“Hệ thống “cây tảo” giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà” là ý tưởng ấp ủ của 5 chàng sinh viên Phạm Văn Hoàng, Lê Văn Dương, Nguyễn Tân Lập, Phan Anh Sơn, Lê Minh Quyền thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nguyễn Tân Lập, thành viên trong nhóm giải thích, sản phẩm của nhóm sau khi đưa vào cuộc sống sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng việc giảm lượng cacbonic (CO2), tăng lượng oxy (O2).

“Hiện nay, ngay cả không gian trong nhà, chất lượng không khí mà chúng ta hít vào cũng không được đảm bảo. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng hàm lượng khí ϹO2 cao vượt mức cho phép.

Lượng CO2 thừa ấy có thể tác động xấu đến sức khỏe, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, làm việc kém hiệu quả”, Lập nói.

Để cải thiện chất lượng không khí, nhiều gia đình thường đặt thêm các loại cây xanh trong không gian sống. Tuy nhiên, Lập cho rằng điều này chưa thực sự hiệu quả bởi với số lượng cây xanh ít ỏi, lượng khí CO2 được hấp thụ và O2 sản xuất ra sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của con người.

{keywords}

Nhóm nam sinh Bách khoa lọc không khí trong nhà bằng… cây tảo

Đứng trước thực trạng ấy, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên, một nhà nghiên cứu đầu ngành về tảo, nhóm đã đưa ra giải pháp “xanh” để cải thiện chất lượng không khí một cách tối ưu là sử dụng cây tảo.

Cây tảo mà nhóm Tân Lập sử dụng có tên Spirulina. Loại tảo này cho năng suất lọc khí tương đương gấp nhiều lần cây xanh.

“Hệ thống ứng dụng nguyên lý bơm dâng trong việc nuôi trồng tảo giúp cải thiện chất lượng không khí. Chỉ cần cắm điện, đặt vào góc phòng là sẽ có một bầu không khí trong lành”, Lập nói.

Hệ thống hiện tại mà nhóm đang thiết kế phù hợp đặt trong căn phòng khoảng 25m2. Tảo trong quá trình quang hợp sẽ hấp thụ khí CO2 và tạo ra một lượng khí oxy nhất định.

Lập cho biết, tùy mục đích và nhu cầu của người sử dụng, hệ thống có thể được thiết kế phù hợp và mang tính thẩm mĩ hơn. Tổng chi phí để hoàn thiện một sản phẩm như vậy khoảng 12 triệu đồng.

Đánh giá cao về tính ứng dụng trong việc cải thiện chất lượng không khí, sản phẩm của nhóm đã được trao giải nhất trong Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Nhóm cũng mong muốn tới đây sẽ cải thiện sản phẩm hơn nữa, có thể nhân rộng tới các gia đình và các văn phòng.

{keywords}

Nguyễn Thị Vân Anh đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường

Nếu như sản phẩm của nhóm sinh viên đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường hướng tới mục tiêu giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà thì nhóm sinh viên đến từ Viện Kỹ thuật Hóa học lại tạo ra những sản phẩm sinh học hữu ích làm từ… vỏ trấu.

Nguyễn Thị Vân Anh – thành viên trong nhóm cho biết, hàng năm, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu tấn trấu nhưng chỉ có 5-10% trong số đó được sử dụng làm chất đốt. Ngoài ra, có khoảng 15% được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

“Bọn em nhận thấy trấu là thành phần dễ kiếm, giá thành rẻ mà còn chế tạo ra được nhiều sản phẩm sinh học có tính ứng dụng cao. Vì vậy chúng em đã sử dụng trấu để tạo ra các sản phẩm như: Nanosilica, Nanoceelulose; tạo ra mặt nạ làm sạch và dưỡng ẩm cho da”, Vân Anh nói.

Với các sản phẩm mặt nạ làm đẹp, Vân Anh cho biết, nhóm đã giữ lại những hoạt chất có lợi cho da. Những hoạt chất này ở dạng  nano sẽ thẩm thấu vào từng lỗ chân lông và cuốn sạch bụi bẩn. Bên cạnh đó, sản phẩm còn bổ sung trà xanh có tính chất kháng khuẩn, chống oxy hóa và giúp mềm mịn da hơn.

“Chính vì không có chất bảo quản nên hạn sử dụng của sản phẩm chỉ tối đa khoảng 30 ngày ở nhiệt độ dưới 10 độ C. Nhưng bù lại, nó có tác dụng rửa sạch sâu bụi bẩn, chất nhờn và vi khuẩn,… Sau khi sản phẩm ra mắt, mọi người sử dụng thử đều đánh giá sản phẩm không gây kích ứng và phù hợp với mọi loại da”, Vân Anh hồ hởi khoe.

Ngay khi tham gia Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, đề tài “Chế biến trấu thành sản phẩm sinh học” đã được đánh giá cao và giành giải Nhất. Vân Anh mong muốn, trong tương lai, nhóm sẽ tiến hành cải tiến thời gian bảo quan sản phẩm lâu hơn.

“Chúng em cũng rất mong muốn có thể tiếp tục điều chế và ứng dụng nano vào những sản phẩm vật liệu siêu nhẹ, siêu bền. Ví dụ như ở những vùng nước nổi sẽ có những ngôi nhà siêu nhẹ có thể nổi lên tùy vào địa hình khu vực”.

{keywords}

Chế biến trấu thành sản phẩm làm sạch và dưỡng da

“Hệ thống ”cây tảo” giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà”“Chế biến tích hợp trấu thành các sản phẩm sinh học” là 2 trong số 20 đề tài đạt giải Nhất tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay.

Trong những kỳ sinh viên nghiên cứu khoa học gần đây, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu độc đáo với tính ứng dụng thực tế cao như: Robot giúp việc nhà tự động; Chế biến tích hợp trấu thành các sản phẩm sinh học; Hệ thống điều khiển máy cắt dứa tự động; Mô hình xe điện tự hành; Sản phẩm bia thủ công hương vị trái cây…

Với định hướng “gắn kết nghiên cứu với đào tạo, sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm”, Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học đã thu hút sự tham gia của 20 Khoa, Viện với 313 công trình, trong đó có 193 báo cáo được lựa chọn thuyết trình trước hội đồng, 161 báo cáo trình bày dưới dạng poster tại 21 phân ban chuyên môn.

Trường Giang

3 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019

3 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phê duyệt đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho 3 nhà khoa học được Hội đồng giải thưởng đề nghị.