- Bộ Tài chính đề xuất sớm sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có trường đại học để nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.
Học phí: "Đã tăng cao" nhưng "vẫn còn thấp"
Tại hội thảo “Giáo dục đại học Việt Nam: Chuẩn hoá và Hội nhập quốc tế” do Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17/8, tài chính đại học là một trong ba chủ đề được tập trung thảo luận.
Các đại biểu tại hội thảo nhìn nhận các nguồn thu cho giáo dục đại học Việt Nam còn thấp trong tương quan với thế giới. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Trong giai đoạn 2013 - 2017, Ngân sách Nhà nước đã chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục đại học.
Bộ Tài chính nhìn nhận: Nguồn tài chính cho bậc đào tạo này còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách và từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Mức học phí thấp làm ảnh hưởng tới nguồn thu của bậc đào tạo này.
Các nguồn thu của trường đại học. Thống kê của PGS Thái Bá Cần |
Một báo cáo của PGS Thái Bá Cần (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) đã tính toán sơ bộ "chi phí đầu tư cho một sinh viên bao nhiêu là vừa", từ đó đề xuất mức thu học phí.
PGS Cần dẫn một nguồn khảo sát cho thấy, trong những năm qua, mức độ chi tiêu của của trường đại học thông qua chỉ số suất đầu tư cho 1 sinh viên trong 1 năm "đã tăng rất cao".
Nếu năm 2004, chi phí bình quân cho 1 sinh viên/năm của các nước thuộc OECD khoảng 11.000 USD thì đến năm 2014 đã tăng lên trên 16.000 USD. Ở Việt Nam cũng tăng lên rõ rệt, từ khoảng 9,24 triệu đồng (năm 2009) lên đến 16,2 triệu đồng (năm 2017).
Mức thu học phí đại học Việt Nam hiện nay. Nguồn: Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc tại hội thảo |
Cho rằng, nên tính đúng, tính đủ các chi phí để xây dựng học phí phù hợp, PGS Cần tính toán suất đầu tư cho 1 sinh viên phải được tăng lên, ở mức 37,1 triệu đồng.
Khác với các trường đại học Mỹ, nguồn hỗ trợ khác của các trường đại học Việt Nam còn rất ít, vì vậy ở đây chỉ xét đến mức chi của nhà nước (ngân sách cho 1 SV năm 2013 là 14,1 triệu đồng - tương đương 35% GDP bình quân đầu người).
Ông Cần cho rằng có thể nâng mức chi ngân sách lên 50% GDP bình quân đầu người (Malaysia chi hơn 60%). Khi đó, mức học phí đề xuất sẽ vào khoảng 10,6 triệu đồng mỗi năm.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, mức thu học phí năm học 2017 - 2018 của các cơ sở công lập chưa tự chủ là 8 triệu đồng.
Giảm sinh viên trường công để tăng ngân sách đầu tư
PGS Cần phân tích: Trong trường hợp không thể nâng số tuyệt đối mức chi ngân sách nhà nước thì vẫn có thể nâng tỷ lệ phần trăm trên GDP bình quân đầu người bằng cách giảm số lượng sinh viên công lập mà ngân sách phải chi trả.
Hiện nay, số sinh viên công lập chiếm 87% tổng số sinh viên. Một cách gần đúng, nếu giảm số sinh viên công lập khoảng 20% thì sẽ đạt được mức chi ngân sách 50% GDP bình quân đầu người cho giáo dục đại học.
So sánh chi phí bình quân đầu tư cho sinh viên của Việt Nam với các nước. Nguồn: Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc tại hội thảo |
Giảm bớt số lượng trường công cũng là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính để nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục đại học.
Cụ thể, Bộ này đã đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, các địa phương thực hiện yêu cầu “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”.
Điều đó sẽ góp phần cơ cấu lại chi ngân sách, tập trung cho các cơ sở có chất lượng cao và một số cơ sở đặc thù thông qua các phương thức chi mới như đặt hàng, đấu thầu; tránh việc chi cho những cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc thậm chí cơ sở "không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên".
