Chia sẻ tại hội thảo “Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc bắt đầu từ 7 thói quen lãnh đạo bản thân” diễn ra sáng nay 24/5, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay, không ít nhà giáo hiện nay chịu rất nhiều áp lực.

“Thi cử, bệnh thành tích, bạo lực học đường là những vấn đề đang làm mất niềm tin vào ngành giáo dục và áp lực đối với các nhà giáo”.

TS Lâm cho rằng không ít giáo viên  hiện nay dù hết sức nghiêm túc nhưng không có động lực, không có năng lực để tự thay đổi mình.

Là những “thợ dạy” lý thuyết để phục vụ thi cử, thêm vào quán tính nghề nghiệp, những điều này làm cản trở đổi mới.

{keywords}
TS Nguyễn Tùng Lâm

Theo ông Lâm, cần phải có các biện pháp tác động vào nội lực của các nhà giáo, chứ hiện nay vẫn ở tình trạng trông chờ “trên bảo gì, dưới nghe nấy”. Nhưng tự thân nhà giáo không thể làm được mà phải có một cộng đồng cùng thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nói rằng bản thân người lãnh đạo cũng phải thay đổi, nếu không thì không thể thay đổi được giáo viên của mình.

“Không thể kêu gọi việc giáo dục, đào tạo ra những học sinh toàn cầu mà các giáo viên không có động lực và năng lực để trở thành giáo viên toàn cầu”, bà Hiền nói.

{keywords}
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ: "Khác với ngành nghề khác, xã hội luôn mong muốn các thầy cô giáo phải là người chuẩn mực".

Các thầy cô lên lớp dạy học sinh bằng niềm tin của xã hội, bằng nhân cách cá nhân bên cạnh chuyên môn sư phạm.

"Tôi mong xã hội nhìn nhận một cách công bằng, chia sẻ, hỗ trợ với các nhà trường và các thầy cô để xây dựng hình ảnh các thầy cô đúng nghĩa. Nếu không tạo được niềm tin của xã hội, của học sinh, phụ huynh với nhà trường, giáo viên thì chắc chắn hiệu quả giáo dục không đạt được như mong muốn”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng; đồng thời cảnh báo sự chủ quan của các nhà trường và của các hiệu trưởng:

“Sau một thời gian làm việc, ở các trường công lập có việc các hiệu trưởng sao nhãng. Quen việc và vận hành trơn tru, nhưng trong giáo dục, với sự phát triển của xã hội hiện nay, nếu vận hàng năm sau như năm trước, không có gì thay đổi thì đang tụt hậu so với yêu cầu chung”.

Trong khi đó, thực tế đối với trường công lập, sự thay đổi của giáo viên cũng như cấp quản lý thường rất chậm.

Nhìn nhận bản  thân giáo viên dễ mang tính bảo thủ, chậm thay đổi do tính chất nghề nghiệp. Chính vì vậy mà những khóa đào tạo bồi dưỡng hàng năm cho giáo viên, Sớ GD-ĐT Hà Nội luôn chú trọng đến việc này; nhằm hâm nóng động lực, trang bị những kỹ năng mới.

Thanh Hùng

Các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới vẫn liên tục đổi mới

Các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới vẫn liên tục đổi mới

Đó là chia sẻ của TS. Tshering Lama (lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới) tại hội thảo trường học chất lượng cao trong thời đại 4.0 – Nhận định, thách thức và giải pháp do ĐH Anh quốc Việt Nam tổ chức.