh trước khi vào Lễ khai giảng ở trường THCS Archimedes (Thanh Xuân, Hà Nội) |
Học sinh thủ khoa đầu vào khối 6 của trường THCS Đoàn Thị Điểm được nhận quà và giấy khen |
Ở trường THCS Đoàn Thị Điểm, phát biểu chào mừng học sinh ở lễ khai giảng, PGS.TS, NGƯT Đặng Quốc Thống nhấn mạnh đây là năm học đặc biệt, thầy và trò phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
"Có thể cũng giống như năm học trước, bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch bệnh, có những thời điểm, các con sẽ lại học trực tuyến, học online, nhưng với kinh nghiệm và những thành công trong năm học 2019-2020 vừa qua, với phương châm “ tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”, thầy hi vọng đây cũng là một trải nghiệm giúp các con trưởng thành hơn để sẵn sàng đối mặt với thay đổi, vững vàng trước mọi thử thách và tới đích thành công" - thầy Thống nhắn nhủ.
Lễ Khai giảng năm học 2020-2021 được trường Nguyễn Siêu tổ chức như một bài giảng minh họa lớn kết hợp trực tiếp và trực tuyến - một buổi lễ đặc biệt của thời đại 4.0, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. |
Ở trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chỉ có 50% học sinh tập trung dưới sân trường để dự khai giảng trực tiếp, còn lại ở trên lớp và theo dõi khai giảng qua màn chiếu.
Năm học 2020-2021, toàn ngành giáo dục Hà Nội có 2.794 trường học với hơn 2 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước.
Học sinh lớp 1 dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Khương Thượng. Ảnh: Thúy Nga |
Học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội). Ảnh: Mai Hương |
Học sinh làm động tác rửa tay tại lễ khai giảng Trường THCS Giảng Võ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Học sinh Trường THCS Giảng Võ chào cờ ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Con mong năm học này sẽ thật vui"
Thức dậy từ 6 giờ sáng, Lê Nguyễn Hà My, học sinh lớp 1 E, Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) háo hức chuẩn bị các vật dụng cá nhân, không quên dặn mẹ mang theo cờ và hoa để đến trường dự lễ khai giảng.
Vừa chuyển từ Bình Phước ra Hà Nội, My chưa có nhiều bạn bè. Bước vào lễ khai giảng đầu tiên tại ngôi trường mới, cô bé 6 tuổi mong muốn mình học tập thật tốt và có thể làm quen với nhiều người bạn.
“Lễ khai giảng hôm nay có rất nhiều cờ và hoa khiến con thấy háo hức. Con mong năm học này sẽ thật vui”.
Lê Nguyễn Hà My: Con mong năm học này sẽ thật vui. Ảnh: Thúy Nga |
TP.HCM khai giảng ngắn gọn trong 60 phút.
Năm nay, TP.HCM có 1,74 triệu học sinh, tăng 54.645 em so với năm trước. Học sinh tăng chủ yếu ở cấp THCS với 27.950 em. Trong đó, tập trung nhiều ở các quận 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng.
Trong ngày khai giảng hôm nay, các trường chỉ tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự, mỗi lớp từ 10- 20 em. Riêng học sinh đầu cấp gồm lớp 1, 6, 10 được tham dự đầy đủ.
Học sinh chờ đợi lễ khai giảng ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TP.HCM). Ảnh: Thanh Tùng |
THPT Lê Quý Đôn được coi là ngôi trường THPT lâu đời nhất ở Việt Nam. Ngôi trường đã có 146 năm tuổi |
Các nữ sinh tươi tắn trong ngày khai giảng, dù phải đeo khẩu trang |
Lễ khai giảng tại ngôi trường bé như "hộp diêm"
Tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải - ngôi trường bé như chiếc “hộp diêm”, diện tích ước chừng chưa đến 400m2, theo ghi nhận của PV VietNamNet, buổi lễ khai giảng diễn ra nhanh chóng, gọn nhẹ.
Nghi thức chào cờ tại trường Tiểu học Trần Quang Khải |
Trước ngày khai giảng, ngôi trường được sơn sửa lại như khoác thêm tấm áo mới. Năm nay, Trường Tiểu học Trần Quang Khải có 14 lớp với hơn 300 học sinh. Trong đó, trường đón 2 lớp 1 với những học sinh ở P. Tân Định, Quận 1.
