-  Sau 10 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc rèn chữ đẹp, tính nhẩm nhanh khiến cô trò ở trường quá vất vả. Bà đề xuất nên bỏ hai nội dung này để thay bằng các phần học bổ ích hơn.

Gánh nặng cho học sinh

Có câu nét chữ nết người. Tính toán nhanh cũng rất cần thiết. Nếu bỏ dạy nội dung này học sinh sẽ thiếu đi kĩ năng quan trọng trong cuộc sống, thưa bà?

TS Vũ Thu Hương: Luyện viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh, cần phải bỏ vì nó tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích.

{keywords}
Giáo viên hướng dẫn trẻ viết chữ (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung).

Người Việt Nam viết chữ đẹp và tính nhẩm rất nhanh. Hơn nữa, dù viết ẩu đến mấy nhưng so với các bạn bè ở châu Âu, chữ của tôi vẫn "đẹp như chữ in", và tính nhẩm khiến họ phải thán phục.

Qua khảo sát các chương trình giáo dục của Anh, Đức, Hungaria, Pháp... tôi thấy, họ không quá coi trọng hai môn Toán và tiếng mẹ đẻ. Trẻ lớp 1 được dạy cộng trừ trong phạm vi 10 bằng các thiết bị chứ ít khi ghi con số. Toán từ tiểu học lên trung học đều làm rất ít bài tập, lý thuyết là nhiều. Vì thế, việc học Toán không quá nặng, tập viết cũng không được coi trọng lắm.

Các nhà nghiên cứu giáo dục châu Âu nói rằng: Viết chữ đẹp hay làm toán nhanh chỉ là hoàn chỉnh một kĩ năng.

"Có thể thấy, các môn khoa học như Địa lý, Sinh vật, Vật lý, Hóa học ở các nước được giảng dạy rất nhiều. Trẻ được học về văn hóa các dân tộc, văn hóa sống, kỹ năng sống....Điều này thật sự cần thiết vì đã tạo ra những con người hiểu biết”.

Trong khi ở Việt Nam, học sinh cấp 1 kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Cách giáo dục trẻ áp đặt và bệnh thành tích là hai vấn đề đã in rất sâu vào trong từng gia đình, từ những người vừa là bố mẹ vừa là cán bộ ngành giáo dục cho tới các phụ huynh khác. Hỏi điểm sau khi đi học về  được coi là việc làm đương nhiên để thể hiện sự quan tâm đến con.

Tôn trọng tính riêng tư của trẻ

Nói như vậy có quá cực đoan không thưa bà?

Thực ra chữ đẹp rất quan trọng, là một trong những kĩ năng rất cần. Nhưng chỉ cần luyện lớp 1 là đủ rồi. Hướng dẫn nét chữ đầu tiên cho trẻ cực kỳ quan trọng. Còn sau đó bạn nên tôn trọng tính riêng tư con người của trẻ. Đừng luyện đứa nào nét chữ cũng giống nhau. Tôi phản đối điều đó.

{keywords}
TS Hương (bên phải) chụp chung với đồng nghiệp (Ảnh: NVCC)

Nét chữ nết người khi bạn tôn trọng chính cá nhân các em. Đừng luyện như gà không còn là nét người nữa.

Không thể lúc nào cũng rèn và lúc nào cũng rất khổ.

Hiện trạng rèn chữ ở Việt Nam khiến trẻ quá khổ, có em gù lưng, cận thị, chai tay, ngày ngày cặm cụi chỉ để viết đẹp hơn. Rèn chữ đẹp cũng khiến trẻ viết chậm. Lên THCS, các cháu bị phá chữ khi thầy cô đọc quá nhanh. Như vậy, luyện chữ đẹp vô ích, không có giá trị.

Trò cũng nên được học quy tắc tính nhanh nhưng không phải như hiện nay khi trung tâm dạy tính toán nhanh cho trẻ mở ra quá nhiều. Rèn tính nhanh ở lớp 1-2 là rất ổn nhưng lớp 3 nên ngừng lại.

