Mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp và để chuẩn bị cho một lực lượng lao động có khả năng tiếp cận và ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

{keywords}
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến. Ảnh: Thanh Hùng

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thị trường lao động 4.0.

Do đó, đòi hỏi một số kỹ năng mới trong thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần thay đổi một số phương pháp trong giáo dục nghề nghiệp như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số và cả kỹ năng khởi nghiệp của người học.

“Đặc biệt là kỹ năng số và chúng ta đã thấy rõ điều này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu vừa qua. Khi mọi hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì nhờ việc triển khai, tổ chức các hoạt động đào tạo dựa trên nền tảng trực tuyến, chúng ta đã phần nào khắc phục được sự đình trệ của các hoạt động đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp”.

Theo ông Dũng, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị những kế hoạch, chiến lược cụ thể để tiếp cận, hòa nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ khá sớm và sự quan tâm của Chính phủ tới giáo dục nghề nghiệp cũng ngày càng tốt hơn.

Mới nhất, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ thị này đặt ra những định hướng và giải pháp để khắc phục 3 hạn chế mà giáo dục nghề nghiệp đang gặp phải.

Thứ nhất là quy mô đào tạo nghề của Việt Nam còn nhỏ. “Hiện nay mỗi năm chỉ tuyển sinh đào tạo 2,2 triệu người- quy mô rất nhỏ so với lực lượng lao động 55 triệu người. Chúng tôi mong muốn có thể tăng gấp đôi quy mô này trong vòng 5 năm tới, cùng với việc đánh giá kỹ năng nghề của lao động- đây là những thách thức”, ông Dũng cho hay.

Hạn chế thứ 2 là chất lượng đào tạo. “Chúng ta đòi hỏi những kỹ năng, yêu cầu mới trong kết quả của người học nhưng việc tích hợp các kỹ năng 4.0 vào hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay không dễ”.

Hạn chế thứ 3 là việc hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Ông Dũng cũng bày tỏ mong muốn xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt, có khả năng thích ứng với bối cảnh số hóa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

{keywords}
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh:Thanh Hùng

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)cho hay, trong dự án này có những đề xuất đáng chú ý.

“Đặc biệt chúng tôi để ý đến đề xuất học hỏi phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia dựa vào năng lực của Hàn Quốc. Đây là một kinh nghiệm rất thành công của nước bạn. Theo đó, lực lượng lao động được đo lường và đánh giá bằng khung năng lực người lao động. Nếu như Hàn Quốc giúp trong việc này thì tôi tin rằng hệ thống đánh giá của chúng ta sẽ được tăng cường và phát triển. Bởi đây là thước đo cho chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp”.

Theo ông Trường, hiện nay, mỗi năm Hàn Quốc đánh giá được khoảng 3 triệu lao động. “Trên tổng số hơn 50 triệu lao động, thì họ đã đánh giá kỹ năng nghề được trên 33 triệu, tức là khoảng 2/3 lực lượng lao động. Trong khi đó Việt Nam khoảng gần 56 triệu lao động, nhưng sau 10 năm, chúng ta chỉ đánh giá được 60.000 người. Vì vậy cần phải đẩy mạnh hệ thống này lên, có đủ năng lực để đánh giá và chuẩn hóa lực lượng lao động nhanh nhất để đáp ứng kịp thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trường nói.

Ông Trường cho rằng, cần thúc đẩy việc này, bởi dựa vào khung chuẩn bộ năng lực kỹ năng nghề, doanh nghiệp tuyển dụng người lao động; hệ thống đào tạo cũng dựa vào chuẩn đó để xây dựng chương trình. Đặc biệt, người lao động cũng có thể nhìn vào chuẩn đó để thấy rằng công nghiệp 4.0 cần, yêu cầu những gì để tự định hướng học tập, hướng nghiệp cho mình.

Thanh Hùng

Xây gạch và làm bánh mỳ vào kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020

Xây gạch và làm bánh mỳ vào kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020

Sau thời gian trì hoãn vì dịch Covid-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa thông báo thời gian tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 dự kiến từ ngày 7/8 đến 15/8.