Trường nhỏ, sân chật hẹp, ngày khai giảng mỗi lớp chỉ cử 10-12 học sinh tham dự.
Cô Võ Thành Tuyết Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 mong muốn phụ huynh sẽ luôn hợp tác để cùng nhà trường dạy dỗ học sinh.
Được biết, ngôi trường này được xây dựng trước năm 1975.
Lễ khai giảng không có học sinh ở Đà Nẵng
Sáng nay 5/9, tất cả các trường học ở Đà Nẵng đã tổ chức khai giảng trực tuyến. Cô Phan Thị Tuyết Lan- Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ, trong 30 năm đi dạy, đây là lần đầu tiên Lễ khai giảng không có học sinh.
“Năm nào cứ đến ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi đều có chung cảm xúc bồi hồi, háo hức, tuy nhiên năm nay do dịch Covid-19, chúng tôi không thể tổ chức lễ khai giảng chào đón các em, các thầy cô giáo chỉ tự chúc, động viên nhau. Hi vọng dịch chóng qua để chúng tôi được đón các em đến trường”, cô Lan nói.
Trường học vắng hoe trong ngày khai giảng |
Cô Nguyễn Thị Minh-Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ, đây là hình thức khai trường chưa từng có trong tiền lệ. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, cô Minh gửi lời chúc sức khoẻ đến toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường và đặc biệt là các em học sinh lớp 6.
Dù không đón học sinh như mọi năm nhưng tại trường tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn khá khang trang, rực rỡ cờ, hoa chào đón năm học mới.
Trường học vùng cao khai giảng sau cơn lũ dữ
Sau gần 20 ngày gồng mình khắc phục hậu quả do lũ quét xảy ra hồi trung tuần tháng 8, hôm nay (5/9), thầy và trò Trường Mầm non và Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) khai giảng năm học mới 2020-2021.
Cô - Trò trong lễ khai giảng tại trường Mầm non và Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Nhừ |
Trước đó, cơn lũ dữ quét qua vào rạng sáng ngày 17/8 khiến nhiều lớp học, nhà bán trú của Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) bị vùi sâu trong lớp đất đá.
Lũ ập về quá nhanh, nhiều giáo viên chỉ kịp chạy rồi rơi nước mắt bất lực nhìn nhà nội trú học sinh cùng giường chiếu, chăn màn, sách vở, cặp sách... cuốn theo dòng lũ.
Cô giáo đi gần 2 tiếng đến lễ khai giảng nơi biên giới nghèo nhất tỉnh Nghệ An
Để về dự lễ khai giảng ở trường Tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Cô Vi Thị Duyên (SN 1987, quê ở huyện Thanh Chương), 1 trong 2 giáo viên ở điểm lẻ Kèo Nam (là bản xa nhất ở xã Bắc Lý) phải đi gần 2 tiếng đồng hồ.
Đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Nghệ An. Tỷ lệ hộ nghèo trên 90%, chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú. Các điểm bản ở cách xa nhau và khó khăn khi đi lại vào mùa mưa bão.
“Khi mới lên đi dạy 100% là các cháu người Khơ Mú, các em đến lớp đi học lại phải cõng thêm em nhỏ giúp bố mẹ đi làm rẫy. Nếu các cháu không cõng em đi học thì phải ở nhà. Ở trên đó không có điện, nguồn nước xa, không có sóng điện thoại. Buổi sáng phải đến 9h30 mới tan hết sương mù và ban đêm thì gió mạnh…” – cô Duyên chia sẻ.
Lễ khai giảng ở trường Tiểu học Bắc Lý 2 (Nghệ An) |
Một trường học ngừng khai giảng để phòng bệnh bạch hầu
Sáng nay, hơn 400 nghìn học sinh của 1.026 trường học từ bậc Mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021.
Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dự lễ khai giảng |
Trong số này, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) phải dừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới do nằm trong khu vực cách ly y tế phòng chống dịch bạch hầu.
Ngoài dừng lễ khai giảng, trường cũng cho nghỉ học 1 tuần. Sau thời gian này, nhà trường sẽ sắp xếp, bố trí thời gian để học sinh học bù.
