- Tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học và làm rõ chức năng, hoạt động của đại học phi lợi nhuận là một trong những chủ đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị góp ý về dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều diễn ra chiều 24/8.

{keywords}
Hội nghị góp ý về dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều diễn ra chiều 24/8. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cấu trúc đại học phải phù hợp thế giới để đủ sức cạnh tranh

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, để hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) nước ta tường minh, phù hợp với hệ thống GDĐH thế giới thì chỉ nên bao gồm: đại học (university) và trường đại học (college).

Trường đại học gồm các khoa và viện nghiên cứu. Đại học gồm các trường chuyên ngành (school), khoa, viện nghiên cứu. Đại học quốc gia, đại học vùng gồm các trường đại học thành viên.

trường chuyên ngành do đại học quyết định thành lập, gồm các bộ môn và trung tâm nghiên cứu.

Theo mô hình này, về lâu dài, hệ thống GDĐH nước ta sẽ gồm các đại học lớn là chính. Các trường đại học còn lại chỉ đào tạo những chuyên ngành chuyên biệt, đặc thù.

“Trong các đại học cần có sự phân biệt đại học mang tính tổng hợp và đại học mang tính tổ hợp. Các đại học này khi dịch sang tiếng nước ngoài đều là university/université nhưng khác nhau về nội hàm sẽ được làm rõ trong các văn bản dưới luật” – ông Ga nêu ý kiến.

Đại học (mang tính tổng hợp) sẽ có các trường chuyên ngành. Các trường chuyên ngành này không có tư cách pháp nhân như trường đại học. Các trường đại học có thể sáp nhập vào đại học và được cấu trúc lại thành các trường chuyên ngành/ khoa/ viện của đại học. Ví dụ, Đại học Cần Thơ có Trường Công nghệ thông tin, Trường Nông nghiệp, Viện Lúa, Viện Môi trường… hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội có Trường Điện, Trường Luyện kim…

Còn đại học (mang tính tổ hợp) là các đại học quốc gia, đại học vùng. Nó bao gồm các trường thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Hiện nay 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng đã theo mô hình này.

“Sau khi Luật sửa đổi ra đời có thể thành lập thêm các Đại học mới, ví dụ như Đại học Vinh là tổ hợp các trường đại học trên địa bàn Nghệ An, hay Đại học Đồng Nai bao gồm các trường Đại học thành viên trên địa bàn…” – ông Ga đề xuất.

Theo nguyên Thứ trưởng, trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học nhỏ lẻ, manh mún không còn mang lại hiệu quả đầu tư, không đủ sức cạnh tranh, xếp hạng.

{keywords}
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng mô hình đại học đa lĩnh vực của ta hiện đang gây hiểm lầm. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cùng chủ đề này, TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bàn luận: Ở Việt Nam, các cơ sở GDĐH thường được tổ chức theo từng lĩnh vực kinh tế-xã hội, ví dụ như: trường đại học tổng hợp, trường đại học kinh tế, trường đại học sư phạm…

Cách tổ chức như vậy gắn rất chặt với cơ chế bộ chủ quản: mỗi trường đại học luôn thuộc về một bộ chủ quản. “Điều này hoàn toàn khác với bản chất tự chủ của các đại học đa lĩnh vực - rất thích hợp với cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường” – ông Khuyến nói.

Hiện nay, các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học – trường – khoa – bộ môn.

“Để giữ được vị thế của mình vốn là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thường sử dụng mô hình: university – university – Faculty – Department, gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học”.

Với mô hình như vậy, cấp “đại học” có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” đối với các trường đại học thành viên. “Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một cấp “bộ chủ quản”, tức là giải thể các đại học đa lĩnh vực” – TS. Khuyến nêu thực tiễn.

Không phải 'phi lợi nhuận' là học phí thấp

Theo ông Trần Đức Cảnh – Uỷ viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, mô hình trường phi lợi nhuận (PLN) trong các dự thảo Luật hiện nay chưa diễn đạt hết ý nghĩa và mục đích của loại hình trường này.

Ông nêu 2 tiêu chí của trường PLN đang phát triển mạng ở các nước là: không có tính sở hữu (tức là không có cổ đông và chia cổ tức) và tính giải trình cao. Hội đồng quản trị (HĐQT) là bộ phận có quyền hành và trách nhiệm cao nhất của trường. HĐQT thuê Hiệu trưởng điều hành và quản lý trường.

“Nguồn thu chính của trường gồm học phí, đóng góp của xã hội, hợp đồng với Chính phủ và doanh nghiệp, nguồn thu từ đầu tư… Đa phần nguồn thu chính của trường là học phí. Học phí thu ở các đại học PLN cao hơn trường công và trường lợi nhuận rất nhiều, vì xã hội đánh giá phần lớn loại trường này chất lượng và đẳng cấp hơn. Họ cũng có khả năng cấp học bổng cho nhiều sinh viên nghèo, học giỏi” – ông nêu thực tế các trường đại học PLN ở Mỹ.

Ông Cảnh cho biết, hiện nay không có trường “lợi nhuận” nào nằm trong top 500 trường hàng đầu của Mỹ.

Ở nước ta hiện nay vẫn còn xa lạ với loại hình trường này, nhưng ông tin rằng đây là mô hình có thể giúp cho GDĐH Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhưng nếu không giải quyết được tính sở hữu và cấu trúc của loại hình này thì đại học PLN chỉ mang tính “nửa mùa”, thiếu sự bền vững và lâu dài.

Ông đề xuất, mô hình này được đưa vào Luật Giáo dục (PLN cho các cấp chứ không riêng đại học).

{keywords}
Ông Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long đề xuất làm rõ khái niệm "phi lợi nhuận". Ảnh: Nguyễn Thảo

Cũng bàn về đại học PLN, ông Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long đề xuất "khái niệm trường PLN để phát triển, chứ không phải PLN vì bác ái, nhân đạo…   Đó là chuyện khác. Ví dụ như Harvard, hiện nay có 34.541 tỷ USD tiền quỹ và có hàng trăm người rất giàu có nhận khoản tiền đó về hoạt động để ra lãi hằng năm cho trường. Nhưng họ thu tiền học phí vẫn rất cao – 43 nghìn USD/ năm cho đại học và gần 60 nghìn USD cho bậc thạc sĩ, nhưng họ vẫn là PLN”.

Nguyễn Thảo

Kiến nghị giảm bớt trường công để tăng đầu tư cho giáo dục đại học

Kiến nghị giảm bớt trường công để tăng đầu tư cho giáo dục đại học

Bộ Tài chính đề xuất sớm sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có trường đại học.

"Việt Nam chưa sẵn sàng tiến hành đồng bộ tự chủ hóa trường công"

"Việt Nam chưa sẵn sàng tiến hành đồng bộ tự chủ hóa trường công"

 Hai tên tuổi lớn lớn trong giới khoa học tại Pháp và quốc tế đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện tự chủ của đại học Việt Nam.