Clip: Những con số của giáo dục đại học Việt Nam. Nguồn: Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần ban hành các quy định về tiêu chí chất lượng và chuẩn kết quả đầu ra trong giáo dục đại học, làm căn cứ nghiên cứu thay đổi phương thức phân bổ, sử dụng ngân sách, tiến tới phân bổ theo chuẩn đầu ra...
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GD-ĐT giải quyết bất cập học phí theo hướng đảm bảo lợi ích của cơ sở giáo dục (học phí cần tương xứng với mức độ, chất lượng cung cấp dịch vụ đào tạo...) nhưng cần phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước và có chính sách hiệu quả hỗ trợ người học...
Cần đa dạng hoá nguồn thu
Bà Đặng Thị Thanh Huyền (Học viện Quản lý giáo dục) nói: Các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: kinh phí nhà nước, kinh phí cho nghiên cứu hoặc các dự án nghiên cứu từ các bộ, học phí và lệ phí, hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn, bản quyền; dịch vụ trong khuôn viên trường; hiến tặng, tài trợ..
Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn ngân sách và học phí chiếm tới hơn 90% tổng thu của trường công (học phí khoảng 30%).
Ông Nguyễn Trọng Hoài – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc trường đại học phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn tài chính sẽ gây cản trở cho sự xây dựng và phát triển của trường đại học tự chủ.
Nguồn thu của các trường đại học ở các quốc gia phát triển còn có thể đến từ các ngành kinh tế khác như thị trường tài chính và bất động sản.
Với thị trường tài chính, hầu hết các quốc gia cho phép trường đại học vay mượn từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Tuy nhiên, chính phủ vẫn có những công cụ để kiểm soát hoạt động vay mượn như chỉ định ngân hàng cho vay mượn, sử dụng các cơ quan có thẩm quyền bên ngoài để đánh giá trường đại học, giới hạn định mức vay mượn hoặc một số điều kiện kèm theo khác.
Về khía cạnh bất động sản, ngoại trừ Brandenburg (Đức), Hesse (Đức), Hungary, Litva (Lithuania), North Rhine-Westphalia (Đức) và Thụy Điển, 22 quốc gia còn lại của Liên minh châu Âu đều cho phép trường đại học tạo nguồn vốn từ việc sở hữu các bất động sản như đất đai và cơ sở vật chất.
Các quốc gia châu Á cũng đã nới lỏng các quy định về nguồn thu, tuy nhiên, chính phủ chưa thực sự mở rộng chính sách thu học phí cho trường đại học, mà vẫn còn đó những quy định khá chặt chẽ và thậm chí là áp dụng trần học phí.
Kết quả nghiên cứu của GS Bành Tiến Long và cộng sự |
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đại học đa dạng hoá nguồn thu. Đây cũng là thách thức không nhỏ, khi theo một kết quả kiểm định đại học cho thấy hoạt động chuyển giao công nghệ của các trường hầu hết đang "lỗ". Một nghiên cứu từ kết quả kiểm định 117 trường theo bộ chuẩn 61 tiêu chí cho thấy có tới 78% cơ sở chưa đạt tiêu chí "đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí của các trường đại học cấp cho hoạt động này".
Hạ Anh - Nguyễn Thảo
Clip: Thuý Nga
Trao quyền cho hội đồng trường, trường tự chủ tài chính, tuyển sinh
Sáng ngày 13.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Tự chủ tài chính và nhập khẩu giáo trình, chưa đủ!
GS Vũ Đức Vượng trao đổi về câu chuyện thời sự: Nhập khẩu giáo trình và tự chủ tài chính tại một số trường ĐH Việt Nam...
Thủ tướng: Không để tự chủ đại học "gây rối loạn"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp là một mục tiêu của đại học.
Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM sẽ tự chủ đại học
Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM sẽ tự chủ đại học, lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020.
Thủ tướng: "Tự chủ là lối ra cho đại học VN nhưng chúng ta còn lúng túng”
Đó là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với ĐH Huế sáng nay 2/1.