Tại hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29/4, một điểm mới đáng chú ý là các địa phương có thể lựa chọn hình thức đấu thầu trong đào tạo giáo viên.   

Không đơn thuần chỉ là việc đấu thầu!

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội băn khoăn chuyện đặt hàng đào tạo giáo viên về cơ chế, quy trình để ra các thủ tục, hồ sơ.

“Nếu như không cẩn thận dễ xảy ra chuyện các đơn vị đào tạo giáo viên suốt ngày đi chuẩn bị hồ sơ để... chào hàng. Bởi không phải cứ chỉ Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN hoặc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến đặt hàng là ngay được, bởi lãnh đạo tỉnh cũng phải lo, bởi ký xong là phải chịu trách nhiệm. Hồ sơ chuẩn bị như thế nào, tiêu chí có hay không, tiêu chí đặt ra là gì, đội ngũ như thế nào, điều kiện đảm bảo chất lượng,... có cần phải có không hay cứ cạnh tranh về giá là được?

Đấu thầu càng phức tạp. Không chỉ một đơn vị mà đấu thầu giữa nhiều đơn vị. Bởi có khi chỉ 200 chỉ tiêu thôi nhưng 4-5 đơn vị. Đó là chưa nói đến trường hợp địa phương không chỉ đấu thầu tổng chỉ tiêu cho một đối tượng giáo viên mà có nhu cầu số lượng khác nhau về giáo viên các môn. Tôi rất băn khoăn về cơ chế, quy trình để ra các thủ tục, hồ sơ. Bởi sản phẩm đào tạo khác các sản phẩm khác là không phải mua là có thể sử dụng ngay mà phải đợi 4-5 năm sau mới thấy được chất lượng, sản phẩm đầu ra”, ông Thanh trăn trở.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng băn khoăn về chuyện đấu thầu, đặt hàng.

“Liệu có đảm bảo bài toán chất lượng và bài toán tài chính được đặt ra một cách có trách nhiệm cao nhất hay không. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải quan tâm thực sự để loại trừ các chi phối tiêu cực. Bởi đây không đơn thuần là việc mua bán mà là trách nhiệm với tương lai giáo dục của đất nước. Tôi nghĩ việc này chúng ta không thể nói lý thuyết được mà phải từ thực tiễn. Mà thực tiễn diễn ra sẽ có những lúc trái với những dự định đúng đắn của chúng ta”, ông Minh nói.

Thứ hai, về đấu thầu, có 2 vấn đề cần lưu ý là năng lực của cơ sở đào tạo và mức giá.

“Các trường đại học sư phạm, các cơ sở có đào tạo giáo viên đều nói rằng đây là cơ sở đào tạo chất lượng cao. Chưa có cơ sở đào tạo nào tuyên bố rằng trường chúng tôi đào tạo chất lượng trung bình hoặc khá cả. Còn người dạy thì thạc sĩ trở lên là chắc chắn. Như vậy vấn đề còn lại chỉ còn là giá. Giá thì chịu tác động bởi rất nhiều thứ. Như vậy nếu không thận trọng thì việc đào tạo giáo viên trở thành một thứ hàng hóa bình thường. Đây là một nguy hại ngành giáo dục”, ông Minh nhấn mạnh.

Về thời gian đấu thầu, ông Minh cho hay, nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên cả một năm sẽ chỉ tập trung để đi đấu thầu, như vậy các việc khác sẽ rất khó tập trung.

Do đó, ông Minh đề xuất, Bộ GD-ĐT dự báo năng lực trên cơ sở của các địa phương trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về phía địa phương, đăng ký nhu cầu theo từng giai đoạn với số lượng cụ thể. Nhà nước bỏ tiền ra thì cần phải quản lý chất lượng, quản lý và phân bố sản phẩm là sinh viên tốt nghiệp. Có kế hoạch rất cụ thể về thời điểm các trường có thể tuyển sinh, tham gia đấu thầu,...

“Việc này phải trên tổng thể quốc gia, bởi nếu không, vô hình trung, chúng ta sẽ tạo nên những vùng trũng về chất lượng giáo dục”, ông Minh nói.

Lãnh đạo tỉnh lo khó giải trình

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đặt vấn đề: “Ví dụ sinh viên là con em của tỉnh Lạng Sơn hoặc các tỉnh lân cận nhưng các trường trúng thầu đào tạo giáo viên ở quá xa, ví dụ như ở miền Nam thì các em đi học sẽ rất khó khăn. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo, hướng dẫn việc này sát hơn”, ông Huyên nói.

{keywords}
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng băn khoăn bởi việc đấu thầu một đối tượng đặc biệt.

“Nếu như chúng ta đưa ra đấu thầu đào tạo nhà giáo, sau này, sẽ có những người có trách nhiệm đặt ra câu hỏi rằng tại sao đều là 2 cơ sở đào tạo sư phạm, mà bên này giá thấp hơn bên kia tại sao không chọn? Khi đó không trả lời được đâu. Giờ nhiều trường đào tạo sư phạm và đều gửi thư mời đến cùng lời giới thiệu là hàng đầu. Đó là khó khăn. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT có trách nhiệm làm rõ nội dung này”.   

Ông Thủy cho rằng, các thầy cô giáo là nguồn để đào tạo ra đội ngũ tri thức và tương lai cho đất nước. Do đó, cần thận trọng trong vấn đề đào tạo.

{keywords}
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) hiện nay, cơ chế là khuyến khích những trường có điều kiện, khả năng, năng lực áp dụng cơ chế doanh nghiệp.

“Các trường phải tự làm lấy, giờ nói mang hồ sơ còn khó nhọc thì chẳng ai có thể hộ mình. Phải mang hồ sơ, quảng bá thương hiệu, chứng minh năng lực của mình. Đấu thầu thì không khó nhưng chất lượng, tự các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng và công bố; giải pháp cuối cùng là phải kiểm định chương trình qua đó khẳng định được chính mình. Khi đó thì tự các cá nhân, tổ chức, người học tự tìm đến”, ông Khánh nói.

“Chúng ta cạnh tranh qua đấu thầu bằng chất lượng chứ không phải tìm cách hạ giá để trúng thầu. Đó là lỗi của chính chúng ta chứ không phải lỗi của cơ chế, chính sách”, ông Khánh nói.   

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, nghị định đưa ra các cơ chế khác nhau để các địa phương lựa chọn chứ không bắt buộc các địa phương phải đấu thầu.

Cụ thể, có 3 cơ chế: Giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu.

"Đấu thầu là hình thức cạnh tranh mạnh nhất, khi mà các địa phương có yêu cầu rất cao, tạo sức cạnh tranh thì đấy là cơ hội chứ không bắt buộc các địa phương phải lựa chọn hình thức đấu thầu. Tất nhiên mình muốn được cái rất tốt thì mang ra đấu thầu rộng rãi, thế còn các địa phương có thể giao nhiệm vụ, cũng như đặt hàng" - ông Sơn nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định, nhiều vấn đề liên quan đến cả hệ thống và các bộ, ngành khác. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận các đề xuất để tìm cách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thanh Hùng

Sắp có đấu thầu trong đào tạo giáo viên

Sắp có đấu thầu trong đào tạo giáo viên

Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.