Học sinh “bơ phờ” vì học online thi trực tiếp
Điều khiến học sinh cảm thấy vất vả nhất là do khung thời gian quy định từ Sở, hầu hết các trường xếp lịch thi chỉ trong vòng 1 tuần, trung bình các em thi 2 môn/ngày.
Khoảng 800.000 học sinh TP.HCM đã đến trường học trực tiếp từ đầu năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng |
Trên một diễn đàn trên mạng xã hội, hàng nghìn học sinh đã chia sẻ cảm xúc của mình về đợt kiểm tra học kỳ vừa qua.
“Mỗi ngày em ngủ khoảng 2-3 tiếng, phải học hơn trăm câu trắc nghiệm trong vòng chưa tới một tuần cộng thêm sương sương chỉ hơn chục câu tự luận từ đủ các môn để thi cho kịp trong một tuần”.
“Trong đợt thi, mỗi ngày em ngủ có 2-3 tiếng mới đủ giờ để học, ngủ lố là vừa khóc vừa ôn bài. Môn học bài thì có mấy trăm câu ôn tập, còn môn tự nhiên thì nội dung gồm bài từ đầu năm tới giờ. Nhưng rồi cũng xong thôi”....
Lịch kiểm tra học kỳ của một trường THCS ở TP.HCM |
Mặc dù than thở, nhưng nhiều học sinh cũng đồng tình với mục đích của việc thi trực tiếp. Em Nguyễn Hữu Thịnh cho rằng thi trực tiếp trên trường thật sự giúp cho bài thi tăng tính minh bạch, kiến thức có sự giảm tải rõ rệt.
Trọng Tín cũng cho biết em tự thấy rõ rằng kiến thức ở học kì I này so với năm ngoái thì thật là đơn giản quá vì đã giảm tải rất nhiều. Tuy nhiên, điều em lo không chỉ là lỗ hổng kiến thức mà chính là “cú sốc” khi mà não bộ đã quen với việc tiếp thu kiến thức từ từ như lúc học online nay xoay mình một cái là phải bắt đầu với việc học tập cấp tập”.
Em Nguyễn Thu Hằng thì cho biết em đã hoàn thành xong một học kì đầy gian nan khó khăn nhưng mà cũng khá là vui.
“Thời gian trước khi thi một tuần thì ôn trắc nghiệm, sau đó thì thấy đổi chuyển sang tự luận nên em không bắt kịp lắm nhưng cũng không sao. Đến khi thi thì cũng coi như là ổn và sau khi kết thúc kì thi thì thành "công chúa" ngủ trong nhà vì cực kì mệt” – Hằng nói vui.
Lịch kiểm tra học kỳ của một trường THPT. Hầu hết các trường ở TP.HCM xếp lịch kiểm tra 2 môn/ngày |
Và một điều khiến học sinh TP.HCM cũng tự nhận thấy là kết quả bài kiểm tra sẽ có nhiều khác biệt với khi kiểm tra online.
“Em vượt khó giảm từ 9 điểm tới trung bình” - Tú Uyên than thở.
Hồ Như thì cho biết ngày nào em cũng phải thức đêm vì ôn hết lý thuyết từ đầu năm đến giờ cho mỗi môn để thi vì lịch thi nằm kế sát rạt nhau. "Đi thi không ôn kịp nội dung luôn. Nói chung là em tuột từ học sinh giỏi sang trung bình".
'Điểm thấp hơn đã nằm trong dự đoán'
Thầy giáo Lê Thanh Long, giáo viên Địa lý Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn), cho biết nhìn chung kết quả kiểm tra học kỳ I của khối 10 và 11 ở nhiều môn thấp hơn khối 12, nhiều môn vẫn còn học online nhưng tất cả thi trực tiếp.
Giáo viên nhà trường đang chấm bài những môn cuối để thứ 5 và thứ 6 phát và sửa bài cho các em.
Riêng với môn Địa lý, thầy Long cho biết kết quả thấp hơn đôi chút so với bài kiểm tra giữa kỳ.
“Lần này kiểm tra thi trực tiếp, ngoài 6 điểm trắc nghiệm thì có 2 câu tự luận chiếm 4 điểm. Nhiều em bài điểm dưới trung bình do không học kỹ bài, làm lạc đề, bỏ câu...”.
