ùng thời điểm cơ quan an ninh Việt Nam công bố những sai phạm của đường dây chạy điểm vào đại học ở Hòa Bình, thì nước Mỹ cũng chấn động vì gian lận tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu. Rất nhanh chóng, công tố viên Mỹ đã buộc tội nhiều phụ huynh có liên quan, gồm nhiều diễn viên nổi tiếng, trong vụ gian lận 25 triệu USD giúp con cái vào các trường đại học lớn của nước này. Ở Việt Nam, những phụ huynh liên đới đang "nằm trong bóng tối", nhưng theo các nhà giáo dục, họ đang góp phần làm hư hỏng nền giáo dục. Để con đỗ vào các trường quân đội, công an, hàng trăm phụ huynh đã bỏ hàng trăm triệu đồng để mua điểm. Tại Hòa Bình, chỉ riêng một bị can đã hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc sửa điểm bài thi.

Phạm tội hối lộ

"Theo quy định của pháp luật, phụ huynh đã phạm tội hối lộ. Số tiền mua điểm chắc chắn đủ để đối diện với mức án phạt tù. Đây là lần đầu tiên gian lận thi cử được phanh phui. Do vậy phải xử nghiêm để làm bài học cho những người khác sau này nếu có ý định vi phạm" - ông Dũng nói.Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, những phụ huynh bỏ tiền chạy điểm cho con ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình là một hình thức đưa hối lộ.

Còn ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: "Cần xác định rõ nội dung, mức độ vi phạm, người vi phạm. Đặc biệt, không bỏ sót tội, lọt người. Có như vậy mới hy vọng ngăn chặn được những vụ việc tiêu cực về thi cử có thể xảy ra trong các kỳ thi sắp tới và sau này".

TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng cần phải đưa ra khỏi trường những thí sinh có điểm thi bị can thiệp, đã trúng tuyển vào các trường. Đối với phụ huynh và những người trực tiếp tham gia vào quá trình gian lận cũng phải xử lý nghiêm túc, công khai theo quy định.

Còn cách xử lý thí sinh thì phải tùy từng trường hợp cụ thể và nhất định phải xử lý nhân văn, không thể bêu riếu"

3 thành phần được "chạy điểm"

 

 

Từng là một lãnh đạo của Sở GD-ĐT, ông Ngai, phân tích: Những học sinh được nâng điểm ở Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có thể gồm 3 thành phần: Con, cháu của lãnh đạo gửi gắm; Con, cháu của chính người vi phạm (thành viên hội đồng chấm thi) hoặc của người thân, bạn thân; Con, cháu của người dân có nhu cầu và sẵn sàng mua điểm bằng tiền.

"Ngay khi còn dạy học, làm công tác quản lý ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu và sau này khi về công tác ở Sở GĐ-ĐT TP.HCM, tôi chưa lần nào chỉnh sửa hoặc đồng ý cho bất kỳ ai chỉnh sửa điểm không đúng quy định cho bất cứ học sinh nào, dù bố mẹ cháu là ai. Nếu người thực thi nhiệm vụ làm việc nghiêm túc, tuân thủ nghiêm pháp luật, quy chế, quy định của các cấp quản lý có trách nhiệm thì không có chỗ cho sự hối lộ. Nhưng mọi sai phạm đều do con người, xuất phát từ con người thiếu bản lĩnh, thiếu trình độ hoặc bị lòng tham che mờ lý trí do vậy phải xử lý nghiêm" - ông đề xuất.  

Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cách tiêu cực mà một bộ phận phụ huynh ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang áp dụng để con có kết quả cao cần xem xét xử lý. Việc xử lý dựa trên bình diện pháp luật và xã hội.

"Chính những phụ huynh này đang dần làm hư hỏng nền giáo dục. Hiện tượng này không hiếm trong xã hội và tình trạng chạy trường, chạy lớp xảy ra một phần lỗi ở phụ huynh, đang thành vấn nạn, một trong những nguyên nhân cho các tiêu cực, lộn xộn trong giáo dục.

Ngoài ra, phụ huynh là thành tố quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách, thái độ của học sinh, sinh viên nhưng lại phó mặc cho nhà trường, không có trách nhiệm giáo dục con em mình. Phụ huynh có tiền, sẵn sàng dùng mọi cách để con vào các lớp các trường để với hi vọng rằng rồi ra trường có việc ngon lành, học hành có Nhà nước lo, đấy là cách vô trách nhiệm" - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, xử lý những phụ huynh bỏ tiền mua điểm ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La cần tham chiếu luật pháp. Việc mua điểm có phải đưa hối lộ hay không và cần có xử lý mạnh mẽ.

"Nếu số tiền quá lớn, đủ cấu thành hành vi hối lộ thì xử lý như Luật đã có quy định. Không chỉ đưa điểm thi về điểm thực là xong và để sự việc "trôi" qua. Cần xử lý nghiêm những trường hợp như thế này để đây sẽ là bài học xương máu cho nhiều phụ huynh" - ông Sơn đề xuất.

Hành vi "chạy điểm" có thể bị truy cứu theo Điều 364, Bộ luật hình sự - Tội đưa hối lộ.

 Những người kết nối cho quan hệ này thì có thể phạm vào tội Môi giới hối lộ. Tuy nhiên, để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra cần xác định quá trình đưa nhận tiền, vật chất khác, giá trị là bao nhiêu, cũng như chủ thể tham gia vào quá trình này. Người đưa hối lộ, nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ"

- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng.

Theo Điều 364, Tội đưa hối lộ từ 2 triệu đến 100 triệu có thể bị phạt hành chính từ 20 triệu đến 200 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm

 

 

Lê Huyền - Thúy Nga

Thí sinh gian lận được nâng điểm đã đỗ đại học sẽ ra sao?

Thí sinh gian lận được nâng điểm đã đỗ đại học sẽ ra sao?

Nhiều người đặt ra câu hỏi với những thí sinh đã được nâng điểm thi THPT quốc gia để đỗ đại học, sau khi phát hiện gian lận sẽ bị xử lý ra sao?