3 kiến nghị tiến tới dứt hẳn “bệnh thành tích”

Qua nghiên cứu, bà có kiến nghị cụ thể như thế nào với Bộ GD-ĐT?

Tôi kiến nghị nên cắt giảm nội dụng dạy này, chỉ dừng ở lớp 1-2 là đủ. Lên lớp 3, 4, 5 không nói nữa, tập trung dạy trẻ viết đúng chính tả là quan trọng nhất. Dạy tính chỉ cần đúng, không cần nhanh.

Những bộ môn khác cần tăng tiết, bổ sung kĩ năng sống cho trẻ như thủ công, tự nhiên xã hội, đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật,…

Bộ GD-ĐT hãy đánh giá tất cả các bộ môn, không như giờ chỉ đánh giá trẻ chủ yếu dựa trên hai môn Toán, Tiếng Việt; không xếp loại mà chỉ xét cháu nào đủ điều kiện cho lên lớp.

Nếu làm được như vậy bệnh thành tích chắc chắc không có đất tồn tại.

Tôi biết lãnh đạo ngành có những khó khăn riêng. Nhưng mỗi người làm giáo dục cần có đóng góp cho ngành. Nếu kiến nghị của tôi được lắng nghe một phần đã là tuyệt vời. Nếu không tôi mong phụ huynh nhìn nhận vấn đề, giãn sự quan tâm vào chuyện luyện chữ đẹp hay tính toán nhanh để dạy cho con những kĩ năng khác quan trọng hơn.

Với con cái, bà có thực hiện như đề xuất vừa rồi?

Ngày nhỏ thầy cô chỉ nhắc nhở chứ không rèn cho học sinh như tôi. Lên phổ thông chữ tôi rất xấu. Nhưng từ khi lên ĐH chữ tôi đẹp hơn nhiều. Như vậy muốn chữ đẹp cũng do ý thức con người.

Với con cái, tôi chủ trương giáo dục mở. Tôi đến trường con đề nghị giáo viên không giao bài tập về nhà theo đúng chủ trương của Bộ. Con từ nước ngoài về trước ngày khai giảng, tiếng Việt đôi chỗ chưa sõi nhưng tôi không dạy trước. Suốt thời gian tiểu học, cháu không đứng nhất nhì lớp nhưng vẫn học giỏi.

Cháu được chơi nhiều, học nhiều điều về cuộc sống. Cháu biết con cá sinh ra thời điểm nào, nguy cơ nào cá có thể gặp trong cuộc đời, thích thú khi tìm hiểu hoạt động của ốc sên,…Văn của cháu cũng vì vậy mà không sáo rỗng, rập khuôn.

Với những kiến thức phong phú, cháu tự tin chọn trường để thi vào lớp 6 và đã đỗ lớp chuyên Văn.

Xin cảm ơn bà!

  • Văn Chung

Cuối năm 2012, VietNamNet thực hiện diễn đàn "bỏ hay không bỏ luyện thi viết chữ đẹp?" và thu nhận nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi.

GS Nguyễn Ngọc Lanh (ĐH Y Hà Nội), người khởi xướng diễn đàn nêu vấn đề: Viết chữ đẹp đã lỗi thời? Theo ông, tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua - tuy rất bổ ích cho “thành tích” của người có quyền, nhưng - vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em? Xem toàn bộ bài viết tại đây.

Lý giải cho phong trào này, ông Trần Mạnh Hưởng, nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), người tham gia ban tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp ở tiểu học cấp quốc gia năm 2002, 2006; chủ biên cuốn Dạy và học Tập viết ở Tiểu học theo chương trình và SGK mới do NXB Giáo dục xuất bản năm 2006 cho biết, “Cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Chữ đẹp cũng vậy. Chỉ có người lợi dụng cái đẹp mới đáng bị chỉ trích. Trước sau, tôi vẫn giữ quan điểm rèn cho học sinh viết đẹp không có gì sai lầm cả, là tốt".Xem toàn bộ bài viết tại đây.

CÁC THẢO LUẬN KHÁC