Ở tỉnh Gia Lai cũng có hơn 400 nghìn học sinh các cấp tựu trường.
Để chuẩn bị cho năm học mới, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với mục tiêu huy động hết học sinh 5 tuổi vào lớp mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trẻ ở độ tuổi phổ cập giáo dục THCS đã bỏ học tiếp tục đi học lại; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục-xóa mù chữ và đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Học sinh được đo nhiệt độ và sát khuẩn tay trước khi vào Lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, tỉnh Quảng Nam |
Tại Quảng Nam còn 4 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 gồm: TP Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn và Đại Lộc.
Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, buổi lễ khai giảng tại các trường trên toàn tỉnh Quảng Nam được tổ chức với quy mô hẹp, gọn nhẹ. Học sinh các lớp đầu cấp (1, 6, 10) tham dự lễ khai giảng trực tiếp, các khối lớp còn lại cử đại diện.
Hải Dương không tổ chức lễ khai giảng đối với bậc mầm non và các trường học đang trong vùng giãn cách xã hội. Các trường học khác tổ chức lễ đón, lễ khai giảng cho học sinh đầu cấp để các em hưởng không khí, ý nghĩa của ngày lễ. Còn các khối khác chỉ cử đại diện học sinh tham gia.
Năm học này, Quảng Ninh có 651 cơ sở giáo dục với tổng số hơn 300 nghìn học sinh các cấp.
Trong ngày khai giảng, công tác đảm bảo an toàn trường học, đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho học sinh được chú trọng. Mọi người khi dự lễ khai giảng đều phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.
Buổi lễ khai giảng tại các cơ sở giáo dục diễn ra trang nghiêm và ngắn gọn, không quá 60 phút. Đối với bậc mầm non và tiểu học, các thầy cô ra tận cổng trường để đón học sinh, đo thân nhiệt rồi dẫn vào khu vực tập trung của lớp.
Các học sinh Trường THCS Chu Văn An , quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng vui vẻ đến dự lễ khai giảng. Các em đeo khẩu trang, được cô giáo đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...
Tại Cần Thơ, trời không mưa, thời tiết mát mẻ, học sinh mặc đồng phục đến trường dự khai giảng.
Lễ khai giảng bắt đầu từ lúc 7h, kéo dài khoảng một tiếng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhiều tiết mục văn nghệ.
Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Trần Hồng Thắm dự lễ khai giảng tại Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều).
Dưới sân trường rộng rãi, mát mẻ, tiếng trống hiệu và nhạc vang lên. Các giáo viên hướng dẫn các em học sinh xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng. Các bé lớp 1 còn tỏ ra bỡ ngỡ, rụt rè, học sinh các lớp lớn hơn cười nói rôm rả khi gặp lại bạn cũ.
Bảo Ngọc (lớp 5A6) chia sẻ vui mừng xen lẫn hồi hộp trước buổi lễ.
“Hôm nay em được gặp lại đông đủ bạn bè. Em mong năm học này vẫn đạt được kết quả tốt, nhưng những năm trước”, Ngọc nói.
Sáng nay (5/9), ở Hà Tĩnh có 668 trường học tổ chức khai giảng năm học mới.
Gần 250 học sinh dự lễ khai giảng ở Trường THCS và THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Ảnh: Thiện Lương |
Công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tại Trường THCS và THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại địa bàn huyện Hương Khê) có 247 em học sinh dân tộc thiểu số đến dự khai giảng với hơn 11 dân tộc anh em như dân tộc Chứt, Lào, Mường, Mán, Tày, Thái, Sán Dìu...
Thầy giáo Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lễ khai giảng diễn ra trong vòng 30 phút, chỉ có phần lễ chứ không có phần hội. Thành phần lễ khai giảng năm nay chỉ có giáo viên và học sinh, giảm bớt lượng khách mời để đảm bảo công tác phòng chống dịch”.
Nhóm PV
Nữ sinh rạng ngời trong ngày khai giảng ở ngôi trường lâu đời nhất Việt Nam
Sau lớp khẩu trang, các nữ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM vẫn rạng ngời khi khoác lên mình bộ áo dài duyên dáng trong ngày khai giảng năm học mới.