Vị giáo sư này than thở đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ, được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp,

"Vậy mà giờ này đang bị người ta doạ nạt là sắp tới phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp. Nếu không có chứng chỉ đó, sau này, sẽ không được hành nghề giảng viên nữa" - vị giáo sư này than.

{keywords}
Giáo sư cũng phải đi học nghiệp vụ sư phạm

Giáo sư này cho biết lúc thi vào biên chế, ông đã phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học, nhưng chứng chỉ này hiện không được chấp nhận mà bắt buộc phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Lời than thở của ông đang là thực tế "dở khóc, dở cười" trong môi trường giáo dục hiện nay.

Vì sao có yêu cầu này?

Đó là do có sự chênh lệch giữa Thông tư 12/2013 về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT ban hành và Thông tư 36 (năm 2014) liên Bộ Nội vụ và Bộ GD- ĐT, quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các sơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, trong Thông tư 12/2013 của Bộ GD-ĐT quy định đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH thì mới phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Mặt khác, Thông tư này cũng quy định các đối tượng đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn, được miễn trừ 2 học phần 7, 8 của chương trình bồi dưỡng này.

Các đối tượng đang giảng dạy cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ 10 tín chỉ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu (từ học phần 1 đến học phần 6) của chương trình bồi dưỡng.

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 36 ban hành năm 2014 của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT (quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp và chức danh của viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập) lại yêu cầu giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Giáo sư từng được miễn học chứng chỉ sư phạm

Nhưng cách đây 12 năm, GS, PGS không phải thực hiện các yêu cầu trên.

Cụ thể, khi Thông tư 61/2007 do Bộ GD-ĐT ban hành về chương trình bồi dưỡng nghiệp cho giảng viên ĐH, CĐ đã yêu cầu giảng viên phải được học đầy đủ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu của chương trình bồi dưỡng.

Các đối tượng chưa tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình.

Tới năm 2008, khi Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 31 về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm lại nêu đối tượng áp dụng là giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; Giảng viên giảng dạy trình độ ĐH, CĐ chưa có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm...

Tuy nhiên, văn bản này miễn áp dụng đối với các giáo viên, giảng viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên và những người đã có chức danh PGS, GS.

Như vậy, có nghĩa từ năm 2008, những người có 20 năm giảng dạy và có học hàm PGS, GS sẽ không phải bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, cấp chứng chỉ sư phạm.

Vậy tại sao 5 năm sau, Bộ GD-ĐT lại quy định bắt buộc GS, PGS phải có chứng chỉ sư phạm?

Mang vấn đề này đi hỏi hai vị là PGS trong ngành giáo dục, chúng tôi nhận được ý kiến trái ngược nhau.

Một vị đang công tác ở trường đại học cho rằng đây là điều “bất hợp lý” nhất mà ông từng thấy.

Theo ông, việc các cơ quan quản lý yêu cầu GS, PGS có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng như việc phải chuẩn hóa mọi thứ. Và cái lý của cơ quan quản lý là giảng viên có học hàm, học vị ra sao cũng phải có đầy đủ chứng chỉ như là hành trang để hành nghề, nhưng giá trị thực sự lại không chứng minh được điều này.

“Điều đáng nói là nội dung của chương trình nghiệp vụ sư phạm là gì, sau khi học lớp đó có làm tăng năng lực giảng dạy không hay chỉ là cái cớ để cấp một loại chứng chỉ” - ông băn khoăn.

Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thì cho rằng GS, PGS là học hàm, được phong dựa chủ yếu vào thành tích nghiên cứu khoa học, chứ không có đánh giá năng lực sư phạm. Hiện nay, có nhiều giáo sư rất giỏi chuyên môn nhưng dạy sinh viên không hiểu do không được huấn luyện về sư phạm. Vì vậy, GS, PGS phải học để có chứng chỉ sư phạm là chuyện bình thường.

Theo ông Dũng, chứng chỉ sư phạm ĐH hiện nay có nhiều điểm khác so với chứng chỉ sư phạm bậc 2 lúc trước, do đó, việc học này là cần thiết, chứ không thừa.

Lê Huyền

Không quá 3 người một trường đại học tham gia hội đồng giáo sư ngành

Không quá 3 người một trường đại học tham gia hội đồng giáo sư ngành

- Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.