- Cô hiệu trưởng né tránh trách nhiệm là có lỗi với học sinh của mình. Nhưng những người lớn chúng ta buộc tội một cách võ đoán rằng những đứa trẻ chưa tới 10 tuổi nói dối để bảo vệ hiệu trưởng là đang làm tổn thương các em.

Mấy ngày qua, vụ việc học sinh bị xe đâm gãy chân ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang trở thành tâm điểm bàn luận của nhiều người.

Người ta bàn đến nhiều chuyện: Sự gian dối, né tránh trách nhiệm của cô hiệu trưởng từ việc phát phiếu khảo sát học sinh để làm bằng chứng phản bác nghi ngờ của phụ huynh, cho tới báo cáo của bà tới các cơ quan chức năng.

Rồi người ta bàn rộng hơn tới những vấn đề của đạo đức nghề giáo, đạo đức xã hội cho tới kỷ cương trong ngành giáo dục.

Những điều ấy đều đúng.

Thế nhưng, trong lúc nghĩ tới những vấn đề lớn hơn từ vụ việc, nhiều người đã vô tình làm tổn thương tới những thầy cô giáo và nhất là những đứa trẻ đang là học sinh của ngôi trường này.

Họ nói về "vụ nói dối tập thể", về những đứa trẻ chưa tới 10 tuổi đã biết nói dối, về "sự thật không ai dám bảo vệ" thậm về một "xã hội nói dối" khi dẫn lại thông tin như "đinh đóng cột": Sự thật là chiếc taxi vào trường đâm phải học sinh mà 100% giáo viên và học sinh lại khẳng định không có taxi vào trường.

Thực tế, con số 100% giáo viên và học sinh điền vào phiếu khảo sát, khẳng định không nhìn thấy xe vào trường trong giờ ra chơi chỉ nằm trong bản báo cáo mà cô hiệu trưởng gửi phòng giáo dục.

Không ai biết bao nhiêu phiếu khảo sát đã được phát ra và cũng không ai biết có phải 100% những người được khảo sát đã trả lời như báo cáo của cô hiệu trưởng hay không.

{keywords}
Những đứa trẻ đã không nói dối.

Trong cuộc trao đổi với báo chí sau đó, những giáo viên của trường khẳng định, nhiều người không được tham gia khảo sát; thậm chí, khi đó, còn không biết mục đích thật của việc khảo sát là nhằm tạo bằng chứng bảo vệ cô hiệu trưởng.

Họ chỉ được thông báo về một cuộc khảo sát để phục vụ kế hoạch thanh tra mà 3 tháng sau mới diễn ra.

Những giáo viên này cũng khẳng định, từ khi sự việc xảy ra sự việc của cháu Kiên, cô Bích Ngọc và ban giám hiệu nhà trường chưa từng tổ chức một cuộc họp nào có mặt đầy đủ các giáo viên để thông báo về vụ việc.

Họ cũng chỉ nắm được thông tin qua báo chí. Và họ đã cảm thấy vô cùng "xấu hổ" và "buồn tủi" khi đọc được những lời bình luận như vậy.

Thực tế là, sự việc ngày hôm ấy xảy ra ở khu vực sân sau của trường học, nơi không có nhiều học sinh chơi đùa. Thời điểm đó cũng là lúc trống vào lớp sau giờ ra chơi. 

Vì vậy, ngoài cô hiệu trưởng, hiệu phó ngồi cùng trên xe, người lái xe taxi và bảo vệ mở cổng cho taxi vào thì những người nhìn thấy xe taxi vào trường và gây ra tai nạn cho Kiên chỉ là một vài học sinh chơi cùng Kiên ở sân sau.

Do đó, việc nhiều học sinh điền vào phiếu khảo sát rằng các không nhìn thấy xe vào trường là đúng sự thật. Việc chúng chỉ nhìn thấy "bạn Kiên bị ngã phải đưa vào phòng y tế" cũng là đúng sự thật.

Các em đã không nói rằng, chúng thấy bạn chúng tự ngã chứ không phải là bị xe đâm - như cách cô hiệu trưởng diễn đạt.

Các em đã không nói dối.

Các em chỉ không biết những lời nói thật của mình đã được cô hiệu trưởng dùng để nói dối về sự việc hòng né tránh trách nhiệm.

Khi nói dối, cô Ngọc đã có lỗi với em Kiên và có lỗi với cả những học sinh của ngôi trường mà  mình làm hiệu trưởng. 

Nhưng khi những người lớn chúng ta - những người quan tâm tới vụ việc này - vội vàng nói về một "tập thể nói dối", về những đứa trẻ chưa tuổi 10 tuổi đã nói dối là chúng ta đang làm tổn thương các em, dẫu là vô tình đi chăng nữa.

Con trẻ thì không biết nói dối. Xin đừng làm tổn thương các em!

Lê Văn