Theo anh Long, kết quả kiểm tra học kỳ không nằm ngoài dự đoán của Ban giám hiệu và giáo viên bộ môn của trường. Kết quả này phản ảnh thực chất để học sinh có sự cố gắng trong thời gian tới.
Trong tuần này, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ trả bài kiểm tra, giải đáp thắc mắc và phúc khảo đối với những môn đã được nhập điểm, ráp phách như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý... tùy theo khối. Những môn còn lại sẽ tiếp tục được cập nhật và phát trả bài cho học sinh sau khi thầy cô chấm, nhập điểm và ráp phách.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đề kiểm tra nhẹ nhàng hơn so với những bài kiểm tra của năm học trước.
Theo ông Tuấn, tùy bộ môn mà nhà trường biên soạn đề kiểm tra theo hình thức phù hợp. Cụ thể, các môn Toán, Ngữ văn ra đề theo hình thức tự luận, môn Tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Những môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử… kết hợp hình thức tự luận với trắc nghiệm theo tỷ lệ 7-3.
Hôm 18/1, kỳ kiểm tra học kỳ của Trường THCS Cách mạng tháng Tám (Quận 10) mới kết thúc. Cô Lương Duyên Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết sau khi học sinh khối 7, 8 đi học trở lại vào ngày 4/1, nhà trường đã tổ chức ôn tập cho các em. Trong đó, khối 7, 8 ôn 4 buổi trong một tuần, khối 9 ôn hai tuần.
Nhận xét về học sinh, cô Mai cho biết một số em sau thời gian học online kiếm thức nắm không ổn so với khi học trực tiếp. Với những em “đuối” nhất, nhà trường tổ chức lớp phụ đạo riêng ở từng bộ môn, trong đó chủ yếu rơi vào những bộ môn yêu cầu tính toán.
“Đề kiểm tra học kỳ có giảm tải so với khi học trực tiếp. Chúng tôi làm chặt chẽ, mỗi phòng chỉ bố trí 15 học sinh với 4 mã đề để các em không trao đổi bài với nhau được”.
Với một số môn ở một số lớp đã hoàn thành việc chấm bài kiểm tra, cô Mai cho biết có từ 15-20% học sinh điểm dưới trung bình.
“Kết quả khá chênh lệch so với những bài kiểm tra các em làm online. Nhưng chúng tôi muốn kiểm tra trực tiếp ra trực tiếp để biết chất lượng thật của học sinh” – cô Mai nói.
Sau khi hoàn thành kiểm tra, học sinh nhà trường sẽ được nghỉ 3 ngày. Tới tuần sau nhà trường sẽ trả bài và chữa bài cho các em.
Riêng với khối 6 vẫn chờ khi học trực tiếp mới kiểm tra học kỳ. Cô Mai nói hy vọng mọi việc suôn sẻ để các em có thể tới trường học.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 10/1 các trường trung học trên địa bàn TP bắt đầu tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức trực tiếp tại trường. Trong đó, các môn kiểm tra theo hình thức tập trung (theo lịch của trường) là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý… Các môn còn lại như Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo dục công dân…, học sinh sẽ làm bài tại lớp. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đợt kiểm tra học kỳ I nhằm kiểm tra quá trình học và tiếp thu kiến thức của học sinh. Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra do hiệu trưởng quyết định, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh. Sở cũng yêu cầu các trường không tổ chức kiểm tra trước và theo hình thức ngoài kế hoạch của Sở. Nội dung kiểm tra không vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm. |
Phương Mai
Băn khoăn điểm thi học kỳ online 'đẹp long lanh' của học trò
“Đến hẹn lại lên”, sau đợt kiểm tra học kỳ I, không ít phụ huynh hào hứng khoe trên mạng xã hội kết quả của con với những điểm số đáng ngưỡng mộ.
Học sinh TP.HCM học trực tuyến nếu bố mẹ không cho đến trường
Trong buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều nay, đại diện Sở GD-ĐT cho biết sau Tết, nếu cha mẹ chưa đồng thuận thì học sinh có thể tiếp tục học trực tuyến, học qua truyền hình..