Đó là khẳng định của Nguyễn Tùng Nam – nam sinh vừa trúng tuyển ĐH Colgate, Mỹ với suất học bổng trị giá 4,8 tỷ đồng trong buổi tọa đàm “Chiến thuật lội ngược dòng vào đại học Mỹ khi hồ sơ có nhiều điểm chết” diễn ra chiều ngày 28/5.
Trong phần trao đổi, một nữ sinh đã đặt câu hỏi: “Em thấy có rất nhiều bài luận có những ý tưởng độc đáo trúng tuyển vào các trường đại học Mỹ, nhưng những bài luận đó cũng đi kèm với sự mạo hiểm. Liệu có cần thiết phải viết những bài luận độc đáo như thế không hay nên viết một bài luận bình thường hơn?”.
Buổi tọa đàm “Chiến thuật lội ngược dòng vào đại học Mỹ khi hồ sơ có nhiều điểm chết” diễn ra chiều ngày 28/5 |
Trước câu hỏi này, Nguyễn Tùng Nam chia sẻ, cậu cũng từng có 2 luồng tư tưởng trong đầu, một là viết một bài luận bình thường, hai là viết một bài luận táo bạo.
“Hãy viết một bài luận càng táo bạo càng tốt. Người Mỹ luôn thích sự khác biệt. Đừng sợ sự táo bạo và khác biệt. Không có bài luận nào là bình thường cả” – Nam đưa lời khuyên.
Trong khi đó, thợ săn học bổng Trần Đắc Minh Trung – Thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard - chia sẻ thông tin: Trung bình ban tuyển sinh chỉ dành thời gian khoảng 20 phút cho một bộ hồ sơ.
Từng học tập ở Singapore suốt những năm cấp 3, Nam chia sẻ, cậu đã “sốc” trước sự tự tin, hiểu biết của bạn bè cùng lứa, trong khi bản thân cậu còn không biết mình thích học môn gì, thích cái gì.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng là lúc cậu trưởng thành và học hỏi được nhiều điều.
“"Ý tưởng viết bài luận là gì?" là một câu hỏi quá chung. Ở bên Singapore có những khóa học dành cho học sinh muốn đi du học Mỹ. Ở đó, người ta đặt ra những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chạm vào cảm xúc như "bạn thích cái gì?", "ghét cái gì?"…, từ đó bật ra những ý tưởng và phát triển nó lên”.
Nguyễn Tùng Nam - chủ nhân học bổng 4,8 tỷ đồng ĐH Colgate, Mỹ |
Khẳng định về tầm quan trọng của bài luận, thợ săn học bổng Trần Đắc Minh Trung – Thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, người từng giành được học bổng của nhiều ngôi trường danh giá như Pennsylvania, HEC Paris, Cornell, John Hopkins…đưa thông tin dựa theo các khảo sát: có đến 30-50% quyết định trúng tuyển và được cấp học bổng dựa chủ yếu trên nội dung bài luận.
Chia sẻ câu chuyện của mình, Nam cho biết, mọi thứ trong quá trình nộp đơn đều không theo bất cứ kế hoạch nào mà cậu đặt ra: điểm chuẩn hóa không như ý muốn, trượt ĐH Columbia trong vòng nộp sớm…
Thế nhưng, Nam đã biến thất bại này thành cơ hội để thành công ở một ngôi trường khác. Cậu đã giải thích với những trường nộp sau về lý do mình thất bại và kinh nghiệm gì rút ra từ đó. “Câu chuyện của mình để nói với các bạn rằng, quá trình "apply" không kết thúc sau khi ấn nút nộp đơn”.
Với tư cách là một giáo viên, thầy Đặng Minh Tuấn – người sáng lập Edutalk & UberMath nêu lên một thực tế. Do dạy ở trường chuyên Hà Nội – Amsterdam nên có rất nhiều học sinh có ý định đi du học, vì thế thầy chứng kiến nhiều học sinh bỏ bê việc học trên lớp để học SAT, ôn TOEFL. Và chính điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm GPA (điểm trung bình học tập) của các em – một yếu tố mà các trường luôn coi trọng.
“Đừng quá tập trung vào SAT, TOEFL khi GPA chưa tốt” – thầy Tuấn nói.
Việc học tập trên lớp cũng thể hiện thái độ rõ nhất của học sinh, và nó sẽ ảnh hưởng đến thư giới thiệu mà các em muốn thầy cô viết cho các em. “Các thầy cô cần phải thấy thái độ học tập của các em có cầu thị không, có cố gắng không, có giúp đỡ các bạn khác hay không… Đừng quên việc học trên lớp bởi vì nó cực kỳ quan trọng”.
Thầy Đặng Minh Tuấn (trái) đưa ra một số lời khuyên với tư cách là giáo viên |
Thầy Đặng Minh Tuấn cũng đưa câu chuyện của Đinh Thị Hương Thảo – chủ nhân của 2 tấm Huy chương Vàng Olympic Vật lý vừa giành học bổng của Viện Công nghệ Massachusetts - ra làm ví dụ cho việc sẽ khó khăn như thế nào nếu không đưa ra một lộ trình cụ thể cho mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng chỉ ra xu hướng của nhiều bạn bây giờ chỉ làm những thứ mang lại chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ, mà không quan tâm làm giàu trải nghiệm cho bản thân, để những gì mình nói ra là ngôn ngữ của mình, chỉ riêng mình có, từ đó tạo ra sự khác biệt.
“Các bạn hãy tìm ra thứ mà chỉ duy nhất mình có, thứ làm mình nổi bật hơn người khác”.
“Bây giờ nhiều phụ huynh đang làm thay con từ GPA cho đến làm hồ sơ. Đến lúc các con phải làm thật thì không biết gì cả”.
Trả lời câu hỏi của một học sinh lớp 11: mặc dù thích môn xã hội nhưng điểm số các môn tự nhiên lại cao hơn thì nên chọn ngành tự nhiên hay xã hội, thầy Đặng Minh Tuấn khẳng định: Những kiến thức trong sách giáo khoa không có gì đặc biệt cả, điều đó chỉ cho thấy em có năng lực giải quyết vấn đề tốt.
Nguyễn Thảo