Trong bảng điểm của cô bạn ở Thanh Trì (Hà Nội) có tới 40/45 học phần đạt điểm A.
"Đến giờ em vẫn cảm thấy rất vui, có chút lâng lâng khó tả. Em vui vì 4 năm học đại học đã để lại được chút dấu ấn”, Hương chia sẻ.
Ban đầu, mục tiêu thiết thực mà cô gái sinh năm 1998 đặt ra chỉ là đạt học bổng từng kỳ để đỡ được phần nào học phí. Trong suốt 7 kỳ học, Hương đều giành được học bổng của trường và một số học bổng của doanh nghiệp.
Trần Diệu Hương trở thành thủ khoa đầu ra của ngành Tài chính doanh nghiệp và cả Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2020 trong đợt tốt nghiệp sớm. |
"Hãy yêu lấy cái nghề đang chọn mình"
Song, thực ra Hương đến với ngành học này sau khi lỡ hẹn với chuyên ngành yêu thích là Kế toán – Kiểm toán. Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Hương được tổng 25 điểm tổ hợp khối A00 (Toán, Lý, Hóa), tính cả điểm ưu tiên khu vực là 25,5 điểm.
Điểm chuẩn của ngành Kế toán - Kiểm toán là 25,5 điểm song lại có thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán phải từ 8,25. Trong khi đó, Hương chỉ đạt 8 điểm môn Toán.
Cuối cùng, em quyết định chọn đăng ký vào ngành Tài chính doanh nghiệp.
“Khi biết mình không đỗ được vào Kế toán – Kiểm toán, em đã rất buồn. Nhưng một cô giáo của em đã khuyên rằng, giống như việc đi làm, nếu nghề nào đó không chọn mình thì hãy yêu lấy cái nghề đang chọn mình. Từ câu nói đó em bắt đầu suy nghĩ mình sẽ học ngành Tài chính doanh nghiệp mà vẫn có thể tìm hiểu được ngành Kế toán- Kiểm toán nếu thích”.
Vào học, vì vẫn mê Kế toán - Kiểm toán, Hương tham gia câu lạc bộ của ngành này. Cũng nhờ đó, Hương có cơ hội gặp một người anh là cựu sinh viên Kế toán - Kiểm toán, hiện làm việc trong ngành Tư vấn tài chính.
“Qua định hướng của anh, em mới hiểu chuyên ngành mình học cũng rất hay và tại sao không thử tìm hiểu, thay vì ra trường đi làm trái ngành thì uổng phí. Sau đó, em cũng tham gia mấy cuộc thi và có cơ hội gặp gỡ nhiều người, được truyền cảm hứng và rồi ngày càng yêu ngành mình đang theo học hơn”.
Cũng từ đó, nữ sinh dần hứng thú với định giá doanh nghiệp, dòng tiền – những kiến thức thuộc chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp.
“Tưởng tượng về ngành học qua tên gọi là một chuyện còn vào học cụ thể là một chuyện khác. Em nghĩ rằng nếu mình nỗ lực và tập trung hết sức cho ngành học thì ngành học nào cũng có điểm hay và đều có cơ hội để cho mình phát triển”.
Không ngại hỏi, không giấu dốt
Để đạt hầu hết điểm A, Hương cho hay không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là không ngại hỏi thật nhiều, không giấu dốt. Trước mỗi kỳ học hay trước khi đăng ký các môn học, Hương thường hỏi kinh nghiệm của các anh chị sinh viên khóa trên về việc nên đăng ký môn nào, nên học ra sao. Trong quá trình học, Hương cũng mạnh dạn hỏi các thầy cô các vấn đề bản thân còn lúng túng.
Hương cho rằng kiến thức ở bậc đại học không nhiều như kiến thức ở bậc THPT, do đó chỉ cần tập trung một chút thì cũng có thể đạt được kết quả khá tốt.
“Điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn riêng của mỗi người. Em nghĩ mỗi người có định hướng khác nhau, người giỏi chưa chắc đã điểm cao vì dành nhiều thời gian hoạt động ở ngoài. Em muốn dành sự chú tâm cho việc học kiến thức chuyên ngành, tham gia câu lạc bộ để trải nghiệm, xây dựng mạng lưới, còn có thể các bạn khác sẽ tranh thủ đi làm thêm, gia sư,...”, Hương chia sẻ.
Tính toán nên học tổ hợp môn nào để tìm sự liên quan, bổ trợ tốt nhất cho nhau về kiến thức cũng là một cách theo Hương có thể giúp việc học đỡ vất vả hơn.
Từ năm thứ 3, Hương còn ôn luyện CFA (Chartered Financial Analyst) - chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Hiện em đã đạt level 1 và chuẩn bị hoàn thành level 2.
Xác định phải tự lực trong xin việc và tinh thần luôn chủ động “không có cơm thì ăn cháo”, Hương đặt mục tiêu ra trường sớm để có lợi thế về việc làm, bởi tỷ lệ cạnh tranh xin việc sẽ thấp hơn so với thời điểm sinh viên đồng loạt tốt nghiệp.
Hương có khả năng “gánh tải” đáng nể khi mỗi kỳ học đăng ký 22-25 tín chỉ, qua đó giúp em tốt nghiệp cử nhân Tài chính doanh nghiệp sớm, chỉ trong vòng 3,5 năm.
Giữa tháng 6 năm nay, Hương đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào một ngân hàng.
Nhìn lại sau 4 năm, Hương cho rằng việc không trúng tuyển vào được ngành học mà mình kỳ vọng nhất thực tế không phải là điều gì đó quá tồi tệ, ghê gớm.
“Em cảm thấy may mắn vì đã nhận ra giá trị ngành học, từ đó thấy yêu thích và có động lực cố gắng. Các em khóa tới hoặc có thể thi lại để hiện thực hóa kỳ vọng của mình nhưng cũng có thể thử tìm hiểu xem về ngành học mà mình năm nay trúng tuyển và biết đâu lại phù hợp. Cách hay nhất là tìm đến những người đi trước của ngành học đó để đưa ra cho mình những lời khuyên, thông tin tham khảo”, Hương nói.
Thanh Hùng
Thủ khoa 30 tuổi trường Sư phạm từng bỏ dở đại học hàng đầu thế giới
Khi chuẩn bị tốt nghiệp, Phạm Việt Dũng bất ngờ bỏ ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) để thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.