Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Nếu so với thông tư 12/2011/TT-BGDĐT bị thay thế, thì thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh.
Để có thông tin cụ thể hơn về điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT):
- Ông có thể làm rõ sự điều chỉnh trong thông tư mới lần này so với trước đây về quy định liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học?
Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng |
Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên.
- Vì sao Bộ GD-ĐT quyết định đưa ra việc điều chỉnh này, thưa ông?
Hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục đang hướng dẫn và khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác,...
Với thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh.
Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.
Với những lớp học chưa có điều kiện về phòng máy tính và không nhất thiết phải vào phòng máy thì trong hoạt động học tập mà giáo viên giao cho học sinh sẽ có những bài học mà ở đó học sinh có thể truy cập vào mạng hoặc các nguồn học liệu mạng LAN của trường. Có nghĩa rằng khi đó, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những điều đó song phải thực hiện theo nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao cho.
- Tuy nhiên, hiện nhiều phụ huynh lo lắng, nếu được sử dụng điện thoại trong lớp thì sẽ học sinh sẽ khó tập trung trong giờ học?
Trong một giờ học của một lớp học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.
Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.
Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.
Thanh Hùng
Phụ huynh 'chia rẽ' trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ
Trong khi nhiều người cho rằng điện thoại thông minh là công cụ hữu hiệu giúp học trò mở rộng kiến thức ngoài sách vở, không ít phụ huynh lại lo lắng, ranh giới giữa game và tra cứu thông tin học tập chỉ cách nhau một cú ấn nút.
Giáo viên tiểu học được tự chủ chuyên môn từ ngày 20/10 tới
Giáo viên tiểu học được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục (tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh...)